Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn-Phối hợp hành động vì an ninh môi trường và Phát triển bền vững
Nguyễn Ngọc Sinh và các cộng sự
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Dãy Trường Sơn trước đây còn gọi là dãy núi An Nam hay Trung Kỳ. Theo những mô tả đầu tiên thì dãy núi Trung Kỳ khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía Đông Nam đến tận ranh giới Nam Bộ, là đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mê Công và các sông nhỏ đổ vào biển Đông và đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương. Về sau, một số nhà nghiên cứu mở rộng ranh giới phía Bắc của dãy Trường Sơn khiến cho khái niệm về dãy núi này không thống nhất.
Có hai quan điểm về ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam. Một là, Trường Sơn Bắc kéo dài đến hết tỉnh Quảng Nam (dãy núi Ngọc Linh) và hai là, Trường Sơn Bắc và Nam được phân chia theo dải núi Bạch Mã, ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Dãy Trường Sơn trên bán đảo Đông Dương
1. Các giá trị đặc trưng liên quan đến bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
Dãy Trường Sơn có quy mô thuộc loại lớn trên thế giới với chiều dài tính từ thượng nguồn sông Cả đến giáp miền Đông Nam Bộ là 1.100 km. Về mặt lịch sử địa chất, quần sơn này đã thiết lập chế độ lục địa từ đầu nguyên đại cổ sinh (khoảng 550 triệu năm trước) với sự hình thành tầng đá trầm tích vụn lục địa màu đỏ còn thấy rất rõ trên Tây Nguyên và ở thành phố Quy Nhơn (Núi Một). Từ đó đến nay, nhiều taxon (đơn vị phân loại sinh vật) cả bản địa lẫn ngoại lai trong một tiến trình lịch sử của sự sống luôn phát triển liên tục. Nhiều loài đặc hữu trong thế giới sinh vật hiện đại như Ếch Gai hàm Ngọc Linh, sâm Ngọc Linh, Mang Trường Sơn, Sao la, nhiều loài bò sát, côn trùng và thực vật đặc hữu khác... là minh chứng cho sự tiếp nối liên tục của lịch sử sự sống và chắc chắn nhiều taxon đặc hữu khác sẽ còn được phát hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, dãy Trường Sơn còn là nơi dự trữ nguồn gen và nguồn thiên địch của các sinh cảnh đồng bằng ven biển và tiếp nhận các loài sinh vật lạ xâm nhập, các nguồn gen ngoại lại. Chính mối tương tác này cũng góp phần tạo ra sự đa dạng sinh học (ĐDSH) Trường Sơn, cả trong nhóm cây trồng và vật nuôi lẫn trong nhóm sinh vật hoang dại, cả trong nhóm sinh vật cạn lẫn thủy sinh vật mà trong đó nhiều nhóm là nguồn lợi kinh tế quý giá.
Cư dân trên Trường Sơn đa phần là các dân tộc ít người, có nền văn hóa bản địa đặc sắc với kho tàng kiến thức bản địa phong phú. Nhờ kho kiến thức bản địa này mà Trường Sơn bảo lưu được nhiều giá trị ĐDSH trong hàng ngàn năm lịch sử. Là vùng biên cương giữa 3 nước, dãy Trường Sơn còn là một vùng nhạy cảm về địa chính trị và địa văn hóa. Bảo tồn ĐDSH là một tiếng nói chung đóng góp tích cực cho an ninh môi trường và bảo vệ đa dạng văn hóa bản địa của bán đảo Đông Dương.
Giá trị ĐDSH phong phú và đặc sắc
Để có một cái nhìn tổng quan về sự phong phú và đặc sắc của ĐDSH dãy Trường Sơn, xin trình bày giá trị ĐDSH kết hợp với địa sinh thái theo 4 phân vùng cụ thể và toàn vùng.
Tiểu vùng đệm giữa dãy Trường Sơn và vùng núi Tây Bắc Việt Nam (từ bờ phải sông Chu, Thanh Hóa đến bờ trái sông Cả, Nghệ An nên còn được gọi là Tiểu vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ)
Đây là vùng núi trung bình chủ yếu cấu thành từ các đá biến chất, đá hoa cương, đá vôi và các tầng đá vụn tạo thành những dãy núi vòng cung nhỏ ôm lấy khối nâng Quỳ Châu với một vài vòm phủ basalt giống basalt Tây Nguyên. Hệ động thực vật đa dạng với thảm rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh mà điển hình là VQG Bến En ở Tây Nam Thanh Hóa.VQG Bến En là nơi ẩn náu rất thuận lợi cho nhiều nhóm côn trùng, chim, gặm nhấm, móng guốc và các loài thú ăn thịt gồm có 50 bộ, 177 họ, 216 giống và hơn 1.000 loài động vật, trong đó có 91 loài thú, 201 loài chim, 54 loài bò sát, 31 loài ếch nhái, 68 loài cá, 499 loài côn trùng. Có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ như voi, bò tót, gấu ngựa, báo lửa, khỉ mặt đỏ, vượn bạc má, rùa vàng... Tiểu vùng Nam Thanh-Bắc Nghệ còn ẩn chứa nhiều giá trị ĐDSH.
Trường Sơn Bắc (từ bờ phải sông Cả, Nghệ An đến sống núi Bạch Mã).
Đỉnh núi Trường Sơn Bắc phần lớn trùng với biên giới Lào-Việt, nên trong lãnh thổ Việt Nam chủ yếu chỉ là Trường Sơn Đông. Trường Sơn Bắc là vương quốc của núi đá vôi với địa hình karst điển hình. Kẻ Bàng là khối đá vôi lớn nhất Đông Dương mà phần diện tích bên Việt Nam đã đến 2.000 km2 . Đặc trưng cho Trường Sơn Bắc là thảm rừng mưa nhiệt đới gió mùa thường xanh, đặc biệt là thảm rừng trên những vùng karst nhiệt đới điển hình rộng mênh mông. Các vùng rừng đai thấp phía Bắc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đầu nguồn sông Bồ, sông Hương của 2 huyện A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên Huế), hành lang Bà Nà-Hải Vân-Bạch Mã (thành phố Đà Nẵng) vẫn còn gà lôi đặc hữu, trĩ sao, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân nâu.
Tiểu vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam (từ sống núi Bạch Mã đến sống núi Ngọc Linh )
Gần trùng với phạm vi Quảng Nam - Đà Nẵng. Đỉnh Trường Sơn chạy theo biên giới Lào - Việt. Vùng chuyển tiếp khá hẹp theo chiều Bắc - Nam, cảnh quan đá vôi hiếm gặp (gặp ở Ngũ Hành Sơn và An Điềm), cảnh quan núi đá hoa cương kiểu Trường Sơn Nam cũng chưa phổ biến. Giới động thực vật mang tính chuyển tiếp giữa 2 phần Nam - Bắc Trường Sơn, 5 huyện Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Quế Sơn, Trà My (Quảng Nam), lâm trường An Sơn còn bảo tồn được voi, gà lôi đặc hữu, sao la, mang lớn, bò rừng, thỏ vằn Trường Sơn, chà vá chân xám, trĩ sao... như ở Trường Sơn Bắc.
Trường Sơn Nam (từ sống núi Ngọc Linh trở vào đến giáp miền Đông Nam Bộ)
Đỉnh núi Trường Sơn Nam uốn cong sát biển tạo ra 2 sườn Đông và Tây khác nhau: sườn phía Đông của Trường Sơn Nam rất dốc, đặc trưng bởi các dãy núi An Khê, Chư Điu, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin. Sườn của các dãy núi và khối núi này đổ dốc xuống các đồng bằng ven biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Phân dị mùa khô và mùa mưa điển hình làm xuất hiện một hệ sinh thái rất đặc biệt và gần như duy nhất ở Đông Nam Á, đó là hệ sinh thái rừng khộp với sự ưu thế của các tập đoàn cây họ dầu và thú lớn, riêng tại Tây Nguyên diện tích rừng khộp tổng cộng đến 500.000 ngàn héc ta. Các vùng rừng núi và hệ thực bì lá kim quanh các khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh, Kon Cha Rang (Gia Lai), vùng rừng tự nhiên tại các huyện Đắk Tô, Kon Plong, Đắk Glei (Kon Tum), vẫn còn hổ Đông Dương, hươu vàng, mang Trường Sơn, vượn đen má hung và một số loài chim đặc hữu của cao nguyên Kon Tum...
ĐDSH dãy Trường Sơn gắn chặt với an ninh môi trường
Tạo thành toàn bộ địa hình cao trong khu vực, dãy Trường Sơn chiếm đại bộ phận diện tích và có ảnh hưởng quyết định đến các tỉnh Miền Trung nước ta và một phạm vi khá lớn của Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.. Dãy Trường Sơn đảm bảo an ninh nguồn nước; cung cấp nơi cư trú và văn hóa địa phương; hạn chế thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất, xói mòn và bồi tụ đất đai; cung cấp các sản phẩm gỗ và phi gỗ; tạo ra chế độ khí hậu địa phương, qua đó tạo ra các nguồn gen quý, các tập đoàn giống cây trồng và vật nuôi bản địa, nguồn sinh vật thiên địch bảo vệ an toàn cho nông ngư nghiệp...Đấy là chưa kể đến chức năng không gì thay thế được của dãy Trường Sơn về an ninh quốc phòng. Có thể nói mọi biến động điều kiện tự nhiên trên dãy Trường Sơn đều kéo theo các biến động của các địa phương vùng chân núi. Những kế hoạch khai thác tài nguyên trên dãy Trường Sơn đều là những đánh đổi trong sinh kế của dân cư các địa phương trong vùng.
Vai trò của ĐDSH dãy Trường Sơn trong biến đổi khí hậu
Dãy Trường Sơn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Dãy Trường Sơn làm giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra như bão, lũ...Duy trì nguồn dược liệu tự nhiên quý giá, dự trữ nguồn gen và các loài thiên địch góp phần giảm nhẹ các bệnh dịch cây trồng, vật nuôi, kể cả sức khỏe cộng đồng do hiện tượng biến đổi khí hậu. Hoạt động nâng liên tục của nền địa chất hiện đại trong phạm vi Trường Sơn (trừ các vùng cửa sông) góp phần giảm thiểu hay triệt tiêu hiểm họa nước biển dâng cao ở nhiều địa phương ven biển miền Trung. Với diện tích 11.000.000 ha, nếu chỉ 50% diện tích có rừng cây thân gỗ thì mỗi năm dãy Trường Sơn sẽ giữ được 22-25 triệu tấn CO2, góp phần đáng kể vào giảm hiệu ứng nóng lên toàn cầu.
2. Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
Xây dựng chiến lược quản lý tổng hợp dãy Trường Sơn: Hiện nay, công tác quản lý dãy Trường Sơn chưa phù hợp với thực tiễn, xuất hiện những mâu thuẫn giữa các tỉnh cùng chia sẻ nguồn nước, giữa hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản thượng nguồn, giữa đắp hồ đập trên thượng nguồn với bảo vệ nguồn nước cho hạ lưu sông; giữa trồng cao su và rừng tự nhiên; giữa các khu bảo tồn thiên nhiên với hoạt động phát triển du lịch resort và khai thác lâm sản. Do vậy, cần có một chiến lược tổng thể có hợp tác chặt chẽ của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước và các cộng đồng địa phương.
Tổ chức thực hiện những nội dung cơ bản của việc bảo tồn ĐDSH toàn dãy Trường Sơn
Cần tổ chức điều tra, kiểm kê và đánh giá ĐDSH toàn dãy Trường Sơn một cách hệ thống, đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Trước tiên cần tiếp tục kiểm kê, điều tra, đánh giá ĐDSH (kể cả đa dạng sử dụng) trên cạn, dưới nước, trong các hang động ngầm, sinh vật nuôi trồng; xác định các taxon, các sinh cảnh, các hệ sinh thái, các nguồn gen quý cần được ưu tiên trong bảo tồn; xác định các nguy cơ xâm nhập của sinh vật ngoại lai và giải pháp phòng ngừa; xác lập các quy luật, quy định của bảo tồn ĐDSH Trường Sơn để hướng dẫn công tác lập và thẩm định các báo cáo Đánh giá Môi trường chiến lược (ĐMC) và Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng như trong giai đoạn giám sát môi trường sau ĐTM và sau ĐMC trong quần sơn này.
Lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn: Từ khi Luật ĐDSH có hiệu lực (1/7/2009), việc chuẩn bị xây dựng Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đã bắt đầu triển khai. Do đó, Quy hoạch bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn sẽ có nhiều thuận lợi do bao chiếm khoảng 3 quy hoạch vùng (Bắc Trunng bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên). Tuy nhiên, việc quy hoạch bảo tồn là mới mẻ, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương. Những nội dung cần chú trọng: theo dõi sát sao việc xây dựng Quy hoạch tổng thể của cả nước; chuẩn bị nhân lực, thu thập và hệ thống thông tin cần thiết; thực hiện từng phần nội dung, tiến tới xây dựng quy hoạch cho toàn Dãy.
Tăng cường các biện pháp bảo tồn chuyển chỗ (exsitu) nhằm bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên ĐDSH phong phú và đặc sắc của toàn dãy Trường Sơn. Cần từng bước nghiên cứu phát hiện, phát triển và xây dựng các biện pháp bảo tồn chuyển chỗ ĐDSH trong vùng, cũng như nghiên cứu áp dụng các biện pháp thích hợp theo kinh nghiệm ở ngoài vùng. Cố gắng gắn kết các hoạt động này với quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn của toàn Dãy, chú trọng các biện pháp sau: vườn thú; vườn cây thuốc; vườn thực vật; ngân hàng gen…
Kiểm soát chặt chẽ khai thác, sử dụng, vận chuyển tài nguyên ĐDSH trên dãy Trường Sơn. Cần chú trọng tổ chức nghiêm các giải pháp bảo tồn hiện hành; tăng cường, bổ sung các chế tài phù hợp; nghiên cứu áp dụng các giải pháp bảo tồn đặc thù đối với một số đối tượng.
Nghiên cứu các tác động của biến đổi khí hậu trên dãy Trường Sơn và đề xuất các giải pháp ứng phó liên quan đến bảo tồn ĐDSH. Dãy Trường Sơn đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống đất nước. Cùng với việc gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường toàn cầu, vai trò của dãy Trường Sơn, đặc biệt của ĐDSH dãy Trường Sơn càng quan trọng hơn. Cần chú trọng nghiên cứu sự hiện hữu của biến đổi khí hậu trên dãy Trường Sơn và tác động của nó đến ĐDSH; đề xuất các giải pháp liên quan đến bảo tồn ĐDSH; phát hiện các mô hình ứng phó thích hợp nhằm bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Huy động cộng đồng bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn.Đây là nguyên nhân quan trọng hàng đầu nhằm bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn. Cộng đồng địa phương đã và đang đóng vai trò chính bảo tồn ĐDSH nơi đây, họ cần và có thể phát huy vai trò đó trong thời gian tới. Muốn vậy cần chú trọng: tìm hiểu, nâng cấp và nhân rộng các mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng; tổ chức các phong trào cộng đồng bảo tồn ĐDSH sâu rộng tới địa phương; bằng các biện pháp thực tế khuyến khích cộng đồng bảo tồn ĐDSH.
Nâng cao năng lực bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn. Để bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn cần nâng cao năng lực tất cả các lực lượng liên quan, bằng các biện pháp như hoàn thiện cơ sở luật pháp và thể chế liên quan đến bảo tồn ĐDSH; đào tạo đội ngũ cán bộ bảo tồn đủ về lượng và đảm bảo về chất; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn ĐDSH; nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư dãy Trường Sơn; thường niên tổ chức Hội thảo bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn.
Hợp tác chặt chẽ với Lào, Campuchia và các nước khác
Dãy Trường Sơn là sống lưng của bán đảo Đông Dương nên rất cần một sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước Việt - Lào - Campuchia trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, đặc biệt trong việc nghiên cứu, bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên xuyên biên giới. ĐDSH dãy Trường Sơn không chỉ là tài nguyên quý giá của Việt Nam mà còn là tài sản chung của nhân loại. Sự phối hợp, trợ giúp quốc tế về kinh nghiệm, khoa học công nghệ, đào tạo cán bộ bảo tồn và kinh phí cũng rất cần thiết. Xây dựng một diễn đàn chung về Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn, tổ chức các hội thảo Khu vực (ASEAN), quốc tế, tổ chức các chương trình nghiên cứu, đào tạo và thực hiện hoạt động bảo tồn... có lẽ là những bước đi cần thiết ban đầu.
Trước mắt cần chú trọng các nội dung: xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa các vườn quốc gia có tính chất xuyên biên giới Chư Mom Rây (VN) – Đông An Pham (Lào) – Vi Ra Chey (CPC), Hin Nam No – Phong Nha Kẻ Bàng (VN), Phnom Nam Ligr (CPC) – Yok Đôn (VN) theo kiến nghị của Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ nhất và các cặp vườn quốc gia khác; từng bước thiết lập diễn đàn (Forum) quốc tế về bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn hoặc các hình thức hợp lý khác; tổ chức các chương trình, dự án điều tra, nghiên cứu, bảo tồn ĐDSH tại khu vực có chung các VQG từ ngân sách Nhà nước của từng nước, từ ngân sách cùng vận động tài trợ của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế và khu vực.
Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn
|
Từ ngày 22 đến ngày 24/5/2008, tại Đại học Huế và Vườn quốc gia Bạch Mã, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường nay là Tổng cục Môi trường tổ chức thành công Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ nhất với các nội dung: Kiến nghị về việc hoàn thiện và ban hành Luật ĐDSH; Đẩy nhanh tiến trình thành lập khu bảo tồn liên quốc gia Campuchia – Lào – Việt Nam; thành lập một tổ chức/đơn vị nghiên cứu/diễn đàn ĐDSH dãy Trường Sơn và hoàn thiện các khu bảo tồn nơi đây.
Tiếp nối từ thành công đó, Hội thảo Bảo tồn ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ 2, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối quý I/2010 - Năm quốc tế ĐDSH với 3 trọng tâm cũng là 3 định hướng cho các hội thảo tiếp theo là: Bảo tồn một trong những trung tâm ĐDSH hàng đầu của quốc gia và quốc tế; Nghiên cứu tác động qua lại của biến đổi khí hậu và ĐDSH; Bảo tồn và phát triển tại vùng lãnh thổ có ý nghĩa trọng đại đối với đất nước.
|

Dãy Trường Sơn với giá trị đa dạng sinh học phong phú và đặc sắc