Ngày Môi trường Thế giới (5/6) là ngày quốc tế lớn nhất về môi trường, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức hàng năm kể từ năm 1973. Đến nay, sự kiện này đã phát triển thành nền tảng toàn cầu để truyền thông môi trường với hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới tham gia các hoạt động bảo vệ hành tinh. Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 tập trung vào chủ đề phục hồi đất, ngăn chặn sa mạc hóa và chống hạn hán.
Đất duy trì sự sống trên trái đất. Các không gian tự nhiên như rừng, đất nông nghiệp, thảo nguyên, đất than bùn và đồi núi cung cấp cho nhân loại thực phẩm, nước và nguyên liệu thô cần thiết để tồn tại.
Tuy nhiên, hơn 2 tỷ hecta đất trên thế giới đang bị suy thoái, ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người. Các hệ sinh thái quan trọng và vô số loài đang bị đe dọa. Trước tình trạng hạn hán, bão cát, nhiệt độ tăng cao và kéo dài nghiêm trọng hơn, điều quan trọng là phải tìm cách ngăn chặn đất khô cằn trở thành sa mạc, nguồn nước ngọt bốc hơi và đất đai màu mỡ biến thành cát bụi.
Theo các chuyên gia, mặc dù điều đó nghe có vẻ như là một nhiệm vụ bất khả thi nhưng thực tế không phải vậy. Ngày 5/6 này, hành tinh này sẽ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm 2024. Sự kiện này sẽ là dịp để công chúng quan tâm và góp phần giúp chấm dứt tình trạng suy thoái đất và khôi phục cảnh quan bị tàn phá.
Bruno Pozzi, Phó Giám đốc Ban Hệ sinh thái của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, cho biết: “Các chính phủ và doanh nghiệp có vai trò dẫn đầu trong việc khắc phục những thiệt hại mà nhân loại đã gây ra cho trái đất”. “Nhưng mỗi người chúng ta cũng có một vai trò quan trọng trong việc phục hồi sinh thái, nhằm đảm bảo tương lai của loài người chúng ta.”
Dưới đây là 7 cách để mọi người cùng tham gia phục hồi hệ sinh thái nhân Ngày Môi trường Thế giới.
1. Chuyển hướng sang nông nghiệp bền vững
Trên toàn cầu, ít nhất 2 tỷ người, đặc biệt là người dân nông thôn và các khu vực nghèo, phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống. Tuy nhiên, hệ thống sản xuất lương thực thực phẩm hiện tại của chúng ta không bền vững và là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái đất. Có rất nhiều cách chúng ta có thể làm để khắc phục điều này. Chính phủ và khu vực tài chính có thể thúc đẩy nông nghiệp tái tạo để tăng sản lượng lương thực đồng thời bảo tồn hệ sinh thái.
Hiện nay, những người sản xuất nông nghiệp ở các quốc gia nhận được 540 tỷ USD hỗ trợ tài chính mỗi năm. Khoảng 87% các khoản trợ cấp này bóp méo giá cả hoặc gây tổn hại đến thiên nhiên và sức khỏe con người. Các chính phủ có thể chuyển hướng trợ cấp nông nghiệp sang hướng thực hành bền vững và hỗ trợ nông dân sản xuất ở quy mô nhỏ.
Các doanh nghiệp nông nghiệp có thể phát triển các loại cây trồng thích ứng với khí hậu, khai thác kiến thức bản địa để phát triển các phương pháp canh tác bền vững và quản lý tốt hơn việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón để tránh gây hại cho đất. Người tiêu dùng có thể áp dụng chế độ ăn theo vùng, theo mùa và giàu thực vật, đồng thời bổ sung nhiều thực phẩm thân thiện với đất hơn trong các bữa ăn, chẳng hạn như đậu, đậu lăng, đậu xanh và đậu Hà Lan.
2. Bảo vệ đất
Đất không chỉ là bụi bẩn dưới chân chúng ta. Đây là môi trường sống có mức độ đa dạng sinh học cao nhất hành tinh. Gần 60% các loài sống trong đất và 95% thực phẩm chúng ta ăn được sản xuất từ đất. Đất khỏe mạnh hoạt động như một bể chứa carbon, lưu giữ các khí nhà kính khỏi xâm nhập vào khí quyển, đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Unsplash/Roman Synkevych.
Để giữ cho đất khỏe mạnh và năng suất, chính phủ và khu vực tài chính có thể hỗ trợ phương thức canh tác hữu cơ và thân thiện với đất. Các doanh nghiệp nông nghiệp có thể thực hành không làm đất – kỹ thuật trồng trọt không làm xáo trộn đất để duy trì độ che phủ đất hữu cơ. Phân hữu cơ và vật liệu hữu cơ có thể được thêm vào đất để cải thiện độ phì nhiêu của đất. Các kỹ thuật tưới như tưới nhỏ giọt hoặc lớp phủ có thể được sử dụng để giúp duy trì độ ẩm của đất và ngăn ngừa hạn hán. Ở cấp độ hộ sản xuất cá thể có thể làm phân trộn từ những phần thừa trái cây và rau quả để sử dụng trong vườn và cây cảnh.
3. Bảo vệ các loài thụ phấn
Cứ bốn loài cây trồng cho quả và hạt thì có ba loài phụ thuộc vào các loài thụ phấn. Ong là loài thụ phấn nhiều nhất nhưng bên cạnh đó còn có dơi, côn trùng, bướm, chim và bọ cánh cứng. Trên thực tế, nếu không có dơi, chúng ta có thể nói lời tạm biệt với các loại hoa quả như chuối, bơ và xoài. Bất chấp tầm quan trọng của chúng, tất cả các loài thụ phấn đều đang suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là ong.
Để bảo vệ các loài thụ phấn, con người cần giảm ô nhiễm không khí, giảm thiểu tác động bất lợi của thuốc trừ sâu và phân bón, đồng thời bảo tồn đồng cỏ, rừng và vùng đất ngập nước để cho các loài thụ phấn phát triển. Các nhà chức trách và cá nhân có thể giảm việc cắt tỉa ở các không gian xanh trong các thành phố và tạo ra nhiều ao hồ thân thiện với côn trùng thụ phấn hơn để thiên nhiên quay trở lại. Trồng nhiều loại hoa bản địa trong thành phố và vườn nhà cũng sẽ thu hút các loài chim, bướm và ong.
4. Phục hồi các hệ sinh thái nước ngọt
Các hệ sinh thái nước ngọt duy trì chu trình nước giúp đất đai màu mỡ. Chúng cung cấp thực phẩm và nước uống cho hàng tỷ người, bảo vệ chúng ta khỏi hạn hán và lũ lụt, đồng thời cung cấp môi trường sống cho vô số loài thực vật và động vật. Tuy nhiên, các hệ sinh thái này đang biến mất ở mức báo động do ô nhiễm, biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và khai thác cạn kiệt.
Ocean Image Bank/Jayne Jenkins.
Đại dương và biển cả cung cấp cho nhân loại oxy, thực phẩm và nước, đồng thời giảm thiểu biến đổi khí hậu và giúp cộng đồng thích ứng với thời tiết khắc nghiệt. Hơn 3 tỷ người, chủ yếu ở các quốc gia đang phát triển, sống dựa vào đa dạng sinh học biển và ven biển để kiếm sống.
Để giữ gìn tài sản quý giá này cho các thế hệ mai sau, các chính phủ có thể đẩy nhanh việc thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal. Các quốc gia có thể khôi phục hệ sinh thái xanh lơ – bao gồm rừng ngập mặn, đầm lầy ngập mặn, rừng tảo bẹ và rạn san hô – đồng thời thực thi các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát ô nhiễm, chất dinh dưỡng dư thừa, nước thải nông nghiệp, rác thải công nghiệp và rác thải nhựa để ngăn chặn chúng trôi vào các khu vực ven biển.
Các quốc gia có thể áp dụng cách tiếp cận vòng đời để thiết kế lại các sản phẩm nhựa nhằm đảm bảo chúng có thể được tái sử dụng, chuyển đổi mục đích, sửa chữa, tái chế – và cuối cùng là tránh xa đại dương. Doanh nghiệp có thể đầu tư thu hồi chất dinh dưỡng từ nước thải và chất thải chăn nuôi để sử dụng làm phân bón.
6. Mang thiên nhiên trở lại thành phố
Hơn một nửa dân số thế giới sống ở các thành phố. Đến năm 2050, dự kiến cứ ba người thì có hai người sẽ sống ở các trung tâm đô thị. Các thành phố tiêu thụ 75% tài nguyên của hành tinh, tạo ra hơn một nửa rác thải toàn cầu và thải ra ít nhất 60% lượng khí nhà kính. Khi các thành phố phát triển, chúng biến đổi thế giới tự nhiên xung quanh, có khả năng dẫn đến hạn hán và suy thoái đất đai.
Nhưng các thành phố không nhất thiết phải là những khu rừng bê tông. Rừng đô thị có thể cải thiện chất lượng không khí, cung cấp nhiều bóng mát hơn và giảm nhu cầu làm mát cơ học. Bảo tồn kênh rạch, ao hồ và các vùng nước khác của thành phố có thể làm giảm bớt tác động của các đợt nắng nóng và tăng cường đa dạng sinh học. Việc làm vườn trên mái nhà và thiết kết vườn thẳng đứng trong các tòa nhà của chúng ta có thể cung cấp môi trường sống cho chim, côn trùng và thực vật.
7. Tạo nguồn tài chính cho phục hồi thiên nhiên
Khoản đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên cần tăng hơn gấp đôi lên 542 tỷ USD vào năm 2030 để đáp ứng các mục tiêu phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và khí hậu thế giới.
Để thu hẹp lỗ hổng tài chính hiện tại, các chính phủ có thể đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hạn hán, cũng như tài trợ cho các hoạt động phục hồi đất đai và các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Khu vực tư nhân có thể tích hợp phục hồi hệ sinh thái vào mô hình kinh doanh của họ, thực hiện các biện pháp quản lý chất thải hiệu quả và đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và công nghệ xanh.
Các cá nhân có thể thay đổi tài khoản ngân hàng của mình sang các bên khác có hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp bền vững, quyên góp để phục hồi hoặc gây quỹ cộng đồng cho những sáng kiến có thể giúp cứu hành tinh.
Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái 2021–2030 của Liên hợp quốc
Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021–2030) do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc và các đối tác chủ trì, hướng đến các hệ sinh thái trên cạn cũng như ven biển và biển. Là lời kêu gọi hành động toàn cầu, chiến dịch này thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính để mở rộng việc phục hồi sinh thái trên quy mô lớn. |