quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

25 năm nỗ lực bảo vệ rừng cò

Thứ Năm, 31/05/2018 | 08:45:00 AM

(VACNE) - Với niềm đam mê bảo tồn động vật hoang dã, coi loài cò như những người bạn từ thiên nhiên đến thăm, 25 năm qua, ông Nguyễn Văn Trường (thôn Biềng, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã cùng với gia đình nỗ lực bảo vệ rừng cò, bất chấp sự đe dọa của các đối tượng xấu. Nhờ có bến đỗ an toàn, đàn cò sinh sôi và phát triển tốt, góp phần phát triển bền vững đa dạng sinh học, đồng thời tạo cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên, cảnh đẹp miền quê trên nông thôn Việt Nam.


 

Đất lành cò đậu

  

Đến thôn Biềng vào một chiều hè oi bức, chúng tôi hỏi thăm về nhà anh Nguyễn Văn Trường. Nhắc đến tên Trường người dân đều ồ lên và bảo rằng họ quen gọi với cái tên thân mật là “Trường Cò”. Bởi, ông là chủ khu rừng tập chung rất nhiều cò ở nơi khác di cư về trú ngụ, sinh sản.

Rót chén trà nóng mời khách, ông Nguyễn Văn Trường tỏ ra vui mừng vì có khách từ xa đến thăm vườn cò. Ông kể, từ năm 1993 đến nay, khoảng từ tháng 3 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm, khu rừng dẻ tự nhiên với diện tích hơn 2 ha do gia đình ông quản lý, bảo vệ tập chung hàng chục nghìn cá thể cò ở nơi khác di cư về trú ngụ, sinh sản. Số lượng cò này có đủ loại như cò trắng, cò bợ, cò ốc, cò nâu… Buổi chiều, từng đàn cò bay trên không trung, lượn vòng trước khi đáp xuống nền xanh của những tán cây dẻ, tạo thành những đốm trắng giữa rừng xanh. Ngay dưới vườn cò là hồ Biềng diện tích khoảng 6 ha, là nơi cò xuống tắm, uống nước, kiếm thức ăn. Khung cảnh đó khiến ông Trường, cùng người dân thôn Biềng say đắm và yêu thêm những con cò hoang dã này.

Chậm rãi hớp ngụm trà nóng, ông Trường kể tiếp: “Mùa sinh sản của cò, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6 (âm lịch) hàng năm. Nếu gặp thời tiết mưa, kèm gió mạnh cò non bị rơi xuống đất, nếu không kịp thời lên tổ sẽ bị chết, do cò mẹ không thể cắp cò con lên tổ được. Khi ấy, tôi đưa cò con lên cành cây, rồi cò con tự bò lên tổ. Mặt khác, theo đặc tích, cò mẹ sẵn sàng nuôi những cò con cùng loài không do mình sinh ra. Vì vậy, khi gặp trời mưa, bão tôi phải đi khắp vườn, thậm chí là dầm mưa đi qua đi lại xem có tổ cò non nào bị rơi hay không để nhặt, ghép vào những đàn khác”.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cò, ông Trường bày tỏ: “Vào mùa cò về, có rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Tuy nhiên, tôi chỉ hướng dẫn, cũng như yêu cầu khách đứng ở xa xem và chụp ảnh, chứ không cho khách trực tiếp vào vườn cò. Bởi nếu vào, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sinh cảnh của loài, dẫn đến cò sẽ đi nơi khác trú ngụ”.

 

Nỗ lực bảo vệ cò

Để duy trì, bảo tồn bền vững được rừng cò, những năm qua ông Trường cùng gia đình đã phải tốn rất nhiều công sức, kinh phí mới có được như ngày hôm nay.

 Ông bảo: “Thời gian đầu, khi cò mới về rừng, việc bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đó, nhiều người dân địa phương có ý định dùng súng săn, súng tự chế vào rừng săn, bắn cò, tôi và gia đình phải cố gắng tuyên truyền, nhắc nhở nhiều lần. Dần dần, người dân đã hiểu và thấy được lợi ích của việc bảo vệ động vật hoang dã nên đã đồng thuận tích cực tham gia cùng với gia đình tôi để bảo vệ loài cò tại địa phương được tốt hơn. Đặc biệt, một buổi trưa hè năm 1997, phát hiện có người vào rừng cò săn bắn, tôi đã truy đuổi, dẫn đến ngày hôm sau rừng cò bị đối tượng xấu đốt. Cũng may mà tôi phát hiện sớm, đã kịp thời huy động gia đình, cùng người dân xung quanh lên rừng dập tắt ngay đám cháy nên không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng cũng như sinh cảnh sống của cò. Năm 2016, 2017, tôi được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Ngạn hỗ trợ 14 triệu đồng/năm. Trước đó, tôi được hỗ trợ 06 triệu đồng/năm để bảo vệ rừng cò. Thời gian tới, tôi rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân nguồn kinh phí khoảng 150 triệu đồng, để gia đình tôi xây dựng hàng rào bằng dây théo gai B40 xung quanh rừng cò, nhằm bảo vệ đàn cò tốt hơn, ngăn chặn kẻ xấu vào săn, bắn trái phép”.

Với những nỗ lực bảo vệ loài cò, bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học trong suốt hơn 25 năm qua, ông Nguyễn Văn Trường vinh dự được, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen và Giải thưởng Môi trường cao quý như: Năm 2004, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường và 05 năm thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác Bảo vệ môi trường; Năm 2005, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác Bảo vệ môi trường, được trao tặng Giải thưởng Môi trường tỉnh Bắc Giang năm 2005; Năm 2012, được Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chứng nhận đạt giải thưởng Môi trường huyện Lục Ngạn; Năm 2015, được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng công nhận giải thưởng Môi trường tỉnh Bắc Giang do đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp Bảo vệ môi trường năm 2014.


 

Dương Đại Tiến
Phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang.

Lượt xem: 1608

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE