Trên triền đê có bến đò thân thương. Con đò ngang - "nhịp cầu” nối những bờ vui giữa quê tôi với huyện Kiến Thụỵ. Chủ đò là một phụ nữ, người nhỏ thó, khuôn mặt phúc hậu, nhưng đôi mắt đượm buồn. Bác trai là liệt sĩ chống Pháp. Người con trai duy nhất xung phong lên đường đánh Mĩ năm 1966. Từ đó, bác làm bạn với con đò. Những ngày nước lên ngập bãi cói, đò áp vào sát thân đê. Khách xuống đò, bác dùng cây sào đẩy đò ra chỗ nước sâu rồi mới chèo bằng lái. Ngày nước xuống, đò không vào sát bờ được, khách phải qua một lối nhỏ trơn nhẫy giữa bãi cói xanh rì, cao gần đầu người mới lên được đò.
Phía trong đê, dưới gốc đa là chiếc lều bán nước của cụ bà, nơi nghỉ chân quí giá cho bao khách nhỡ đò. Chiếc chõng tre sẫm bóng bày lèo tèo vài chiếc lọ đựng kẹo gừng cay thơm, kẹo ớt xanh đỏ còn bám những hạt đường trắng tinh, túi phòng phành đủ màu hấp dẫn - những thứ quà quê chúng tôi thường ao ước. Nước chè tươi vàng sóng sánh trong chiếc bát đàn, chuyện đánh Mỹ, mùa màng, giúp khách quên thời gian.
Thỉnh thoảng, mấy chiếc thuyền chài nghỉ lưới, cho con cái lên bờ. Lũ trẻ như chim sổ lồng, nhìn chúng tôi nô đùa với vẻ mặt tõn tẽn, sung sướng. Hầu hết chúng thất học và sớm thạo nghề sông nước. Đứa nào cũng cháy nắng sạm đen, tóc hoe vàng, sắt seo thật tội nghiệp! (Bây giờ, nhiều trẻ thuyền chài vẫn nhiều thiệt thòi như thế). Rồi chúng tôi trở nên thân thuộc. Những quả vặt trong vườn như quả bòng chua, khế, quả vối chín là quà của chúng tôi cho chúng! Có hôm chúng từ dưới thuyền chạy lên, vạt áo túm toàn vỏ sò, vỏ ngao, ốc biển rất đẹp đưa cho chúng tôi chơi đồ hàng. Chúng còn dạy chúng tôi tập bơi. Tình bạn chúng tôi cứ thế lớn lên.
Bến sông còn là nơi bịn rịn chia tay của các cô gái tiễn người yêu đi chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Trước ngày ra trận, những đôi yêu nhau thường ngồi trên bến sông tâm sự. Họ trao cho nhau những bông cúc dại mọc ở sườn đê cùng lời thề son sắt. Bến sông cũng là nơi chào đón những người con chiến đấu trở về. Có người thân thể không còn nguyên vẹn, nhưng họ là niềm tự hào của quê hương.
Cây đa, bến nước, sân đình đã làm nên hồn làng. Quê tôi đã đổi đời. Cầu Khuể đẹp như dải lụa nối quê tôi với muôn nơi. Bến sông quê chỉ còn bác đa già làm bạn. Nhưng mỗi lần về quê, trên bến sông lộng gió, bao kỉ niệm thiêng liêng lại ùa về khiến tâm hồn xao xuyến. Nghe sóng nước ì oạp vỗ vào thân đê, tai tôi lại văng vẳng tiếng gọi da diết "đò ơi…ơ”.
(Đại Đoàn Kết)
|