quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Bến Tre: Khu du lịch Người Giữ Rừng nâng cao giá trị kinh tế dưới những tán rừng

Thứ Tư, 18/08/2021 | 08:57:00 AM

Khu du lịch Người Giữ Rừng (tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) là một phần trong dự án cùng tên, đã mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng người dân đang sinh sống tại khu vực rừng ngập mặn huyện Bình Đại. Với quyết tâm nâng cao giá trị sản vật, đảm bảo sinh kế và phát triển du lịch, Khu du lịch Người Giữ Rừng sớm có những bước chuyển biến tích cực, khẳng định là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách.



Mô hình Người Giữ Rừng là dự án khởi nghiệp điển hình của tỉnh Bến Tre. Ảnh: LVT

Hoạt động tại Khu du lịch Người Giữ Rừng

Mô hình Người Giữ Rừng là một dự án khởi nghiệp điển hình của tỉnh Bến Tre hoạt động theo mô hình kết hợp nuôi trồng, thu mua thủy hải sản và khai thác du lịch sinh thái rừng ngập mặn. Dự án Người Giữ Rừng bắt đầu thực hiện vào năm 2017, với diện tích khoảng 25ha, cách biển Thừa Đức khoảng 7km với mục mục tiêu nuôi trồng thủy hải sản trong môi trường tự nhiên. Bắt đầu từ việc kinh doanh thủy hải sản, dự án mở thêm hướng phát triển du lịch sinh thái, cung cấp các chương trình trải nghiệm khám phá rừng ngập mặn, thưởng thức đặc sản, ngủ lại qua đêm tại rừng...

Với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, Ban quản lý dự án đã tiến hành trồng lại rừng, tạo môi trường tự nhiên cho tôm cá phát triển, xây dựng mô hình homestay trên cánh rừng dừa nước, đước… Đến nay, dự án đã đạt được mục tiêu đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương để họ an tâm bám đất, giữ rừng; cung cấp sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng; xây dựng không gian giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương, khách du lịch và đặt biệt là các bạn trẻ về vai trò và tầm quan trọng của môi trường, của rừng, hệ sinh thái thông qua các hoạt động du lịch tại Khu du lịch Người Giữ Rừng.

Khu du lịch Người Giữ Rừng chỉ mới bắt đầu vận hành từ nửa cuối năm 2020, đến nay đã thu hút được khá đông du khách trong và ngoài tỉnh. Phần lớn du khách đến đây theo nhóm bạn bè hay gia đình. Du khách đến đây có thể lựa chọn lưu trú qua đêm tại các nhà nghỉ homestay hay ngủ võng trong các lán trại cùng người dân địa phương. Do điều kiện nước ngọt sinh hoạt còn thiếu và hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái nên dịch vụ ngủ võng chỉ phục vụ cho nhóm khách dưới 20 người. Homestay được nhiều du khách lựa chọn hơn do nằm ngoài bìa rừng, dễ đi lại. Khu du lịch hiện có 6 homestay với khả năng phục vụ khoảng 30 khách. Các homestay được xây dựng theo dạng nhà sàn, trong những cánh rừng dừa nước trên “Đảo Lười”, có thiết kế gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Các hoạt động tại Khu du lịch Người Giữ Rừng rất đa dạng và thân thiện với môi trường, giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên. Du khách có cơ hội tham gia các hoạt động trải nghiệm, giải trí, nghỉ dưỡng gắn với hệ sinh thái rừng ngập mặn rất lý thú như đi xuồng vào lõi rừng ngập mặn bẫy cua, bắt cá, bắt vẹm tại những khu vực cho phép, sau đó được hướng dẫn chế biến các món ăn địa phương và thưởng thức ngay tại chỗ. Với chi phí 500.000 đồng cho một đoàn khách 10 người, hoạt động này đang là điểm nhấn của khu du lịch. Du khách cũng có thể tự chèo xuồng len lỏi vào trong khu vực “Đảo Lười” để chặt những quầy dừa nước và thưởng thức tại chỗ hay kéo lưới bắt cá, nghe giới thiệu về các loại sinh vật sống trong rừng ngập mặn, ngắm đom đóm, câu cá, câu còng… với chi phí rất rẻ.

Khu du lịch cũng có nhà hàng phục vụ du khách tham quan và lưu trú qua đêm. Các món ăn được chế biến từ nguồn thủy hải sản do người dân bắt được từ môi trường tự nhiên nên rất tươi ngon và an toàn. Đặc sản của khu du lịch là hàu và cua, bên cạnh đó còn có rượu áp-xanh do người dân địa phương tự nấu...


Dự án cũng phát triển du lịch sinh thái, cung cấp các chương trình trải nghiệm khám phá rừng ngập mặn. Ảnh: LVT

Hướng tới sự phát triển bền vững

Với định hướng phát triển theo mô hình du lịch sinh thái, hướng tới giá trị bền vững nhưng một số biện pháp bảo đảm an toàn cho du khách cũng như công tác bảo vệ môi trường tại Khu du lịch Người Giữ Rừng hiện nay chưa thực sự đồng bộ. Ví dụ như các loại chất thải, nước thải tại các homestay vẫn còn thải trực tiếp ra môi trường, trong khi khu vực này là nơi nuôi hàu, vẹm và tổ chức các hoạt động vui chơi dưới nước. Do số lượng khách đến lưu trú chưa đông và chỉ mới có 6 homestay nên vẫn chưa thấy được rõ tác động đến môi trường. Nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, môi trường nước và hệ sinh thái khu vực này sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng.

Các homestay hiện nay có thiết kế phù hợp với văn hóa Nam Bộ, tuy nhiên một vài tiểu tiết sử dụng chất liệu bằng nhựa, sắt nên được thay bằng vật liệu gỗ, cây lá để làm tăng vẻ đẹp thẩm mỹ, gần gũi với thiên nhiên và đúng với giá trị hướng tới của dự án là phát triển du lịch sinh thái.

Khu du lịch Người Giữ Rừng có hơn 80% diện tích là mặt nước, nơi sâu nhất đến 6m, chính vì thế an toàn cho du khách cần đặt lên hàng đầu. Hiện nay, khu du lịch đã trang bị áo phao cho du khách khi tham gia các hoạt động xung quanh hồ nước nhưng chưa bố trí nhân viên cứu hộ hoặc các biển báo kiên cố. Trang thiết bị về an toàn phòng cháy chữa cháy tại khu vực chòi ăn hoặc homestay chưa được trang bị.

Hiện tại, khu du lịch sử dụng nguồn lao động địa phương là chủ yếu, điều này phù hợp với mục đích chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Tuy nhiên, đa phần lao động chưa qua đào tạo, thiếu kiến thức nghiệp vụ: từ nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng cho đến công tác hướng dẫn, an toàn - an ninh...

Khu du lịch Người Giữ Rừng ra đời với mục tiêu phát triển du lịch dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn, hướng tới sự phát triển bền vững. Đây là một mô hình phát triển du lịch phù hợp với xu hướng của Việt Nam và thế giới. Qua thời gian ngắn đi vào hoạt động, Khu du lịch Người Giữ Rừng đã đạt được một số thành công nhưng cũng nảy sinh một số hạn chế cần có sự điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển theo đúng định hướng trở thành khu du lịch sinh thái. Theo đó cần nghiêm ngặt tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững khi vận hành: kịp thời xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả trực tiếp ra môi trường; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, tiếp nhận những ý kiến tư vấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm vận hành của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, phát triển bền vững, marketing...; tăng cường kết nối với các tổ chức du lịch, các đơn vị lữ hành nhằm tiếp cận gần hơn với du khách; trang bị và tổ chức tập huấn cho nhân viên cách sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn lao động, lắp đặt các bảng thông báo ở khu vực nguy hiểm, khu vực cấm…; xây dựng các khu trò chơi thân thiện với môi trường, đảm bảo các yếu tố an toàn cho du khách lẫn môi trường; hình thành khu vực mua sắm đặc sản địa phương, quà lưu niệm do cộng đồng địa phương làm ra giúp quảng bá thương hiệu Người Giữ Rừng, tăng nguồn thu và đảm bảo sinh kế cho người dân.


Dự án bắt đầu thực hiện với mục tiêu nuôi trồng thủy hải sản trong môi trường tự nhiên. Ảnh: LVT

PGS.TS. Lê Văn Tấn
ThS. Chung Lê Khang

Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021

Lượt xem: 1621

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE