quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
HOẠT ĐỘNG HỘI VACNE

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam : Truyền thông nâng cao nhận thức cho Cộng đồng về Cây Di sản Việt Nam

Chủ Nhật, 05/04/2015 | 07:35:00 AM

(VACNE) - Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết 5 năm Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ TN&MT Việt Nam tổ chức ngày 19/4/2015 sắp tới tại TP. Việt Trì, Phú Thọ.

              TRUYỀN THÔNG NÂNG CAO NHẬN THỨC
           CHO CỘNG ĐỒNG VỀ CÂY DI SẢN VIỆT NAM
 
TS. Trần Văn Miều
Trưởng ban Truyền thông của VACNE



 
 
Có thể nói sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam có sức lan tỏa ra cộng đồng dân cư rất nhanh. Kể từ lần đầu tiên tôn vinh 7 cây muỗn ở Đền Voi Phục, quận Ba Đình (ngày 5 tháng 10 năm 2010), Hà Nội đến nay, sự kiện này đã có 5 năm khởi động, thực hiện và phát triển không ngừng. Tính đến hôm nay (ngày 19 tháng 4 năm 2015), chúng ta làm lễ tôn vinh cây của thành phố Việt Trì, Phú Thọ, trên cả nước đã có 752 cây được công nhận là cây Di sản Việt Nam.
Sở dĩ, sự kiện tôn vinh cây Di sẩn Việt Nam được đông đảo cộng đồng dân cư hưởng ứng là do công tác truyền thông làm cho người dân hiểu được ý nghĩa và trách nhiệm của mình với việc bảo vệ những cây cổ thụ.
Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến một số nội dung có liên quan đến truyền thông về cây Di sản Việt Nam.
 
1. Từ truyền thông đến việc định nghĩa về cây Di sản Việt Nam
Chúng ta đều biết, cơ sở lý luận được khái quát hóa từ thực tiễn đang diễn ra thành hệ tư tưởng và những quan niệm về một sự việc, một hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội.      
Ý tưởng tổ chức sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam được hình thành trong những lần đi cơ sở, đi điền dã, các cuộc tham quan, trao đổi …của lãnh đạo và cán bộ Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Qua những lần tiếp xúc và tham vấn cộng đồng ý tưởng về sự kiện này đã được củng cố vững chắc hơn trong tư duy của lãnh đạo Hội. Mặt khác, khi thí điểm tổ chức một số sự kiên tôn vinh cây Di sản Việt Nam ở các địa phương, công tác truyền thông thực tế ở cộng đồng đã củng cố cho quyết định đúng đắn của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Tôi phải nói ngay rằng, sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam là do Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa là người khởi xướng, vừa là người chỉ đạo và vừa là người thực hiện. Chính việc làm “ba trong một” đó mà cơ sở lý luận về cây Di sản càng được củng cố vững chắc thêm.
Trong Hội nghi này, tôi xin đề nghị thảo luận và đi đến kết luận  về định nghĩa (định vị) cây Di sản Việt Nam. Đây là đóng góp của VACNE vào cơ sở lý luận và thực tiễn.
Theo tôi, thuật ngữ: Cây Di sản Việt Nam là sự kiện do Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng, chỉ đạo và thực hiện lần đầu vào ngày 5 tháng 10 năm 2010, tại Đền Voi Phục, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Cây di sản Việt Nam là cây gỗ, có thể là một cây hoặc nhiều cây ở trên một khu đất. Cây do người trồng có trên 100 năm tuổi và do mọc tự nhiên có trên 200 tuổi. Cây Di sản Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học và giáo dục tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân.
Khái niệm (định nghĩa) trên đã làm rõ các nội hàm sau:
- Thứ nhất, chủ thể sáng tạo của sự kiện;
- Thứ hai, thời gian tổ và địa điểm tổ chức lần đầu tiên;
- Thứ ba, tiêu chí tôn vinh cây Di sản Việt Nam;
- Thứ tư, ý nghĩa chính trị, kinh tế và xã hội của sự kiện.
Có đủ bốn dữ liệu trên là đủ cho việc xác lập một định nghĩa mới ở Việt Nam.
Nếu chúng ta thống nhất được thuật ngữ này sẽ là đóng góp của VACNE bổ sung một định nghĩa mới vào bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam.
 
2. Sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam có sức sống lâu bền trong cộng đồng dân cư
Tôi đã nhiều lần đi khảo sát để đề xuất với Hội đồng cây Di sản Việt Nam xét công nhận và dự nhiều sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam. Khi được đại diện của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi để tổ chức sự kiện tôn vinh 2 cây Đa Sộp là cây Di sản Việt Nam càng củng cố cho suy nghĩ của tôi. Suy nghĩ đó là: Sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam có sự khởi đầu và không có sự kết thúc.
Tôi làm công tác truyền thông về môi trường nên tôi cảm nhận được cảm xúc của người dân ở những nơi có cây Di sản Việt Nam. Tôi nhận thấy, người dân từ Đất Tổ Hùng Vương đến tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Phước, Cần Thơ…tất cả đều tự nguyện, hào hứng, tự hào và hy vọng vào một sự tốt đẹp hơn cho quê hương mình. Sở dĩ người dân có được những cảm xúc tốt đẹp đó là do, chúng ta đã làm tốt công tác truyền thông để dân hiểu, dân thảo luận, dân thực hiện (chúng ta không làm thay). Chúng ta đã làm cho cộng đồng dân cư hiểu rằng, trong cuộc sống bộn bề của sự lo toan về “cơm áo, gạo tiền”, về cái tôi đang lấn lướt cái chúng ta, vẫn có cái chung để cả cộng đồng cùng nhau bắt tay, xúm vào thực hiện. Chính do công tác truyền thông của chúng ta làm cho cộng đồng dân cư hiểu biết: cây di sản là một phần cuộc sống của họ, mỗi cây có cuộc sống gắn bó với truyền thống, lịch sử, văn hóa, sự kiện và tâm linh của mỗi cộng đồng dân cư. Chính vì, chúng ta nói cho dân biết, dân hiểu ý nghĩa đa chiều của cây Di sản nên người dân tự nguyện, tự giác thực hiện.
Trước khi Đại hội lần thứ VI của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam diễn ra, tôi đã đề xuất và được TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội đồng ý “Tổ chức đạp xe kết nối cây Di sản Việt Nam”. Đây là sự kiện truyền thông thực tế tại các cộng đồng có cây Di sản Việt Nam. Chính việc này đã làm cho sự kiên tôn vinh cây Di sản của Hội có sự kết nối từ cộng đồng dân cư này đến cộng đồng dân cư khác và làm cho sự kiện của Hội thêm có ý nghĩa về thực tiễn.
Được chứng kiến những cảm xúc của người dân, nhìn vào ánh mắt của họ và qua sự kiện đạp xe kết nối nêu trên càng làm cho tôi vững tin vào nhận xét của mình: Sự kiện cây Di sản Việt Nam có sự khởi đầu, mà không có sự kết thúc. Sự kiện này sẽ còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị VACNE chính thức đăng ký xin cấp Bản quyền về Sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam.
 
3. Về hiệu quả của công tác truyền thông về cây Di sản Việt Nam
Trong nhiều năm, tôi suy nghĩ đến câu phương châm do Đảng ta đề ra. Đó là: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Tôi đã tự đi tìm tính hợp lý và chưa hợp lý của câu phương châm này.
Có lẽ cũng nhờ sự “phù hộ” của các “Cụ” cây Di sản (tất cả người dân đều gọi cây Di sản Việt Nam một cách kính cẩn là Cụ Táu, Cụ Đa, Cụ Gạo…), mà tôi đã tìm thấy một “bảo bối” quan trọng.  Đó là câu nói, cũng có thể nói đây là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự hiệu quả của công tác tuyên truyền (truyền thông). Người dạy, “Tuyên truyền là đem việc gì đó nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không làm được việc đó thì tuyên truyền thất bại”.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải nói cho dân hiểu (chứ không chỉ nói cho dân biết). Từ sự hiểu biết của dân thì dân mới nhớ, mới theo và mới làm.
Như trên tôi đã trình bày, công tác truyền thông của VACNE về cây Di sản, trước hết đã làm cho cộng đồng dân cư hiểu và nhớ. Sau đó đã tư vấn để cộng đồng dân cư hưởng ứng và tự họ đã tổ chức sự kiên tôn vinh cây Di sản Việt Nam. Và cái quan trọng hơn là chúng ta đã làm cho cộng đồng dân cư ý thức rõ trách nhiệm của mình về việc tiếp tục bảo vệ cây Di sản đã được công nhận.
Hiệu quả của công tác truyền thông của Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
4. Một số đề xuất
Qua bài viết này, tôi xin đề xuất:
- Thứ nhất, Hội tiếp tục chí đạo việc kết nối cây Di sản Việt Nam.
- Thứ hai, vận động xã hội để xuất bản cuốn sách về cây Di sản Việt Nam.
- Đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hỗ trợ việc tổ chức Sự kiện tôn vinh cây Di sản Việt Nam.

Phụ lục: Một số bài viết trên các báo trong mấy năm qua về Sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam:


-Tiền Phong, 20/3/2010: Đề xuất cây di sản Việt Nam

-Dân Trí, 6/11/201010: Thừa Thiên - Huế: Công nhận cây di sản Việt Nam cho “cụ” Thị 312 tuổi

-Website VACNE 26/11/2010: Một chuyên gia người Anh muốn giúp đỡ việc chống sét cho cây di sản Việt Nam

-Báo Công an TP. HCM ngày 17/5/2011: Ngày 16-5: Công nhận Cây di sản Việt Nam tại Khu di tích Pắc Bó (Cao Bằng)
-Báo Đại biểu Nhân Dân, 25/4/2012: Cây di sản nhân chứng lịch sử và sinh thái
-
Báo Quảng Ninh, 5/6/2012: Vinh danh cây di sản - Quảng Ninh không mặn mà?
-Tổng cục Môi trường, ngày /6/2012: Phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam: Góc nhìn từ bảo tồn cây Di sản
- Nông nghiệp Việt Nam, ngày 15/10/2012: Bảo vệ Cây Di sản thế nào ?
Nhân dân, ngày 29/6/2012: Hành trình đạp xe kết nối Cây Di sản Đồng bằng Sông Hồng
-Pháp luật, ngày 9/2/2014: Xoài "tiến cung" được công nhận là Cây Di sản Việt Nam
-Đắc Lắc, ngày 28/2/2014: Bảo tồn Cây lâu năm không chỉ để vinh danh
-VTC News, ngày 19/7/2014: Hai cây đa cổ đảo Lý Sơn được công nhận Cây Di sản Việt Nam
-Đồng Tháp, ngày 23/7/2014: Phát huy giá trị 2 Cây Di sản Việt Nam taih Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
-Tin tức, ngày 18/1/2015: Chưa rõ trách nhiệm bảo vệ Cây Di sản
-Ninh Bình, ngày 21/2/2015: Dưới bóng Cây Di sản

Lượt xem: 1720

Các tin khác

Thống kê số lượt truy nhập hàng ngày trên Website VACNE tháng 4/2024

(02/05/2024 09:52:AM)

Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (SOS) tổ chức tập huấn ứng phó sự cố tràn dầu cho Công ty Xăng Dầu An Giang

(26/04/2024 10:11:AM)

Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức seminar khoa học về ứng phó sự cố tràn dầu

(22/04/2024 02:51:PM)

Tập huấn tác động của thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp và môi trường

(22/04/2024 01:16:PM)

Nghiên cứu đánh giá về đốt mở và sử dụng thuốc BVTV đối với môi trường và sức khoẻ con người ở Việt Nam là hoạt động thiết thực và có triển vọng.

(18/04/2024 05:50:PM)

Hội thảo tập huấn “Tác động của thuốc bảo vệ thực vật và đốt hở ngoài trời trong nông nghiệp lên môi trường và sức khỏe cộng đồng ở khu vực miền Trung”

(17/04/2024 11:22:AM)

(THPT) video “Phú Thọ - Khát vọng xanh”

(17/04/2024 10:42:AM)

(VTV) – Video Lễ hội Đền Hùng 2024: Lan toả thông điệp "Khát vọng xanh"

(17/04/2024 10:24:AM)

Lan tỏa thông điệp “Khát vọng xanh” đến cộng đồng tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(15/04/2024 12:50:PM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE