Sông nước U Minh Thượng (Kiên Giang)
Đối mặt nguy cơ xuống cấp và hư hỏng, sụp đổ hoặc mất hoàn toàn
Việt Nam ít phải chịu động đất, núi lửa phun trào, sóng thần nhưng, hàng năm lại phải đối mặt với hàng chục cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp, đê vỡ, nhiều vùng bị lụt lội, ngoài những thiệt hại về người, về của, thì di sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các di sản thế giới như Quần thể di tích kiến trúc Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) năm nào cũng bị mưa bão ghé qua. Những công trình kiến trúc tráng lệ bằng gỗ sơn son, thếp vàng có tuổi cả trăm năm luôn bị thử thách bởi mưa bão thường niên. Nhà vườn Huế nổi tiếng luôn mong manh trước bão tố lũ lụt. Khu phố cổ Hội An bên bờ sông An Hội không tránh khỏi cảnh ngập lụt hàng năm, đã có lúc hàng chục ngôi nhà cổ cùng lúc kêu cứu trong mưa lũ.
Động Phong Nha trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cũng không tránh khỏi những cơn ngập lụt vào mùa mưa thường niên. Nước lũ không chỉ ngăn bước chân của các đoàn du khách tham quan mà còn tác động làm giảm thiểu độ bền của hang, nước xoáy, va đập gây xói lở lòng hang động và đục khoét lòng sông dẫn vào hang. Kèm với lũ lụt là nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, mối mọt, cây cối mọc ký sinh trên các công trình, dẫn đến sự phá hủy di tích. cả hệ thống đền - tháp Chăm ở khu vực miền Trung, tuy làm bằng gạch đá nhưng cũng chịu tác động thường xuyên của khí hậu nóng ẩm gió biển, mưa lũ và hơi nước biển gây mủn bề mặt của các di sản.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, các di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài, bị sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động vật lý của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng (bão kết hợp thủy triều; lốc xoáy kết hợp mưa lớn, v.v...). Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm cho các di sản văn hóa và thiên nhiên đồng thời là các tài nguyên du lịch phân bố trải dài ven biển và hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ như các khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh), U Minh thượng (Kiên Giang), hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới tại các Vườn quốc gia v.v... thay đổi. Khi mực nước biển dâng cao các di sản này dễ dàng bị nhấn chìm.
Sự thay đổi khí hậu còn tác động đến các nghệ nhân - chủ nhân của các biểu hiện và hoạt động văn hóa. Đó là làm thay đổi lối sống, cách làm việc, thờ tự của các cộng đồng và xã hội tại các công trình xây dựng và cảnh quan, có khả năng làm cho con người phải di chuyển chỗ ở và từ bỏ di sản của họ.
Chủ động bảo tồn và phát huy di sản
Để bảo vệ di sản trước những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là cần nâng cao nhận thức về hiểm họa của biến đổi khí hậu đến những người ở vùng có di sản văn hóa, giúp họ phát huy tri thức bản địa để tìm ra phương thức ứng phó hiệu quả.
Về phía các cơ quan quản lý di sản trong cả nước từ trung ương đến địa phương, từ quản lý di sản thế giới đến các di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh cần xác định trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, việc bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn nhưng các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Ủy ban Di sản thế giới, tìm ra những kinh nghiệm tốt trong việc phòng ngừa và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (cả những kinh nghiệm dân gian truyền thống và kỹ thuật tiên tiến). Chủ động tuyên truyền, phổ biến các kinh nghiệm đó trong mạng lưới các di sản và trong cộng đồng. Kết nối hoạt động của các cơ quan liên quan ở trung ương và địa phương nhằm bảo tồn sự toàn vẹn và tính nguyên gốc của giá trị di sản như quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ rừng .v.v.
Đặc biệt, cần tránh tư tưởng chủ quan trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bởi lẽ, chính sự chủ quan sẽ phải trả giá bằng nhiều sinh mệnh và tài sản, khiến những giá trị văn hóa đã kết tinh hàng ngàn năm sẽ bị mai một, thậm chí sẽ vĩnh viễn mất đi mà không cách gì cứu vãn được.