Sau báo cáo đề dẫn của Phó GS.TS Nguyễn Đình Hoè, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam; tham luận của Phó GS.TS Phạm Bình Quyền, Thạc sĩ Nguyễn Mộng và Phạm Minh Hưng, đã có hàng loạt ý kiến tham luận của các nhà khoa học từ Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông lâm Huế, Vườn Quốc gia trong khu vực… đều khẳng định vai trò bất biến của dãy Trường Sơn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hoá địa phương; kiểm soát thiên tai như lũ lụt, lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; tạo ra chế độ khí hậu địa phương qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn cây trồng, vật nuôi bản địa,...
Với diện tích 11 triệu ha, nếu chỉ tính 50% diện tích đất có rừng thì mỗi năm dãy Trường Sơn ''bẫy giữ'' được từ 22 đến 25 triệu khí CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu mà không cần đầu tư gì ngoài bảo vệ rừng. Mặt khác, dãy Trường Sơn còn bảo tồn giá trị văn hoá bản địa và có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo: Có thể mọi biến động điều kiện tự nhiên trên dãy Trường Sơn đều kéo theo các biến động của các địa phương vùng chân núi. Những kế hoạch khai thác tài nguyên trên dãy Trường Sơn đều là những đánh đổi trong sinh kế của cư dân các địa phương trong vùng. Thiên nhiên dãy Trường Sơn ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đang đứng trước nguy cơ bị "băm nát" cho những mục tiêu đơn lẻ của các ngành, các tỉnh. Những hoạt động thiếu một cơ sở chiến lược quản lý tổng hợp trên dãy Trường Sơn, là sự cảnh báo sớm cho thảm hoạ môi trường trên dãy núi và những vùng liên quan...Minh chứng rõ nhất là thảm hoạ lũ lụt xảy ra tại miền Trung vừa qua.
Do đó, các đại biểu dự Hội thảo thống nhất kiến nghị cần nhanh chóng đề ra chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn trước khi quá muộn. Đồng thời tiếp tục kiểm kê, điều tra đánh giá đa dạng sinh học toàn dãy Trường Sơn; xác định các nguy cơ xâm hại của sinh vật lạ và giải pháp phòng ngừa, tăng cường chế tài đối với hoạt động khai thác, buôn bán sinh vật hoang dã, đào tạo cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học; hợp tác chặt chẽ với Lào, Campuchia và các nước khác tăng cường các hoạt động nghiên cứu, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên tại những khu vực biên giới
Thanh Tuấn, Nguyên Lý
(MONRE, 6/11/2010)