Với lợi thế về tài nguyên môi trường, vị trí địa lý đa dạng… trong những năm qua tỉnh Bến Tre đã tập trung đầu tư, phát triển du lịch, nhất là du dịch sinh thái theo hướng xanh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Bến Tre là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi bởi nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, phân bố một cách hài hòa, hợp lý giữa các cù lao. Nơi đây không chỉ có 65km đường bờ biển mà còn cả hệ thống sông, rạch chằng chịt, là tiềm năng to lớn để địa phương phát triển du lịch sinh thái.
Hệ thống sông, rạch chằng chịt, là tiềm năng to lớn để Tre phát triển du lịch sinh thái
Cũng nhờ vào hệ thống sông ngòi mà khí hậu ở Bến Tre trở nên trong lành, mát mẻ quanh năm. Bên cạnh đó, sông rạch còn chứa đựng hệ sinh thái với nhiều thảm thực vật như dừa nước, bần, đước, tràm, cỏ lau… cùng nguồn thủy hải sản phong phú, phần nào đáp ứng nhu cầu về nghỉ dưỡng, giải trí cũng như ẩm thực của du khách mỗi khi đến Bến Tre.
Bên cạnh đó, người dân Bến Tre bao đời nay vẫn lưu giữ cho mình nét văn hóa truyền thống của cư dân sông nước miền Tây Nam bộ. Họ biết bảo tồn và gìn giữ những nét nguyên sơ của văn hóa miệt vườn, giữ được môi trường sinh thái với màu xanh ngút ngàn của những vườn dừa, vườn trái cây đủ chủng loại cùng với nguồn tài nguyên động, thực vật phong phú... Tất cả tạo cho Bến Tre một tiềm năng phát triển du lịch bền vững, trong đó có thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái gắn liền với du lịch cộng đồng.
Đồng thời, như nhận định của ông Trần Lê Bảo Châu, Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF), những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông cũng tạo ra “bức tường xanh” bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái. Đặc biệt, mùa trái cây chín rộ từ giai đoạn tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch) trở về hè luôn là thời điểm thích hợp để du khách tham quan, trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng theo ông Châu, mặc dù loại hình du lịch sinh thái không mới nhưng luôn hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tâm lý khách du lịch, đặc biệt khách nước ngoài, luôn muốn tìm hiểu về văn hóa, đời sống của người dân bản địa và quan trọng, họ cũng muốn được trải nghiệm những hoạt động gần gũi với người dân. “Vì thế, loại hình du lịch sinh thái, du khách được hòa mình vào thiên nhiên, giữa những vườn cây ăn trái và tìm hiểu đời sống dân dã chân chất của người dân miệt vườn Bến Tre... luôn mới mẻ với khách du lịch”, ông Châu khẳng định.
Nhìn từ trên cao, Bến Tre nổi bật với rặng dừa bát ngát
Nhìn chung, Bến Tre hiện khai thác loại hình du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử. Du khách đến với Bến Tre thường tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của cư dân địa phương. Hiện nay, ngoài các chương trình tham quan nghe đờn ca tài tử, cơ sở sản xuất kẹo dừa, các hàng mỹ nghệ thủ công, các công ty tổ chức thêm một số dịch vụ mới nhằm thu hút khách du lịch như mô tô nước trên sông, tát mương bắt cá, bốc thuốc nam… tại Khu nghỉ dưỡng Phú Túc thuộc huyện Châu Thành, điểm du lịch Lan Vương, Dừa Xanh Nam bộ ở thành phố Bến Tre, khu du lịch Cồn Phụng...
Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, đa số các chương trình tham quan đưa khách đến Bến Tre chỉ thực hiện trong ngày, nếu có ở đêm thì chủ yếu tập trung khu vực trong thành phố có các khách sạn như Hàm Luông, Hùng Vương...
Trò tát mương bắt cá mang đậm nét đặc trưng của du lịch miền sông nước
Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, du lịch Bến Tre đã có bước phát triển khởi sắc. Nhiều khu, điểm du lịch được hình thành với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử… thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, tính đến hết tháng 4/2024, ngành du lịch địa phương đã đón và phục vụ 579.204 lượt khách, tăng 23,2% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 119.855 lượt, tăng 26,9% so với quý I/2023.
Phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững
Với những ưu đãi của thiên nhiên cùng với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, người dân tại các vùng nông thôn của Bến Tre đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch sinh thái, từng bước làm thay đổi làng quê theo hướng xanh - sạch - đẹp. Du lịch nông thôn còn đóng góp ngày càng nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như tạo ra cơ hội việc làm mới, đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm địa phương, giúp nâng cao thu nhập của người dân.
Trải nghiệm tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn là hoạt động không thể thiếu mỗi khi du khách về Bến Tre. Trong ảnh là du khách trải nghiệm hái chôm chôm tại một vườn ở Chợ Lách, nơi được ví như thiên đường quả ngọt ở Bến Tre
Du lịch sinh thái ở Bến Tre ngày nay thường được thiết kế gắn liền với môi trường thiên nhiên, với đời sống của người dân miệt vườn. Trong đó, đáng kể đến một số chương trình tham quan trong tỉnh như tour trải nghiệm sông nước Cồn Phụng với các hoạt động xuồng chèo, nghe đờn ca tài tử, tham quan lò kẹo, quy trình nuôi ong lấy mật, tham quan vườn cây ăn trái và thưởng thức sản vật địa phương; tour chèo xuồng trên rạch dừa nước tham quan lò gạch, đi xe hoa lâm trên đường làng, uống trà mật ong và tham quan điểm dệt chiếu.
Bên cạnh đó, tour trải nghiệm trên cù lao Tam Hiệp với các hoạt động như tham quan, thưởng thức lá sâm, thưởng thức trái cây và dùng trà, tham quan di tích đình Long Thạnh, chùa Vạn Phước, giúp du khách trải nghiệm sinh hoạt người dân xứ biển tại điểm du lịch Người Giữ Rừng, Tâm An, homestay Cồn Bà Tư; tour trải nghiệm tại làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, di tích quốc gia đặc biệt Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu, trải nghiệm tại nông trại du lịch Sân Chim Vàm Hồ, tham quan cống đập Ba Lai, chợ rơm, ruộng muối Bảo Thạnh, điểm du lịch Cồn Ngoài…
Theo chia sẻ của nhiều du khách khi tới Bến Tre, tham gia loại hình du lịch sinh thái như trút bỏ được những lo toan bộn bề của cuộc sống thường nhật, được hòa mình vào thiên nhiên, làm một người nông dân miệt vườn.
Du khách bắt đầu một ngày mới khi sống giữa làng quê, được hít thở không khí trong lành của miền thôn dã, rồi cùng bắt tay làm vườn, be mương bắt cá. Sau đó, ngồi lại bên bếp lửa để chế biến thức ăn bằng những sản phẩm mà mình thu hoạch được trong tiếng cười vui vẻ. “Những kỷ niệm này khó có thể quên đối với mỗi du khách, nhất là những người đã quen cuộc sống chốn phồn hoa đô thị”, ông Cao Văn Cường (55 tuổi, du khách đến từ TPHCM), chia sẻ.
Du khách đến với Bến Tre thường tham quan sông nước miệt vườn, tìm hiểu đời sống, sinh hoạt của cư dân địa phương
Cùng với đó, Bến Tre đã và đang phát huy những giải pháp, mô hình thuận thiên để tạo sinh kế bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến những thế mạnh, đặc trưng về sản phẩm du lịch khi liên kết với các tỉnh, thành để thu hút khách du lịch, đặc biệt là hướng đến xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với sản phẩm du lịch.
Vì thế, du khách cũng có thể trải nghiệm chương trình tham quan du lịch liên kết với các tỉnh lân cận Bến Tre như tour tham quan làng nghề dừa trên chợ nổi dừa sông Thom gắn với cồn Hô (Trà Vinh); Chương trình tham quan làng văn hóa du lịch Chợ Lách gắn với Vĩnh Long; Chương trình tham quan Tiền Giang gắn với vườn trái cây khu vực Tân Phú - Châu Thành - Bến Tre…
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa phương định hướng phát triển dịch vụ phụ trợ để hỗ trợ phát triển du lịch, gắn phát triển hạ tầng du lịch nông thôn. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch nông thôn, du dịch sinh thái theo hướng du lịch xanh, bền vững nhằm góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Bến Tre hiện có trên 50 điểm tham quan du lịch, trong đó có nhiều điểm du lịch sinh thái miệt vườn, homestay như Khu du lịch cồn Phụng (Tân Thạch), Khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort (Phú Túc), các điểm du lịch như Lan Vương, Mười Lành, An Khánh, Đất Dừa, Quê Ta, Ba Ngói, Nông trại du lịch – sân chim Vàm Hồ, cù lao Đất, Cồn Ngoài, Chơn Quê, Hạ Thảo…
Võ Chí Kiên