(VACNE)-Tổng nguồn lực tài chính để triển khai đề án “Đưa kiến thức, kỹ năng, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vào nhà trường giai đoạn 2011 - 2020” dự kiến là 52,316 tỷ đồng trong đó ngân sách trung ương là 35 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 17,316 tỷ đồng – theo thông tin tại buổi góp ý đề án do Bộ Giáo dục&Đào tạo và Tổ chức UNICEF tổ chức chiều 18/1 tại Hà Nội.
Đề án tập trung vào các nội dung nhằm đưa kiến thức về phòng, tránh, và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình giáo dục các cấp và các trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
PGS.TS Lê Trọng Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ&Môi trường – Bộ Giáo dục&Đào tạo, cho biết đến hết năm 2013, xây dựng xong tài liệu và tổ chức dạy thí điểm, tổng kết kinh nghiệm, và hoàn thiện tài liệu.
Đến năm 2014, tổ chức tập huấn phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên, giảng viên cốt cán trong toàn ngành về kỹ năng phòng, tránh, và giảm nhẹ thiên tai.
Đến năm 2015, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, tránh, và giảm nhẹ thiên tai cho 80% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên trong toàn ngành, v.v…
Đến năm 2020, 80% cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên toàn ngành được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, tránh, và giảm nhẹ thiên tai.
Theo bà Lê Thị Minh Châu, chuyên gia giáo dục của UNICEF, việc trang bị những kiến thức về phòng tránh rủi ro thiên tai sẽ giúp học sinh hiểu biết, chủ động của bản thân, giúp cho ngành giáo dục giảm nhẹ được rủi ro thiên tai. Điều này có tác dụng rất lớn đối với cộng đồng.
Mục tiêu chung của để án là nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên, và học viên trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011 – 2020.
Mai Anh