Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận cây bồ đề trước đền thờ Lương Văn Chánh (thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) là Cây di sản Việt Nam sau Cụm quần thể 20 cây xoài Ðá Trắng ở chùa Từ Quang (xã An Dân, huyện Tuy An). Nhân dịp này, Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Danh Trường, Chánh văn phòng VACNE xung quanh nội dung này.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và VACNE mở bia Cây di sản Việt Nam trước đền thờ Lương Văn Chánh - Ảnh: M.KÝ
* Thưa ông, việc những cây cổ thụ được công nhận là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
- Đối với mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh “cây đa, giếng nước, sân đình” đã in sâu trong tâm thức. Đặc biệt ở các đình, chùa, miếu, cổng làng… luôn có những cây cổ thụ tỏa bóng mát, linh thiêng được tôn thờ như vị thần gìn giữ đất đai, che chở, giúp ích cho dân làng. Cây cổ thụ được ví như cụ già nhân từ, “cây cao bóng cả” tỏa bóng che chở con, cháu, một biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thiêng liêng trong không gian văn hóa Việt.
Bởi vậy, cây cổ thụ, cây di sản không đơn thuần là một cá thể thực vật mà nó gắn với văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh của cộng đồng. Cây là nơi hò hẹn lứa đôi tâm tình/ Treo cờ đưa tiễn tân binh/ Cây là máu thịt của mình của ta/ Cây là linh khí quốc gia/ Còn cây còn cả sơn hà niềm tin/ Ai ơi giữ lấy cây thiêng/ Muôn nghìn năm mãi vững bền Việt Nam.
Ông Nguyễn Danh Trường- Ảnh: T.QUỚI
Việc công nhận cây bồ đề 4 thân ở Đền thờ Lương Văn Chánh cũng như Cụm quần thể 20 cây xoài Đá Trắng ở chùa Từ Quang trước đó là Cây di sản Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Sự kiện này nhằm bảo vệ những cây cổ thụ lâu năm, quý hiếm và là thông điệp về đạo lý, nhân văn của người đời sau bày tỏ lòng tri ân, kính trọng đối với các bậc tiền nhân.
Hơn thế, dưới tàng Cây di sản này còn bao nhiêu lớp trầm tích văn hóa gắn với cộng đồng hàng trăm năm, gắn với những danh nhân nổi tiếng như: Thành hoàng đất Phú Yên Lương Văn Chánh, Lê Thành Phương, Trần Cao Vân, Võ Trứ… cùng những câu chuyện lịch sử của một thời trong công cuộc khai khẩn vùng đất cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
* So với nhiều Cây di sản khác đã được công nhận, điểm đặc biệt nổi bật của cây bồ đề di sản cũng như Cụm quần thể Cây di sản 20 cây xoài Đá Trắng ở Phú Yên là gì, thưa ông?
- Đến nay, VACNE đã nhận được hàng nghìn hồ sơ từ mọi miền đất nước, Hội đồng Cây di sản đã xét duyệt và công nhận trên 600 cây, trong đó có Cụm quần thể 20 cây xoài ở khuôn viên chùa Từ Quang và mới nhất là cây bồ đề ở Đền thờ Lương Văn Chánh này.
Thực ra mọi sự so sánh đều khập khiễng, bởi mỗi cây được công nhận là cây di sản đều có những điểm đặc biệt và giá trị riêng gắn với từng địa phương. Cây bồ đề di sản trước Đền thờ Lương Văn Chánh rất đặc biệt. Đó là một cây được phân thành 4 thân mọc trùm lên cổng đền cũ từ thời xa xưa tạo nên hình dáng “cổng tam quan” rất độc đáo. Cụm quần thể 20 cây xoài Đá Trắng cũng mang nét đặc trưng riêng khi đó là một quần thể cây chứ không phải cây riêng lẻ. Điểm tương đồng của cả hai Cây di sản trên được trồng trong khuôn viên đền, chùa là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia.
Khu di tích Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh cũng như di tích chùa Từ Quang đều là những điểm dừng chân của du khách khi du lịch tại Phú Yên. Với sự hiện diện của Cây di sản trên khuôn viên sẽ càng tôn thêm giá trị di sản. Nếu ngành Du lịch, địa phương và các bên liên quan phát huy tốt vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với du lịch văn hóa tâm linh thì đây là điều kiện rất tốt.
Cây bồ đề được công nhận là Cây di sản Việt Nam trước đền thờ danh nhân Lương Văn Chánh - Ảnh: D.T.XUÂN
* Chăm sóc, bảo tồn cây di sản là hết sức cần thiết, ở góc độ này ông có những khuyến nghị gì?
- Việc chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn Cây di sản là việc làm rất cần thiết, cần làm ngay và cũng là vấn đề lâu dài, liên tục. Việc chăm sóc, bảo vệ Cây bồ đề di sản cũng như Cụm quần thể 20 cây xoài Chùa Đá Trắng thuộc về ban quản lý đền thờ, nhà chùa, các phật tử, nhân dân và chính quyền địa phương.
Xa hơn, vì đây là những cây di sản trên khuôn viên các di tích cấp quốc gia nên cần được bảo tồn và phát huy giá trị di sản độc đáo của cây gắn với quần thể di tích ấy nên cần có sự chung tay của chính quyền các cấp, ngành và cả cộng đồng.
Ở góc độ chuyên môn kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây, VACNE sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn nếu địa phương đặt vấn đề.
* Xin cảm ơn ông!