Thực hiện Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 10-7-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về việc phê duyệt bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang đến năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá đa dạng sinh học rừng phòng hộ, đặc dụng, xây dựng giải pháp quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, sưu tầm hiện vật gắn với phát triển du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang”.
Lòng hồ thủy điện Nà Hang (Ảnh: Hương Lê / vietnamtourism.gov.vn)
Đồng chí Lê Ngọc Vân, Thư ký đề tài của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang (KBTTN) có diện tích 21.200 ha thuộc địa phận 4 xã Thanh Tương, Sơn Phú, Khâu Tinh, Côn Lôn và thị trấn Nà Hang, giáp với các xã của huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). KBTTN Nà Hang có 38% diện tích là rừng ấm nhiệt đới vẫn còn ở tình trạng nguyên sinh hoặc chỉ thay đổi chút ít bởi sự tác động của con người. Trong đó, có 70% là rừng trên núi đá vôi.
Cho đến nay các nhà khoa học đã xác định được trên 2.000 loài thực vật, nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông pà… đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được cây nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4 - 5 m... Khu BTTN Nà Hang nói riêng và huyện Nà Hang nói chung có nhiều cảnh quan đẹp như: Hồ Thủy điện Tuyên Quang, Đền Pắc Tạ, Đền Bắc Vãng, Đền Nà Tông, Phiêng Bung, Khu rừng đặc dụng Tát Kẻ - Bản Bung, hang Nậm Trang, hang Mu Măn, núi Khau Tép…
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của Khu BTTN Nà Hang, nhóm nghiên cứu đã đánh giá đa dạng sinh học khu bảo tồn, sinh thái của từng cảnh quan. Kết quả cho thấy, trong khu bảo tồn có rất nhiều loài động vật quý hiếm như: Khỉ vàng, khỉ mốc son, chồn, hoẵng, don, sơn dương, chim vạc hoa, tê tê, cu li, trăn mắc võng, rắn hổ mang chúa… Nhóm nghiên cứu đã mở 10 tuyến điều tra tại 4 xã, xác định đo đếm các loài cây đã gặp trên tuyến điều tra và tiến hành thu thập các mẫu lá cây (loài cây chưa xác định được loài mang về nghiên cứu, giám định và xác định đúng loài).
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 520 mẫu thực vật gồm: 342 mẫu lá cây rừng, 125 mẫu vỏ cây rừng, 24 mẫu quả, 24 mẫu gỗ, 3 mẫu hoa, 2 mẫu củ; 20 mẫu động vật; 150 bức ảnh tư liệu. Từ đó, tiến hành xây dựng bản đồ đa dạng sinh học tại Khu BTTN với tỷ lệ 1/2.500. Xác định sự phân bố của các loài động, thực vật rừng hiện có tại các khoảnh, xã trong khu bảo tồn; số hóa bản đồ đa dạng sinh học. Qua bản đồ có thể nhận biết một số loài cây, một số động vật rừng thường hay xuất hiện trong các khoảnh, xã trong khu bảo tồn.
Trên cơ sở xây dựng bản đồ đa dạng sinh học khu bảo tồn, đề tài đã đề ra các giải pháp chính trong việc bảo tồn đa dạng sinh học Khu BTTN Nà Hang đến năm 2020. Đồng thời đề xuất liên kết với các Khu rừng đặc dụng trong tỉnh và ngoài tỉnh, như: Cham Chu, Tân Trào, Kim Bình, Ngòi Là; Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Khu BTTN Bắc Mê, Du Rà, Phong Quang (Hà Giang), Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Qua đó, nghiên cứu mở rộng các khu bảo tồn, tạo hành lang xanh nối liền các khu bảo tồn, vườn quốc gia trong khu vực nhằm tiến tới thiết lập hành lang đa dạng sinh học giữa Khu BTTN Nà Hang với Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) và các khu BTTN của tỉnh Hà Giang, góp phần phát triển kinh tế du lịch vùng, miền một cách bền vững.