TTC - Có một anh con quan, cha mẹ lại mất sớm phải ở nhờ một người chú để ăn học. Anh ta dốt đặc, nhưng ngày đêm lại mơ tưởng một cô gái cũng con quan vừa đẹp vừa học giỏi. Một hôm, anh ta nhờ chú đến nhà người con gái để dạm hỏi. Ông chú về nói cho anh ta biết:
- Bố cô ấy nhận lời, nhưng bắt buộc anh phải đến để ông ta thử xem học hành ra sao.
Anh chàng rất lấy làm lo. Ông chú bảo:
- Cháu cứ yên tâm mà đến có gì ta sẽ liệu cho. Anh đến nhà người con gái thì vừa gặp bữa cơm sáng bưng ra, bố người con gái liền bảo anh ta cùng ngồi ăn. Ông bố nói:
- Chú anh muốn xin con gái ta cho anh, nay anh đã đến đây, ta ra cho anh vài câu đối, nếu anh đối được, ta sẽ gả con cho.
Ông chỉ lọng vàng vừa to vừa đẹp ở giữa nhà và nói:
- Ta ra cho anh câu đối thứ nhất là “Cái lọng” anh đối đi!
Anh chàng bối rối và chẳng biết đối đáp ra sao, nhìn xuống mâm cơm thấy con cua, anh ta liền đối “Con cua”. Ông bố lắc đầu cười, rồi chỉ cái án thư bên cạnh ra câu đối thứ hai:
- “Án thư”, anh đối đi!
Anh chàng đã bối rối càng bối rối thêm, nhìn thấy đĩa bánh, ngào mật mỡ ngon lành đặt ở giữa mâm, anh ta đối liền: “Bánh ngào”.
Hai câu đối của anh làm cho ông bố cô gái vừa bực mình vừa buồn cười. Cơm xong, trong lúc hai người đang ngồi uống nước thì có mấy người đến đong thóc. Ông bố liền chỉ vào cót thóc nói với anh chàng dốt:
- Ta ra cho anh câu thứ ba “Cót thóc”.
Anh chàng suy nghĩ một lúc lâu, chợt nhớ đến chuyện lấy vợ, anh liền đáp “Lấy vợ”. Sau đó, bố cô gái bảo anh ta hãy cứ về nhà.
Hôm sau, chú anh dốt sang chơi, bố cô gái trách:
- Cậu cháu ông dốt quá, tôi ra cho cậu ta 3 câu mà cậu ta chẳng đối được câu nào cả.
Người chú vừa cười vừa nói:
- Tôi cũng đã nghe nó kể lại. Cứ như ý tôi thì mấy câu nó đối rất hay, quan bác nghĩ lại mà xem...
Bố cô gái nghe người chú nói, rất ngạc nhiên liền hỏi:
- Hay như thế nào? Người chú liền nói:
- Câu thứ nhất quan bác ra “cái lọng”, ý muốn dùng chữ là Nhất trụ cự thiên (một cột chống trời). Nó đối lại “con cua” con cua có 8 chân, như vậy ý nó là: Bát túc cự địa (8 chân bám đất). Nhất trụ cự thiên mà đối với Bát túc cự địa, quan bác bảo còn gì hay hơn nữa? Câu thứ hai quan bác ra: “án thư” ý muốn nói là đẹp vàng son, nó đối lại “bánh ngào”. Ý nó nói là ngon mật mơ. Đẹp vàng son, ngon mật mỡ. Đối như vậy là chỉnh lắm rồi chứ! Bố cô gái vừa nghe vừa gật đầu khen hay. Hết câu thứ hai, ông ta ngắt lời người chú mà rằng:
- Hai câu đối như vậy quả là hay thiệt, nhưng câu thứ ba thì sai quá! Tôi ra “cót thóc” mà nó lại đối “lấy vợ”, thế thì còn nghĩa lý gì?
Người chú vẫn mỉm cười nói, câu thứ ba nó đối hay hơn câu trước rất nhiều, “cót thóc” có nghĩa bóng là tích cốc phòng cơ (trữ lúa phòng đói). Còn lấy vợ có nghĩa bóng là tử tôn vạn đại (con cháu vạn đời). Thưa quan bác, thằng cháu tôi nó đối như vậy, theo ý tôi là tuyệt lắm đấy chứ!
Mấy hôm sau, anh chàng dốt được ông bố cô con gái gọi đến và nhận làm rể.
TTC
(Tuổi Trẻ Cười, 25/11/2009)