Thanh Trâm
|
Dòng sông quê tôi từ bao đời nay vẫn chỉ một con đò ngang lặng lẽ chở người qua lại. Tiếng gọi đò da diết vang vọng của những cô gái, khiến chợt ta thấy có chút gì đó xốn xang. Tiếng gọi đò vẫn thỉnh thoảng cho ai đó sự giật mình lẫn cả sự thổn thức.
Mùa gặt, con đò cần mẫn chở lúa và người sang sông. Tiếng khua nước cần mẫn những đêm sáng trăng, từng bó lúa chất lên bờ và tiếng chân người lặng lẽ đi về sau một ngày vất vả như tạc vào lòng người những nỗi niềm khó tả.
...Bến cũ giờ đây đã được rào chắn cẩn thận, để đề phòng những trường hợp không may về tai nạn sông nước. Con đò già nua thì vẫn vậy. Những giọt mưa xuân, mưa đông cứ thấm dần, thấm dần vào từng thớ gỗ, rồi một màu bạc phếch bao phủ lên con đò.
Chiều nay lại có cơn mưa, ngồi trong túp lều nhỏ dựng bên dòng sông, dõi mắt ra xa. Con đò vẫn cần mẫn đưa khách, và xe cộ qua sông. Tiếng khua nước theo nhịp chèo đều đều. Ông lão lái đò nở một nụ cười hồn hậu. Khách qua sông mùa này nhiều, đa phần là học sinh người đi gặt hái, làm thuê...
Nghề lái đò không có khái niệm "lương” là gì. Với người lái đò, đó được coi là việc làm phước, lấy công làm lời để vui sống. Bởi cả đời họ đã gắn chặt với nghề đưa đò, gắn với những bến nước dòng sông. Mỗi khi đi đâu, để con đò nằm hiu hắt, người lái đò lại cảm thấy nhơ nhớ một cái gì đó, khó định nghĩa được.
Mỗi nhịp chèo như mỗi câu chuyện trên chuyến đò ngang, những câu chuyện của từng người khách đến rồi đi. Còn con đò vẫn bềnh bồng như một chiếc lá lững lờ trôi. Chiếc lá đã ngả màu theo năm tháng.
Và chiều nay, lại có một sự chờ đợi đọng trên đôi mắt của người lữ khách đến từ nơi xa...
(ĐĐK)