Bài phát biểu của Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Cuộc thi Quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước " lần thứ 11, năm 2014
BÀI PHÁT BIỂU CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO CUỘC THI QUỐC GIA “CẢI THIỆN VIỆC SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ NGUỒN NƯỚC” LẦN THỨ 11, NĂM 2014
GS.TS.NGND. Trần Hiếu Nhuệ
Kính thưa: Các vị đại biểu, các thày cô giáo và các em học sinh
Tôi xin thay mặt Hội đồng Giám khảo nêu một số nhận xét và đánh giá về chất lượng cuộc thi năm nay.
Năm nay thời gian nhận bài dự thi kéo dài hơn các năm trước là 15 ngày. Kết thúc quá trình nhận bài dự thi, Ban Tổ chức đã nhận được 545 bài dự thi từ các trường THPT trong toàn quốc, phủ đều các tỉnh ba miền Bắc- Trung- Nam. Số lượng bài thi năm nay tuy không nhiều. Song đáng mừng là cho đến nay, ngày càng có nhiều bài thi theo được “chuẩn” của cuộc thi quốc tế đề ra, tức là các bài dự thi phải là những ý tưởng, những sáng kiến, những dự án được thực hiện và trình bầy như một công trình khoa học mini.
Rút kinh nghiệm từ những lần thi trước và được sự hướng dẫn của các thầy cô, đến nay có thể nói, các em đã biết tìm ra ý tưởng, đề tài liên quan đến nước ngay ở môi trường quanh ta. Chẳng hạn, trước đây các em thường làm những bài rất công phu, nặng về trình bày nhận thức, lý thuyết, chọn đề tài quá lớn, quá chung. Đến nay các em biết tìm ra những đề tài cụ thể như Hệ thống báo động nước nhiễm mặn tự động bằng các vật liệu đơn giản, Sử dụng dịch chiết từ thực vật trong phòng trừ sâu hại nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước do thuốc trừ sâu hóa học,… Bên cạnh đó, các em còn thực hiện các đề tài về công nghệ xử lý nước sinh hoạt như Cải tiến bể lọc truyền thống xử lý nước sinh hoạt cho các hộ gia đình vùng ven đô, Hệ thống xử lý nước mưa khép kín,… Các em học sinh vùng sâu vùng xa ở tận An Lạc Thôn, Sóc Trăng luôn biết tìm ra những đề tài vừa tầm của mình và được tiến hành rất bài bản. Đối với các em học sinh trường THPT chuyên Thái Nguyên vẫn giữ được thế mạnh của mình là thực hiện các đề tài về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bên cạnh đó cũng không ít đề tài về khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường,… các em trường THPT Mộc Lỵ, Mộc Châu Sơn La vẫn giữ được truyền thống, tham gia rất tích cực, các bài thi bài bản hơn và theo được quy chuẩn của cuộc thi.
Đặc điểm các bài thi được giải năm nay:
Cuộc thi năm nay cũng như các năm trước, các bài dự thi rất phong phú và đa dạng từ các đề án liên quan đến công nghệ xử lý nước, dùng thực vật thủy sinh, vi sinh vật xử lý nước, các giải pháp tiết kiệm nước, … Năm nay, các đề án trong lĩnh vực truyền thông bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đã giảm đáng kể, thay vào đó các đề án về công nghệ phát triển hơn.
Kính thưa các quý vị đại biểu
Hội đồng Giám khảo gồm 7 người, là những chuyên gia hoạt động trong lình vực môi trường nước, đã rất khẩn trương và công tâm trong việc chấm giải. Quá trình chấm giải đã tiến hành theo trình tự như mọi năm (qua 3 vòng sơ khảo và 1 vòng chung khảo). Sau khi chấm chung khảo đã chọn ra 11 bài xuất sắc nhất để trình Ban Tổ chức quyết định giải thưởng. Có thể nói, chất lượng các bài/ công trình vào chung khảo chênh lệch không nhiều, nên tìm ra được những bài có thứ hạng cao là một khó khăn đối với Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức.
Ban Tổ chức và Hội đồng Giám khảo đã phải trao đổi, cân nhắc khá nhiều, tuy nhiên các bài thi năm nay chưa thật sự xuất sắc nên không thể chọn ra được bài giải nhất cuộc thi này. Có thể nói, tất cả các em được vào chung khảo dẫu đoạt giải cao hay thấp đều là những tài năng trong tương lai. Tìm ra những nhân tài thuộc thế hệ trẻ tương lai là một trong hững mục đích cuộc thi quốc tế đề ra, và cuộc thi quốc gia của chúng ta cũng đã đang hướng tới.
Hạn chế: Qua các bài thi vào chung kết cũng thấy rằng, chưa có đề án nào thực sự xuất sắc, hoàn hảo như mong muốn. Hầu như bài nào cũng còn bộc lộ những khiếm khuyết chung. Đó là:
Thời gian tiến hành quá gấp gáp, chưa có ý tưởng độc đáo, chưa giải quyết triệt để những vần đề được đặt ra. Bên cạnh đó, do bận học, do thiếu kinh phí… nên các em không có điều kiện đưa những mô hình, ý tưởng ra thử nghiệm trong thực tế, tính thuyết phục chưa cao,…
Nhìn chung các thể loại đề tài khá đa dạng và phong phú. Năm nay số lượng các đề tài có ít hơn, nhưng chất lượng vẫn giữ được ở mức khá. Do khó khăn về thời gian, nên các đề tài còn ở mức ý tưởng nên các số liệu, kết quả thu được còn hạn chế và khả năng áp dụng vào thực tế lại càng ít.
Các bài thi của quốc tế được giải là những đề tài được thực hiện khá dài thời gian.
Những năm tiếp theo vẫn có thể tiếp tục theo các hướng trên, nhưng các trường, các thày cô nên đầu tư dài hơi hơn, có thể bắt đầu từ vài năm trước.
Rút kinh nghiệm từ các bài thi trong các năm vừa qua, Tôi xin nêu ra “Một số gợi gợi ý về nghiên cứu bảo vệ môi trường nước ở Việt Nam cho các em học sinh phổ thông trung học”
1. Nguồn nước:
Ao hồ chứa nước, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhất là ở Nam bộ, trong đó nhiều nơi là nguồn tiếp nhận nước thải chưa được xử lý nên nguồn nước bị ô nhiễm từ nhẹ đến nặng và rất nặng
2. Các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam
- Nguồn ô nhiễm từ sinh hoạt của dân cư: Dân số VN trên 90 triệu người, nông thôn 60 triệu, Đô thị 30 triệu. khoảng 1200 bệnh viện, trung tâm y tế.
- Nguồn nhiễm từ Công nghiệp: Khoảng 300 KCN đang hoạt động và đang triển khai xây dựng, 900 CCN với khoảng hơn 600.000-700.000 doanh nghiệp.
- Khoảng 1500 làng nghề
- 20.000 trang trại chăn nuôi và rất nhiều lò giết mổ gia súc, gia cầm quy mô lớn, chưa kể trang trại quy mô nhỏ và hộ gia đình.
- Rất nhiều bãi chôn lấp chất thải rắn đô thị thuộc loại không hợp vệ sinh
3 Tình hình cấp nước đô thị, nông thôn, hải đảo và XLNT
- Nhiều khu đô thị, nông thôn, nhất là miền núi và hải đảo còn thiếu nước hoặc có nhưng chất lượng không đảm bảo.
- Mới có khoảng 60% trong số gần 200 KCN đang hoạt động có công trình xử lý nước thải. Còn rất ít CCN có công trình XLNT.
- Trong số trên 700 đô thị, mới chỉ có khoảng 30 đô thị có nhà máy/trạm xử lý nước thải tập trung.
- Có khoảng 50% số bệnh viện có trạm XLNT, nhiều bệnh viện chưa có trạm XLNT.
- -…
4. Hướng nghiên cứu các giải pháp bảo vệ nguồn nước của các em học sinh
4.1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thứca cộng đồng. Trong 10 năm qua đã có nhiều đề tài có chất lượng tốt được giải cao.
4.2.Các đề tàitìm kiếm các giải pháp tiết kiệm tiêu dùng nước
4.3. Các đề tài đề xuất các giải pháp công nghệ nước thiên nhiên phục vụ cấp nước hợp vệ sinh như loại bỏ sắt, các chất độc hại trong nước cấp sinh hoạt,…
4.4. Các đề tài về công nghệ XLNT
- Công nghệ xử lý nước thải chi phí thấp như XLNT tại chỗ, sử dụng các loại thực vật nước, các loại vật liệu địa phương để XLNT, xử lý tái sử dụng chất thải rắn (rác thải), v.v. Có nhiều công nghệ được giải cao.
4.4.Tìm kiếm vật liệu để XLNT . Có nhiều đề tài được giải
4.5. Tìm kiếm các chất dễ phân hủy thay thế chất tẩy rửa tổng hợp nguồn gốc hóa chất khó phân hủyđể sử dụng trong sinh hoạt. Có nhiều đề tài được giải.
4.6.Tái chế, sử dụng lại các chất thải công nghiệp để XLNT
4.7. Tìm kiễm hay chế tạo các công cụ đo lường phục vụ quan trắc môi trường nước.
Mặt khác có thể mở rộng các thể loại về xử lý nguồn ô nhiễm môi trường, tài nguyên nước,
Đồng thời có thể mở rộng như:
- Đề xuất các chính sách, các hương ước và thử nghiệm cho thôn xã, địa phương nơi trường tọa lạc ở đó.
- Tìm kiếm giải pháp cấp nước có hiệu quả cho đồng bào nghèo, dân tộc ít người
- Xây dựng các thói quen về vệ sịnh, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vê sinh, hạn chế các bệnh tật liên quan đến nước.
- Tạo các nguồn nước phục vụ trồng trọt, tưới cây, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản.
- + Nuôi trồng các loài thủy sản phục vụ đười sống, phát triển kinh tế hộ gia đình,…
- + Đất nước ta đang hướng đến phát triển kinh tế, cấp nước, xử lý nước thải. rác thải ở hải đảo, các vùng biên cương Tổ Quốc.
- Hãy phát huy trưyền thống người Việt Nam cần cù, thông minh, các em hãy góp phần làm giầu thêm cho đất nước, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ Quốc chúng ta.
Trên đây là những đánh giá, suy nghĩ, gợi mở của Hội đồng Giám khảo để Ban Tổ chức, các nhà trường, các thầy cô và đặc biệt các em học sinh trong cả nước nghiên cứu vận dụng.
Xin chân thành cảm ơn và xin chúc sức khỏe các quý vị đại biểu.