quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Ăn tết "xanh"

Thứ Năm, 27/01/2011 | 03:42:00 PM

TTO - Ăn tết "xanh", chơi tết "xanh" là ăn chơi sao cho vui, giữ gìn sức khỏe, tránh lãng phí, giảm tác động đến môi trường...

 

Ăn tết "xanh" là ăn tết sao cho vui, khỏe, tránh lãng phí, giảm tác động đến môi trường... - Ảnh: Đình Dân

Những ngày giáp tết, Tuổi Trẻ Online gặp gỡ GS.TS Lê Chí Hiệp (chủ tịch Hội đồng Năng lượng, ĐH Quốc gia TP.HCM, chủ nhiệm bộ môn công nghệ nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa TP.HCM) và chị Hoàng Thị Minh Hồng (người Việt Nam đầu tiên hai lần đến Nam cực, có nhiều nỗ lực kêu gọi cộng đồng bảo vệ môi trường) để trao đổi về chủ đề "Ăn tết xanh".

* GS.TS Lê Chí Hiệp: "Sử dụng năng lượng thông minh, hợp lý, vừa đủ với nhu cầu"

Để đón tết thật "xanh", nên tiêu thụ năng lượng (điện, nước, gas...) một cách thông minh, hợp lý, vừa đủ với nhu cầu. Chẳng hạn khi ủi quần áo (mà nhu cầu vốn tăng trong dịp tết), để tiết kiệm điện, hãy gom hết quần áo cần ủi tập trung ủi một lần, không nên vừa ủi vừa chạy tới chạy lui làm việc khác.

Khi giặt quần áo bằng máy giặt, nên tiết kiệm điện - nước bằng cách để đúng chế độ giặt, mức nước phù hợp, không giặt vượt quá cao hay quá thấp năng lực giặt của máy. Nếu giặt bằng tay, nên tập trung quần áo giặt một lần sẽ tiết kiệm được nước, bột giặt, nước xả... Còn với máy nước nóng, nếu có thể hãy chuyển đổi sử dụng máy nước nóng mặt trời hoặc máy dùng công nghệ bơm nhiệt, vừa tiết kiệm tiền bạc vừa góp phần bảo vệ môi trường.

GS.TS Lê Chí Hiệp: "Cha mẹ nên làm gương cho con cái trong việc bảo vệ môi trường" (ảnh nhân vật cung cấp)

Điện, gas và các năng lượng khác dùng để nấu nướng trong những ngày tết cũng là vấn đề cần quan tâm. Chỉ cần những lưu ý rất nhỏ như tính toán thời gian hợp lý cho các khâu nấu nướng, nấu liên tục, không để bếp cháy vô ích, không để nồi nước sôi sùng sục trong khi vật liệu nấu chuẩn bị chưa xong, chỉ cắm nồi cơm điện khoảng 30 phút trước khi ăn... cũng đã góp phần cùng cộng đồng tiết kiệm năng lượng.

Việc trang hoàng nhà cửa ngày tết bằng ánh sáng điện sẽ không thật đáng lo ngại nếu chỉ "rực rỡ" hơn ngày thường một chút. Nhưng tôi chứng kiến có nhiều nhà chiếu sáng nhiều quá mức cần thiết đến mức làm người khác phải thấy xót. Sẽ tốt hơn nếu dừng lại ở mức vừa đủ, dùng các loại bóng tiết kiệm năng lượng.

* Chị Hoàng Thị Minh Hồng: "Ăn tết xanh từ những hành động giản dị"

Nhiều người vẫn xem tết là dịp "xả láng". Nhà nào cũng ngồn ngộn thức ăn và giông giống nhau nên ai cũng ngán. Thế mà vẫn cứ phải mua nhiều dẫn đến giá thực phẩm tết tăng vọt, rồi sau tết lại phải đổ đi không ít, vừa tốn tiền vừa tổn hại môi trường, chưa kể một số thức ăn tết chứa nhiều đường, cholesterol, chất phụ gia, chất bảo quản độc hại... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Tôi rất mong mọi người thay đổi tâm lý này. Hãy nghĩ ý nghĩa quan trọng nhất của tết là dịp gia đình sum họp, nhớ tới ông bà tổ tiên, là dịp bạn bè gặp mặt, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho năm mới chứ đừng xem tết là dịp để… ăn.

Chị Hoàng Thị Minh Hồng: "Gia đình tôi ăn tết đơn giản; hai cái bánh chưng, cân chả lụa, nấu thêm nồi canh măng khô kiểu Bắc, ít trà hữu cơ, cà phê hữu cơ, làm vài món bánh để tiếp khách. Tôi cũng không dùng bao lì xì, vừa đỡ tốn tiền, giảm rác, góp phần bảo vệ rừng" (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày tết chỉ nên chọn mua các loại thực phẩm hữu cơ (thực phẩm sạch, được nuôi trồng bằng phân bón hữu cơ, chăm sóc tự nhiên), rau sạch, thịt sạch, vừa đảm bảo sức khỏe vừa có lợi cho môi trường. Hạn chế mua các thực phẩm nhập khẩu để góp phần giảm phát thải khí nhà kính (do vận chuyển đường dài) và "tiếp sức" các nhà sản xuất trong nước.   

Còn về cây cảnh chưng tết, theo tôi, nên thuê cây, chơi tết xong gửi cây lại vườn, năm sau chơi tiếp thay vì mỗi năm rước một cây, hết tết lại đổ ra bãi rác. Mấy năm nay đào rừng được coi là đặc sản nên các rừng đào nguyên sinh ở Mộc Châu, Sa Pa bị chặt phá không thương tiếc. Nghĩ mà xót xa.

Ngày tết có lẽ là thời điểm mọi người ít chú ý đến môi trường nhất. Tôi rất mong mọi người thay đổi các thói quen chưa “xanh” trong dịp tết, hạn chế những hủ tục gây hại cho môi trường như đốt quá nhiều vàng mã, phóng sinh theo kiểu hình thức rồi vứt túi ni lông, xả tro hóa vàng đầy sông hồ, ăn nhậu quá đà, bẻ cành hái lộc, xả rác bừa bãi...

Sau tết những bánh kẹo, thực phẩm không dùng tới hãy gửi cho các trại trẻ mồ côi, trẻ em vùng sâu vùng xa... thông qua các tổ chức từ thiện. 

TRUNG UYÊN thực hiện

(TTO, 27/1/2011)

Lượt xem: 1966

Các tin khác

Thủ lĩnh sống xanh hướng tới Gen Z

(16/01/2025 09:15:AM)

Đắk Lắk: Rực rỡ sắc màu rừng Yok Don

(15/01/2025 08:42:AM)

Lâm Đồng: Hướng đến du lịch xanh

(13/01/2025 08:54:AM)

Phú Thọ: Phát triển du lịch gắn với bảo vệ rừng

(11/01/2025 07:47:AM)

Hà Giang: Du lịch xanh đưa “ngành công nghiệp không khói” vươn xa

(07/01/2025 09:13:AM)

Hòn ngọc xanh của Tuyên Quang tiếp tục phát triển du lịch theo hướng bền vững

(05/01/2025 07:25:PM)

eSIM du lịch: Công nghệ xanh cho những hành trình khám phá

(03/01/2025 07:58:AM)

Du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên - An Giang)

(30/12/2024 06:18:AM)

Thanh Hóa nỗ lực trở thành điểm đến du lịch xanh

(29/12/2024 08:15:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE