quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Biết giữ, rừng mới sinh sôi

Thứ Sáu, 06/07/2012 | 11:32:00 AM

Phòng chống cháy rừng, quản lý rừng bền vững, rừng với môi trường là những nội dung được quan tâm tại hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về Lâm nghiệp lần thứ 15 (ASOF 15), đang diễn ra tại Hà Nội và kết thúc vào ngày 30-6. Chia sẻ những kinh nghiệm giữ rừng bền vững để rừng sinh sôi cũng được đề cập tại nhiều diễn đàn trong tháng 6 này.

 
 

 

 

 
Phong trào trồng rừng đang được nhiều tổ chức,
địa phương hưởng ứng tích cực với nỗ lực 
khôi phục lại những cánh rừng đã mất

 
Thách thức

 
Phát biểu khai mạc ASOF 15, ngày 28-6, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các nước trong khối ASEAN đã nỗ lực ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Đồng thời, ngành lâm nghiệp đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn miền núi.

 
Tuy nhiên, đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức là tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang các mục đích phát triển kinh tế ngày càng gia tăng, như làm thủy điện, giao thông và sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp. Rừng tự nhiên đang bị suy giảm về diện tích và chất lượng. Nạn khai thác, buôn bán gỗ, động vật, thực vật hoang dã trái phép vẫn xảy ra, trong khi vai trò và quyền hưởng lợi của cộng đồng và người dân địa phương chưa được chú trọng.

 
Trước đó, trong hai ngày 25 và 26-6 đã diễn ra cuộc họp của hai tổ công tác về cây Thuốc và cây Dược liệu lần thứ 13 và Phát triển sản phẩm lâm nghiệp lần thứ 4.

 
Cần chính sách bảo vệ rừng đặc dụng

 
Tại Việt Nam, 43,28% diện tích rừng bị giảm là do chuyển đổi mục đích sử dụng, theo số liệu mới nhất tại hội thảo "Tương lai rừng đặc dụng Việt Nam: Một số vấn đề về chính sách, nguồn lực và thực thi Lâm luật”. Hội thảo do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature), Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Hoang dã Quốc tế (FFI) và Hiệp hội Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (VNPPA) tổ chức mới đây, nhấn mạnh rừng đầu nguồn có vai trò quan trọng trong điều hòa nguồn nước, là lá chắn ngăn chặn lũ quét, lũ ống… Diện tích rừng đầu nguồn đã và đang mất đi khiến con người phải gánh chịu hậu quả đó là nguồn nước bị ô nhiễm, sạt lở, lũ quét… Đáng lo ngại là nguyên nhân mất rừng do chuyển đổi mục đích sẽ làm mất vĩnh viễn rừng tự nhiên có chất lượng. Dù diện tích rừng đang được tăng lên nhờ việc trồng rừng cũng không thể thay thế được diện tích rừng đặc dụng bị mất. "Đây là khu vực đa dạng sinh học cao, rừng trồng mới là rừng khai thác không thể thay thế được” - TS.Ngô Tiến Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn thiên nhiên Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định.

 
Theo Dự thảo Đề án Quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2010- 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 5 năm (2005 – 2009) có 328.379 ha rừng bị mất - bình quân mỗi năm là 65.676 ha. Trong đó, mất rừng do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang làm các công trình giao thông, thủy điện, thủy lợi, khai thác khoáng sản… là 142.129 ha (chiếm 43,28%). Rừng bị mất do khai thác, chặt phá trái pháp luật là 5.356ha (chiếm 8,15%); do cháy rừng là 3,58% và do sâu bệnh là 0,27%. Còn lại 44,72% là do khai thác trắng rừng theo kế hoạch được duyệt hàng năm.

 
Liệu có thể giữ được quỹ rừng đặc dụng hiện nay hay không là câu hỏi được các nhà khoa học, các chuyên gia bảo tồn quan tâm nhất.

 
Một trong hai dự án khoa học của Việt Nam giành được tài trợ Mỹ là bảo vệ rừng

 
Vượt qua 500 dự án đến từ 63 quốc gia trên thế giới, hai dự án khoa học của Việt Nam đều tập trung vào các vấn đề môi trường đã lọt vào 41 dự án của 25 quốc gia được tài trợ nghiên cứu khoa học tại các nước đang phát triển. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Chương trình Quan hệ Đối tác nhằm thúc đẩy tham gia nghiên cứu (PEER) của Chính phủ Mỹ, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF).

 
Một trong hai Dự án này do nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện với đối tác chính là Đại học Rutgers (Mỹ) mang tên: "Nghiên cứu và xây dựng năng lực giảm phát thải từ các hoạt động sinh kế và tình trạng dễ bị tổn thương liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) tại Việt Nam”. Dự án nhằm tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của các khoản chi trả cho các dịch vụ hệ sinh thái (chẳng hạn cácbon), đến việc thay đổi quyết định về sử dụng đất của các hộ gia đình ở các khu vực có rừng, đánh giá việc liệu các quyết định về sử dụng đất làm tăng hay giảm mức độ dễ bị tổn thương về xã hội và lý sinh đối với những biến đổi khí hậu được dự báo trước.

 
Hàng loạt điều tra, nghiên cứu, quyết sách bảo vệ rừng đang là những động thái tích cực để rừng sinh sôi. Theo đó, việc phân cấp quản lý, chính sách bảo vệ rừng đặc dụng, cân nhắc giữa lợi ích bảo vệ rừng và phát triển kinh tế, việc bồi hoàn rừng của từng dự án và chi trả dịch vụ môi trường chính là các vấn đề cần được Nhà nước triển khai đồng bộ, rõ ràng, minh bạch.

 
Thanh Như
(Đại Đoàn Kết)


Lượt xem: 1478

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE