Đánh thức tiềm năng du lịch
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray được hình thành từ Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, là Vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Ngay cạnh Vườn Quốc gia Chư Mom Ray là Vườn quốc gia Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào.
Diện tích rừng của toàn bộ khu vực này khoảng 700.000ha, tạo thành một khu bảo tồn rộng lớn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Đông Dương và Đông Nam Á.
Một trong số những thác nước đẹp tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Hệ thực vật rừng ở đây rất phong phú, đa dạng về số loài và trạng thái. Theo số liệu thống kê, nơi đây có khoảng 1.534 loài, trong đó có 113 loài quý hiếm thuộc họ phong lan, ngành hạt trần, các loại họ dầu, lớp tuế, trác, cẩm lai… Hệ động vật được ghi nhận có 718 loài, gồm 115 loài động vật có vú, 275 loài chim, 41 loài bò sát, 108 loài các nước ngọt, 179 loài côn trùng. Trong đó có 124 loài quý hiếm có tên trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: bò tót, mang Trường Sơn, voi, gấu ngựa, beo lửa…. Với đặc điểm đa dạng sinh học và nhiều nguồn gen quý, năm 2004, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN.
Vườn quốc gia Chư Mom Ray còn có lợi thế về cảnh quan với nhiều thác nước đẹp như thác Bảy tầng, thác Chàng, thác Bêrê Y. Xung quanh Vườn là hệ thống di tích lịch sử, khảo cổ nổi tiếng như Điểm cao Charlie, Điểm cao Delta, Khu tưởng niệm liệt sĩ Chư Tan Kra, di chỉ khảo cổ Lung Leng (xã Sa Bình)... Nơi đây cũng sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội với sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số như Ba Na, Gia Rai, K’ho, Rơ Măm, có thể phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái.
Để bảo tồn đa dạng sinh học của môi trường rừng, tạo ra môi trường sinh thái bền vững, thu hút được khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã chủ động kết nối với các công ty lữ hành trong nước, tổ chức các đoàn famtrip đến với Vườn để khảo sát, tạo dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, hướng từ sự bền vững của rừng. Vườn đã xây dựng các chương trình tour đến thác Ya Ray, đến với thác Bảy tầng; thung lũng Ya Bốc; treeking đỉnh Chư Mom Ray… Các tour này đều có đêm ngủ rừng và đêm ngủ tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, thăm vườn lan.
Để Vườn quốc gia Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp
Với quyết tâm đưa Vườn quốc gia Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2021-2030. Theo đó, chủ rừng là Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Theo mục tiêu của Đề án, Vườn quốc gia Chư Mom Ray trở thành điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc riêng của Vườn quốc gia Chư Mom Ray; tạo ra nguồn thu bền vững cho Vườn quốc gia Chư Mom Ray cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Du khách tham quan Vườn quốc gia Chư Mom Ray
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, tập trung đầu tư, phát triển các điểm du lịch: Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy), rừng khộp Đăk Kan (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) và điểm du lịch Safari Ya Book (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy). Vườn quốc gia Chư Mom Ray dự kiến sẽ khai thác 12 tuyến du lịch về sinh thái cảnh quan, du lịch sinh thái văn hóa và trải nghiệm văn hóa sinh thái.
Tổng vốn dự kiến đầu tư giai đoạn 2021 - 2030 là 135.550 triệu đồng (giai đoạn 2021-2025 dự kiến 80.200 triệu đồng; giai đoạn 2026 -2030 dự kiến 55.350 triệu đồng) từ nguồn vốn ngân sách đầu tư các công trình quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái, nguồn xã hội hóa và nguồn vốn khác.
Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết, trong thời gian tới, đề án sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền quảng bá trên mạng xã hội, triển khai các tour tuyến du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng, tham quan các điểm di tích lịch sử; thăm Vườn quốc gia kết hợp với cửa khẩu quốc tế Bờ Y...
“Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo du lịch cộng đồng, tập huấn kỹ năng đón tiếp khách cho người dân bản địa để họ cùng tham gia làm du lịch, một mặt vừa kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và tài nguyên văn hóa, một mặt giúp họ có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn thu từ kinh tế du lịch sẽ được tái đầu tư để bảo vệ rừng” - Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy chia sẻ thêm.
Lan Phương