Được sáng lập từ năm 1999, Mongabay.com đang là một trong những trang web nổi tiếng nhất về bảo tồn rừng. Nhà sáng lập trang web này, ông Rhett Butler, đồng thời là nhà tư vấn cho nhiều tổ chức chính phủ, các tổ chức phát triển đa phương, các hãng truyền thông, viện nghiên cứu, các quỹ phát triển và các doanh nghiệp tư nhân.
Câu chuyện của ông Rhett Butler trong cuộc phỏng vấn dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về con đường dẫn nhà sáng lập Mongabay đến với những cánh rừng và qua đó cũng hiểu thêm về công tác bảo tồn rừng.
- Động lực nào thôi thúc ông lập ra trang Mongabay?
Ông Rhett Butler: Đó là nhờ những chuyến đi. Cha tôi hàng tuần đều phải bay từ San Francisco tới Hawaii và Alaska gặp gỡ đối tác, thành ra từ bé, tôi đã quen thuộc với những chuyến bay. Chưa hết đâu, gia đình tôi còn có cơ hội đi rất nhiều vì mẹ tôi làm ở một đại lý du lịch chuyên phụ trách các chuyến bay nước ngoài hạng sang. Năm nào chúng tôi cũng ghé thăm những vùng đất như Disney Land, Yosemite và Sierra Nevada, nơi ông bà tôi sống. Ngoài ra, chúng tôi còn đặt chân đến nhiều địa điểm thú vị khác, tuy ít hơn, như Hawaii, Mexico, vùng Ca-ri-bê và cả các nước Âu châu nữa.
Riêng với bản thân tôi, những chuyến đi tới Botswana, Ecuador, Venezuela, Úc và Zimbabwe chính là những hành trình cuộc đời. Ở đó, tôi đã học được cách lắng nghe, có một chút thời gian để tự nhìn lại mình. Ở đó, tôi luôn tận dụng tối đa thời gian rảnh rỗi, tôi yêu thích các hoạt động ngoài trời, rồi bị mê hoặc bởi tính đa dạng về cảnh quan, văn hóa, về thế giới động vật độc đáo nơi đây lúc nào không hay.
Tôi đặc biệt thích thú với các loài động vật, nhất là bò sát và lưỡng cư. Tình yêu dành cho thế giới hoang dã cứ thế lớn dần trong tôi, dẫn tôi tới niềm đam mê với những cánh rừng mưa, nơi có đặc tính đa dạng sinh học cao nhất hành tinh.
Ông Rhett Butler (Ảnh: Rainbow Tours)
Mới đầu, cha mẹ tôi phản đối ghê lắm, ai mà bình thường được khi đang yên lành, con mình lại đòi tới những nơi rừng rú đầy những con nhện to hơn mức bình thường, những con rắn độc hơn bình thường và nhiều muỗi hơn mức bình thường. Đừng hiểu nhầm ý tôi nhé! Tôi vẫn yêu những loài hoang dã ở Phi châu, vẫn thích ngụp lặn ở Kauai hay bơi ở hồ băng Sierras để thám hiểm nhưng với tôi, không gì có thể sánh bằng những khu rừng rậm nhiệt đới bí ẩn và kỳ thú.
Đáng tiếc là rừng mưa lại đang bị đe dọa. Ngay từ lần ghé thăm đầu tiên, tôi đã nhận ra điều này và sau đó không lâu, hai trong số những điểm dừng chân của tôi đã bị tàn phá nặng nề: một điểm ở Ecuador mà thủ phạm chính là vụ tràn dầu trên con sông mà vừa 3 tháng trước đấy, tôi vẫn thường chơi đùa với lũ trẻ người bản địa; điểm còn lại nằm ở Borneo, một vùng rừng đầy đười ươi bị chặt phá để lấy bột gỗ cung cấp cho một nhà máy sản xuất giấy. Tình trạng phá rừng ở Borneo khiến tôi cảm thấy rất buồn và rồi con tim thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó: tôi bắt đầu viết một cuốn sách về rừng mưa.
Cuốn sách này cũng là nguồn cảm hứng để Mongabay – một trong những trang web nổi tiếng nhất về rừng mưa hiện nay – ra đời.
- Theo ông, đâu là lý do dẫn đến nạn phá rừng? Bản thân ông có thấy lạc quan về công tác bảo tồn rừng không?
Ông Rhett Butler: Có chứ. Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Dĩ nhiên trong vài thập kỷ tới, hoạt động bảo tồn sẽ không tránh khỏi những trở ngại, như tình trạng tiêu thụ quá mức tài nguyên hay những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chẳng hạn. Nhưng tôi có thể thấy được rằng chúng ta đang đi đúng hướng.
Ngay lúc này đây, nhận thức của con người về giá trị của các hệ sinh thái đang lớn hơn bao giờ hết. Không chỉ riêng các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách mà cả các doanh nghiệp cũng đang từng bước nhận ra được vai trò thiết yếu của rừng và đại dương đối với cuộc sống con người.
Hơn nữa, có một xu hướng toàn cầu mà thoạt nhìn có vẻ đáng lo ngại, song thực chất lại hỗ trợ cho việc bảo tồn các môi trường sống quan trọng. Đó là: các động cơ phá rừng đã thay đổi đáng kể từ thập niên 1970, 1980. Tuy rằng mỗi năm, những cánh rừng nhiệt đới vẫn tiếp tục mất đi hơn 10 triệu héc-ta nhưng đối tượng phá rừng không phải là hàng trăm triệu nông dân nghèo nữa mà là một số doanh nghiệp lớn và mục đích phá rừng không còn là vì miếng ăn nữa mà là vì nhu cầu sản xuất hoặc tiếp cận các mặt hàng như lương thực, năng lượng sinh học, tài nguyên thiên nhiên. Nói cách khác, hoạt động phá rừng giờ đây chủ yếu nhằm vào lợi nhuận hơn là vì đói nghèo và nhằm đáp ứng các thị trường khu vực và quốc tế hơn là vì nhu cầu địa phương.
Bước chuyển biến này có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn rừng. Đầu tiên, các nhóm bảo tồn sẽ dễ dàng xác định thủ phạm phá rừng hơn. Ngoài ra, những công cụ như Google Earth hay camera cầm tay có thể dễ dàng biến bất kỳ ai trở thành một phóng viên hay một nhà hoạt động môi trường. Và cuối cùng, việc đánh giá lợi ích từ các dịch vụ hệ sinh thái có thể tạo ra nguồn tài chính cho bảo tồn.
Ở quy mô nhỏ hơn cũng có nhiều lý do để hy vọng. Internet và điện thoại di động hiện đang là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho các tổ chức phi chính phủ quảng bá hoạt động của mình, tìm đối tác, gây quỹ và nâng cao tính hiệu quả của các dự án. Ở nhiều nơi như Trung Phi, kiểm lâm thường xuyên viết blog về những nỗ lực trong việc bảo vệ khỉ đột khỏi những tay săn trộm và trực tiếp kêu gọi quyên góp từ các độc giả quan tâm. Còn người dân Sumatra thì sử dụng điện thoại để kêu gọi cộng đồng phản đối việc các công ty khai thác gỗ lấn chiếm đất của họ…
Thêm vào đó, các tổ chức ngày càng sẵn sàng hợp tác với nhau hơn. Đánh giá tác động môi trường, các chứng nhận và nhiều tiêu chuẩn khác nhau đang buộc các công ty và các nhà phát triển phải tham vấn ý kiến của cộng đồng chịu ảnh hưởng. Tuy rằng các tiến trình này thường diễn ra một chiều và dễ bị điều khiển, song ít nhất là đã có sự tham vấn và tôi cho đây mới chỉ là khởi đầu.
- Cuối năm 2011, ông đã xuất bản cuốn sách “Những cánh rừng mưa”. Cuốn sách dành cho trẻ em nhưng lại gây hứng thú với bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Vậy thông điệp mà ông muốn truyền tải qua cuốn sách này là gì?
Ông Rhett Butler: Mục đích của cuốn sách là giúp mọi người nhận thức được vẻ đẹp và tầm quan trọng của rừng mưa cũng như những gì đang xảy ra với chúng. Gọi là sách cho trẻ em, song người lớn vẫn có thể đọc được. Cuốn sách cho độc giả thấy một cái nhìn đơn giản nhưng chân thực về những khu rừng nhiệt đới. Đặc biệt, sách có tới hơn 150 bức ảnh nên dù người nào không thích đọc vẫn có thể xem. Đa phần ảnh là do tôi chụp trong các chuyến đi viết phóng sự cho Mongabay.
Mối quan tâm của tôi dành cho rừng mưa ban đầu là vì giới tự nhiên ở đó, nhưng giờ đây là vì cảm kích trước những lợi ích mà rừng mang lại cho con người, từ những lợi ích trực tiếp cho người dân sống phụ thuộc vào rừng đến việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu và tạo ra nhiều mưa hơn.
- Theo ông, chúng ta có thể làm gì để đóng góp vào công tác bảo tồn những cánh rừng mưa còn sót lại trên thế giới?
Ông Rhett Butler: Cứu rừng thoạt nghe có vẻ là một mục tiêu lớn lao, song ngay cả khi đang ở nhà, bạn cũng có thể góp phần hiện thực hóa mục tiêu này, trước tiên bằng việc giảm bớt lượng tiêu thụ và hiểu rõ nguồn gốc các sản phẩm bạn mua.
Chẳng hạn, nếu loại thức ăn ưa thích của bạn có dùng dầu cọ hoặc hạt cọ, hãy xác định xem liệu chúng đã được Hội nghị bàn tròn về Dầu cọ bền vững (RSPO) chứng nhận chưa. Nếu không biết, bạn có thể gọi điện hoặc viết thư tới nơi sản xuất xin tư vấn. Trong trường hợp mua một tờ báo, hãy chắc chắn là nó làm bằng giấy tái chế. Còn khi mua gỗ, bạn nhớ hỏi nguồn gốc của nó và xem nó có được kiểm duyệt không… Nói tóm lại, hãy cố gắng giảm dấu chân của bạn lên môi trường bằng cách hạn chế sử dụng năng lượng và thay đổi thói quen ăn uống của mình.
Ngoài ra, bạn cần chú ý theo dõi tin tức và những diễn biến liên quan đến rừng. Nếu bạn thực sự quan tâm tới vấn đề này và có điều kiện hỗ trợ thì nên cân nhắc việc quyên góp, tài trợ cho các nhóm bảo vệ rừng, đặc biệt là những nhóm nhỏ và có mục tiêu, thay vì cho các tổ chức phi chính phủ lớn. Và nếu bạn dư dả về thời gian hơn tiền bạc, đừng ngại trở thành tình nguyện viên trực tiếp đóng góp cho những chiến dịch nhé!
- Có thể dùng lời nào để tóm gọn vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với sự sống con người, thưa ông?
Ông Rhett Butler: Những cánh rừng thường được ví như “lá phổi của Trái đất” bởi chúng hấp thụ các-bon và thải ra lượng lớn ô-xi, nhưng thực tế, chúng còn chứa đựng nhiều lợi ích khác nữa. Rừng là nơi lưu giữ các đặc tính đa dạng sinh học, là ngôi nhà của hàng triệu người dân vốn đang sống phụ thuộc vào chúng. Chưa hết, rừng còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tuần hoàn nước và điều hòa khí hậu, giúp loài người chống lại các thảm họa, thiên tai như lũ lụt, lở đất…
Theo Nguyễn Giang
(Vanhien.vn)