quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
TẢN MẠN MÔI TRƯỜNG

Bảo tồn giếng cổ xứ Đoài

Chủ Nhật, 27/05/2012 | 06:02:00 AM

Giếng làng đi vào tâm thức người Việt, không chỉ là nơi gắn với sinh hoạt người dân, người xưa còn coi giếng là mắt đất, là trái tim của làng. Bởi thế, người xa quê xao lòng khi nghĩ về giếng làng nước trong và mát...

 

Xứ Ðoài nổi tiếng có nhiều giếng làng cổ kính là một phần của không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, gắn bó với sinh hoạt nhiều đời của người dân... Nhưng trước sức ép đô thị hóa, nhiều giếng cổ đã biến mất, hoặc bị biến dạng.

Giành giếng cổ
 
Ðồng bằng Bắc Bộ xưa làng nào cũng có vài ba cái giếng, đem lại nguồn nước trong mát cho sinh hoạt cho người dân. Ðêm 30 Tết, người làng kĩu kịt quẩy nước từ giếng về, những mong cả năm được no ấm đủ đầy. Giếng làng gắn bó với cuộc sống làng quê đất Việt. Nằm trong không gian đồng bằng Bắc Bộ, xứ Ðoài nổi tiếng với nhiều giếng làng cổ kính và rất đẹp, có những giếng cổ được xây bằng đá. Vùng Thạch Thất, Ba Vì, Ðan Phượng lại có nhiều giếng đá ong, có những giếng người dân xây cả miếu thờ. Thôn Mông Phụ - một trong tám thôn của làng cổ Ðường Lâm (thị xã Sơn Tây) có giếng được tạc cả đôi rồng chầu. Xã Ðan Phượng (huyện Ðan Phượng) nổi tiếng với đình Ðại Phùng, ngay cửa đình có một giếng lớn mà bên dưới xây bằng những thỏi đá ong, còn thành giếng là cả một khối đá ong khoét rỗng lòng, nhìn từ xa đã gợi một không gian cổ kính. Làng Hiệp Thuận (Phúc Thọ) có một cái giếng khá đặc biệt được khai trong một cù lao nhỏ giữa hồ...
 
Xưa, hệ thống giếng làng được "quy hoạch" hẳn hoi. Ðiển hình trong số này là những giếng làng trên đất Tổng Gối (xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng ngày nay). Tổng Gối có bốn thôn, mỗi thôn được người xưa khai ba giếng, ở đầu, giữa và cuối thôn. Riêng ở đường vào của cả tổng, có một giếng hình ô van tựa như chiếc gương, các cụ đặt tên là giếng Soi. Các cụ cao niên kể lại, giếng Soi nhắc nhở mình mỗi khi đi - về phải soi lại mình, đồng thời khi đi về làng, người dân quê thấy hình ảnh quê hương soi bóng, lại thêm một lý do để gắn bó với mảnh đất này. Ở đất Gối, có một cái giếng gắn bó với người dân đến mức, khi bất kỳ đám tang nào ngang qua, tục lệ bắt buộc là phải dừng lại trước giếng, như một "lời chào" của người dân quê Gối, trước khi đi sang thế giới bên kia. Bên giếng này, còn có cả miếu thờ thần giếng.
 
Cách Tổng Gối không xa là đất Hạ Mỗ (xã Hạ Mỗ, huyện Ðan Phượng). Hạ Mỗ là vùng đất cổ, nơi đóng đại bản doanh của Lý Phật Tử dựng lên trong cuộc kháng chiến chống quân Tùy. Người làng Hạ Mỗ rất tự hào về bề dày truyền thống quê mình. Nơi đây có đến chín giếng cổ. Nhưng giếng cổ Hạ Mỗ chính là một trong những vấn đề "nóng" thời gian vừa qua.
 
Những giếng cổ được phân bố rải rác trong các xóm của Hạ Mỗ. Riêng khuôn viên chùa Hải Giác (đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1991) có hai giếng. Nhưng do nhận thức còn hạn chế, suốt một thời gian dài hai giếng cổ nằm trong khuôn viên ngôi chùa bị đem đấu thầu để... thả cá. Bất bình trước việc hai giếng cổ được sử dụng để "làm kinh tế", cuối năm 2008, các cụ cao tuổi trong thôn đã đề nghị chính quyền trả lại giếng cổ cho di tích. Nhưng sự việc không đơn giản như thế, người ta đã viện rất nhiều lý do để giếng cổ tiếp tục được sử dụng để thả cá. Sự việc kéo dài đến tháng 3-2009, hai giếng cổ mới được trả lại cho di tích.
 
Ông Nguyễn Tọa, một trong những người tích cực nhất trong việc đấu tranh đòi lại giếng cổ cho biết: "Sự việc đơn giản nhưng chúng tôi mất đúng bảy tháng. Bao nhiêu lần lên UBND xã mà không được việc, phải đến khi chúng tôi có được trích lục bản đồ trong hồ sơ công nhận di tích chùa Hải Giác, trong đó ghi rõ, hai giếng cổ nằm trong khu vực bảo vệ cấp I của di tích, chính quyền mới chịu trả lại giếng cho dân. Ðiều đáng chú ý, ngay cả khi ra quyết định trả lại giếng, chính quyền lại viết là trả lại hai giếng cổ "cạnh chùa". Giếng cổ  thuộc khuôn viên của chùa, chứ đâu phải cạnh chùa, nhận thức như thế nên giếng cổ cứ bị lấp, bị phá là dễ hiểu".
 
Còn bao nhiêu giếng chưa được quan tâm bảo tồn?
 
Người ta thường thấy cái giếng làng gắn bó với mình, mà chưa giải thích hết được tại sao nó gắn bó như thế. Thuở xưa, hằng ngày, nó là nơi cung cấp nước, là nơi sinh hoạt của cả cộng đồng. Ðến tuần tiết, nó là nơi các cụ lấy nước, lễ Phật, tế thành hoàng. Ngày hội làng, cũng nước giếng ấy được dùng để làm lễ tắm tượng. Giếng làng đi vào tâm thức con người vì nó còn gắn với phần văn hóa tâm linh. Chẳng thế mà, có người không nói "cây đa, bến nước, mái đình", mà nói "cây đa, giếng nước, mái đình" -  khi nói về mô-típ của không gian văn hóa làng. Nhưng cái mô-típ của văn hóa làng quê ấy, đang đứng trước nhiều thách thức.
 
Xứ Ðoài nổi tiếng nhiều giếng cổ, nhưng người ta không thể thống kê hết có bao nhiêu giếng cổ, cũng như không thể biết có bao nhiêu giếng đã bị lấp đi, hoặc bị dùng để nuôi cá, chăn vịt... Ðiều đơn giản là gần như không một giếng cổ nào được công nhận là di tích, ngoại trừ một số giếng nằm trong khuôn viên của đình, chùa. Không được công nhận, những người tâm huyết với quê hương, chẳng có lý nào để bảo vệ. Việc bảo vệ phụ thuộc nhiều vào ý thức của con người. Suy rộng ra, giếng cổ dễ là "vật hy sinh", khi "cuộc chiến" giữa kinh tế và văn hóa xảy ra. Ngay với Hạ Mỗ, dù là một trong những địa phương hăng hái bảo tồn giếng cổ, nhưng cho đến nay, phần lớn giếng cổ của Hạ Mỗ đã bị lấp. Có cái chưa bị lấp thì được sử dụng để... thả vịt.
 
Trò chuyện với người có công trong việc "giành lại" giếng cổ làng Hạ Mỗ, hóa ra, ông Nguyễn Tọa không chỉ là một "ông giáo làng" như người làng thường gọi mà còn là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Bởi thế, trăn trở của ông, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi một làng. "Giờ thì không ai dùng nước giếng làng sinh hoạt nữa rồi. Âu cũng là lẽ hiển nhiên khi cuộc sống thay đổi. Nhưng dù là giếng gắn với di tích, hay giếng dùng cho mục đích sinh hoạt đơn thuần, giữ gìn những giếng cổ vẫn cần lắm. Chẳng hay ho gì khi về một làng quê mà tồng tộc toàn đường bê-tông với nhà ống cả. Những cái giếng điểm xuyết ở giữa các ngõ xóm, vừa tạo cảnh quan, vừa là cái "máy điều hòa" ngõ xóm", ông Tọa tâm sự.
 
Những vùng ngoại thành của Hà Nội cũ như Gia Lâm, Ðông Anh, Sóc Sơn,... trước đây cũng khá nhiều giếng cổ, nhưng quá trình đô thị hóa, khiến cho bộ mặt nông thôn thay đổi. Bên cạnh những cái tốt lên, cũng có những cái không được như trước. Ðất chật, người đông, người ta lấp giếng đi để lấy đất xây dựng. Nhiều vùng đất của Hà Nội mở rộng (tức Hà Tây cũ) cũng đang trong giai đoạn chuyển mình giống như Gia Lâm, Ðông Anh những năm về trước. Nếu thật sự quan tâm, chúng ta sẽ vẫn giữ được nhiều nét đẹp của cha ông cho đời sau - trong đó có những giếng làng cổ kính.
 
Trở lại đất Tổng Gối, nơi hệ thống giếng cổ được quy hoạch hợp lý trong không gian làng cổ, số phận những cái giếng cũng hết sức "long đong". Nổi tiếng nhất là giếng Soi và giếng đá. Giếng Soi vẫn còn nhưng chả còn mấy người để ý đến chuyện "soi mình" vào cái giếng mầu xanh đen cả. Giếng Ðá, cái giếng đặc biệt mà đám tang người làng phải dừng lại, cũng từng bị lấp đi vì bị cho là vô tác dụng. Và cũng nhiều cuộc họp bàn, nhiều lần tranh luận, nó mới được khơi lại, cho dù sách cổ của làng, có ghi nó có từ thời Trần...
 
(Báo Nhân dân)

Lượt xem: 1706

Các tin khác

Cảm thông

(19/01/2025 07:03:PM)

Gala cuối năm

(11/01/2025 10:43:PM)

TẤM LÒNG

(07/01/2025 10:42:AM)

Mừng Lo

(06/01/2025 10:01:AM)

Thành phố xanh

(03/01/2025 10:06:AM)

Cây Trâm mốc

(22/12/2024 11:54:PM)

Môi trường

(20/12/2024 08:45:PM)

Bẩy tư

(11/12/2024 10:11:AM)

Học Sâu

(07/12/2024 01:21:PM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE