Chẳng biết trời đất đun đẩy thế nào mà đời tôi lại gắn với nghiệp môi trường. Sau này tôi mới biết rằng người ta bảo ai dính líu đến nghiệp đấy là phải có máu văn nghệ.
Nguyễn Ngọc Sinh – VACNE
Chẳng biết trời đất đun đẩy thế nào mà đời tôi lại gắn với nghiệp môi trường. Sau này tôi mới biết rằng người ta bảo ai dính líu đến nghiệp đấy là phải có máu văn nghệ. Mà tôi thì làm gì có. Nếu văn nghệ là phải biết viết báo làm thơ văn thì tôi cũng có dăm chục bài đăng trên đủ loại tạp chí và báo, nhưng toàn là các bài khoa học khô không khốc. Còn nếu phải biết làm thơ thì cũng có đấy, nhưng toàn thơ viết báo tường hoặc loại “con cóc”, đọc nghe cho vui. Nhạc, tranh thì càng dốt hơn. Mà tôi nhớ là cái anh họ Chu học cùng lớp phổ thông với tôi mới đúng là văn nghệ bẩm sinh chứ. Anh ta mà nói, thực ra thì anh ta lúc nào cũng nói, cứ gọi là mọi người nghỉ luôn. Hồi học lớp 8, anh ta kém toán quá, thế là bọn tôi cử người kèm cặp, phụ đạo. Nào ngờ, kết quả chẳng khá lên là bao. Hỏi ra mới biết mấy bạn đến phụ đạo toán thì chẳng thấy đâu, chỉ thấy được nghe anh ta phụ đạo lại văn học. Nào Lỗ Tấn, Đỗ Phủ bên Tàu, nào Gocki, Leptỗntôi bên Nga, nào. .v.v và .v.v. Đến già rồi, thành nhà văn có tiếng rồi anh ta vẫn vậy. Đúng là máu văn nghệ. Tôi thì làm gì có. Nhưng tôi làm môi trường thật.
Và quả thực, không hiểu sao, môi trường như bắt tôi viết, tôi nói, bắt ghi chép, tìm hiểu. Bắt suy xét, dự báo, kiến nghị. Không rút ra được. Như có một ma lực. Lúc này tôi về hưu rồi, nhưng chứng nào tật ấy, ham thích kia không làm sao bỏ được. Thế là tôi lại ghi ghi chép chép. Khổ một nỗi, do làm cái nghiệp này từ đầu, từ lâu, nên anh chị em, cả ta và tây, gán cho tôi cái tên cũng không lấy gì làm dễ chịu lắm là Bố già. Lành ít giữ nhiều, cái tên ấy. Lâu dần quen đi, ít suy diễn. Rồi chẳng ai nhớ tên tôi là Ngọc nữa. Về hưu rồi, Bố già vẫn được người ta chiếu cố, mời chủ trì cuộc họp này, tham dự cuộc họp kia. Những ngày nóng bức nhất mùa hè Ơ rô đầu Thiên niên kỷ, tôi lại được mời chủ trì cuộc họp bàn về bảo tồn đa dạng sinh học do Trung tâm ACB khởi xướng (cái tên dài lắm, gọi thế cho nó gọn một tổ chức về đa dạng sinh học của các nước khối ASEAN, Cộng đồng Châu Âu tài trợ). Dự họp có đủ đại diện 10 nước ASEAN. Ông Giôn, người Anh là đồng giám đốc Trung tâm cũng có mặt.
Có lẽ đã lâu lắm mới lại có đợt nắng nóng gay gắt kéo dài đến vậy. Nhiệt độ ban ngày có nơi lên đến trên 390C, ban đêm cũng chỉ hạ xuống dăm độ. Bàn, ghế, gường tủ nổ tanh tách, sáng tinh mơ sờ vào đã nóng rát tay. Có người bảo tại biến đổi khí hậu, toàn cầu đang nóng lên. Có người bảo hay là do Hà Nội dạo này nhiều điều hòa nhiệt độ 2 cục quá, chúng hút hết cái mát của những người không có. Nhưng mà nóng thật. Tôi thấm nước, phun nước vào tất cả gường chiếu nhà tôi, mà xèo một cái, chỉ sau mươi phút đã khô cong. Con gái tôi vừa sinh, con gái đầu lòng, cả nhà thay nhau quạt cho hai mẹ con mà không lại được. Nhợt nhạt cả người. Mệt mỏi hết chỗ nói. Rồi lại hiện tượng lạ xuất hiện. Màn khói bao phủ toàn bộ thành phố Nam Định do đâu. Mãi sau hình như tìm được nguyên nhân là do xung quanh người ta đốt rơm (?). Bây giờ có điện rồi, lại lắm dầu hỏa, ai người ta cần rơm. Thế là nhân nắng nóng, họ cùng đốt đi. Mưa xuống làm phân cho ruộng. Lại nghe nói Hà Nội về mua tro. Tiện lợi đôi đường. Nghĩ cứ ngờ ngợ. Chẳng khác mấy so với việc có người rao bán rẻ công nghệ, xin mua đắt rễ cây hồi, cây xim,… Hồi những năm 80, có anh bạn Ấn Độ bảo tôi là Việt Nam nghèo nhưng sài sang nhất hội. Là gì? Họ bảo là 3 thứ: ti vi mầu, nấu bếp bằng dầu và công nghiệp nặng. Đấy là họ nói vậy, lâu lắm rồi còn gì.
Còn bây giờ nói về hiện tượng lạ ở Hà Nội vừa qua. Đó là màn sương trắng như khói mù bao trùm một số đường phố nội thành. Lạ lắm. Các nhà khoa học mỗi người giải thích một cách. Cũng chẳng cần băn khoăn làm gì, vì đến nay những cái con người biết được, giải thích được (chưa chắc đã thật đúng) chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với những gì ta chưa biết, chưa giải thích được. Cái nắng nóng đó làm cho cuộc họp mà tôi là chủ tịch đi đến một bước ngoặt “dễ chịu”: cả chục con người từ các nước ASEAN đề nghị rút ngắn thời gian, giành ra 2 ngày cuối để đi xả hơi ở Di sản thiên nhiên Thế giới: Vịnh Hạ Long. Chúng tôi, nước chủ nhà, đồng ý ngay. Giám đốc ACB, Giôn, cũng phải gật. Tôi cũng xin nói luôn, họp ở nước nào thì bọn chúng tôi, cái bọn môi trường ấy, cũng kiếm được cớ để rút ngắn, để “xả hơi” thôi. Và Bố già lúc nào cũng là tâm điểm. Còn lúc này, hành trình hai ngày được vạch ra, rất nhanh chóng được các thành viên cuộc họp thống nhất và ngay sáng sớm hôm sau, được thực hiện.