quản lý tòa nhà

logo Tri ân Tiền bối VACNE Thi đua Chào mừng Đại hội VIII
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

15 loài nổi bật được phát hiện năm 2020

Thứ Hai, 08/02/2021 | 06:33:00 AM

15 loài nổi bật được phát hiện năm 2020

Trong thế giới đầy rẫy những khó khăn, việc phát hiện ra một loài mới đối với khoa học là một điều vô cùng thú vị, hé mở sự đa dạng, phong phú của thế giới tự nhiên vốn ẩn chứa bao điều. Dưới đây là 15 loài nổi bật được mô tả trong năm 2020 do Mongabay bình chọn.


Loài siphonophore cuộn tròn này được cho là loài động vật lớn nhất từng được
ghi nhận, có chiều dài 46 m và được Viện Hải dương học Schmidt
phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Australia (Ảnh từ Viện Hải dương học Schmidt).

Vượn cáo chuột Jonah thuộc nhóm linh trưởng nhỏ nhất thế giới


Cá thể vượn cáo chuột Jonah (Ảnh: Dominik Schüßler)

Vượn cáo chuột Jonah (Microcebus jonahi) thuộc nhóm linh trưởng sống về đêm nhút nhát, được tìm thấy trên đảo Madagascar và được coi là nhóm linh trưởng nhỏ nhất trên thế giới với kích thước chỉ bằng nắm tay người. Các nhà khoa học đã phân biệt loài này với các loài vượn cáo chuột khác dựa trên hình dáng bên ngoài, dữ liệu gen và ADN ty thể. Chúng có kích thước lớn hơn một chút so với loài vượn cáo chuột bình thường, thân màu nâu đỏ với một sọc trắng trên mũi, bộ lông dày và đôi tai nhỏ. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, loài này chỉ xuất hiện tại một khu rừng nhiệt đới nhỏ ở vùng đất thấp phía Đông Bắc Madagascar thuộc Vườn quốc gia Mananara Nord. Hiện chúng đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ nạn phá rừng vì rừng của Madagascar chỉ còn trơ trụi. Hiện có 108 loài vượn cáo và 25 loài vượn cáo chuột đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Thám hiểm rừng mây Bolivia phát hiện một trong những loài ếch nhỏ nhất trên thế giới


Ếch lilliputian (Noblella sp. Nov.) được tìm thấy ở Bolivia là một trong những loài nhỏ nhất
trên thế giới (Ảnh: Trond Larsen)

Với kích thước khoảng 10 mm tương đương kích thước một viên aspirin, loài ếch lilliputian nhỏ bé (Noblella sp. Nov.) được tìm thấy trong những đường hầm phủ rêu và mùn trong một khu rừng mây ở thung lũng Zongo, gần thành phố La Paz, Bolivia. Các nhà nghiên cứu cho biết loài ếch này cực kỳ khó tìm dù nó sở hữu tiếng kêu đặc biệt. Chuyến thám hiểm đã phát hiện ra 20 loài mới đối với khoa học, bao gồm một cá thể rắn núi (Bothrops windignifer), một số loài phong lan và bướm, và một số loài khác được cho là đã tuyệt chủng bao gồm cả ếch mắt quỷ (Oreobates zongoensis).

Loài voọc Papa ở Myanmar trước nguy cơ tuyệt chủng


Voọc Popa là loài voọc mới nhất trong chi Trachypithecus. Hình ảnh của Thaung Win.

Voọc Popa (Trachypithecus popa) là loài linh trưởng mới được xác định trong phòng thí nghiệm thông qua việc sử dụng mẫu mô từ các mẫu vật bảo tàng, các loài nuôi nhốt và mẫu phân từ động vật hoang dã được thu thập trong các khu rừng ở Myanmar. Chỉ có khoảng 200 đến 260 cá thể voọc Popa được biết là còn tồn tại, trải dài trên bốn quần thể riêng biệt. Theo các nhà nghiên cứu, quần thể an toàn nhất sống trong một diện tích rừng chỉ khoảng 26 km2, không đủ không gian để quần thể này duy trì số lượng loài ngày càng tăng. Dù chưa có đánh giá chính thức nào về tình trạng voọc Popa nhưng cũng đủ để xếp chúng vào nhóm “cực kỳ nguy cấp” theo tiêu chí của Sách đỏ IUCN.

Loài rắn mới được đặt tên theo một nhân vật trong Harry Potter

Loài được tìm thấy trên dãy Himalaya và được đặt tên là Trimeresurus salazar hoặc rắn viper Salazar theo tên vị pháp sư lừng danh Salazar Slytherin trong bộ truyện đình đám Harry Potter của tác giả J.K. Rowling. Đây là loài rắn sống về đêm, có sọc đỏ cam độc đáo trên đầu và thân của cá thể đực. Loài được phát hiện trong một chuyến thám hiểm loài bò sát ở bang Arunachal Pradesh thuộc phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi có nhiều khám phá mới về thực vật và động vật trong những thập kỷ gần đây.


Rắn Trimeresurus salazar (Ảnh do Zeeshan A. Mirza cung cấp)

Loài tắc kè rừng ở Philippines


Bức ảnh đầu tiên chụp một cá thể tắc kè rừng sống ở vùng Bicol chưa rõ giới tính,
được phát hiện trên núi Pocdol, dãy Bacon-Manito, tỉnh Albay, Philippines
(Ảnh chụp màn hình từ Brown et. al. vào năm 2020)

Trong chuyến thực địa ở phía Đông Nam của hòn đảo chính Luzon, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy loài tắc kè rừng sống ở vùng Bicol (Pseudogekko hungkag). Trong tiếng Philippines, Hungkag có nghĩa là “rỗng”, thể hiện khuynh hướng ẩn náu của chúng ở những khu vực rỗng như trong các khúc gỗ. Chúng sở hữu đôi mắt màu vàng phản chiếu dưới ánh sáng của đèn pin và dọc đuôi có các dấu hình chữ “Y” ngược. Chúng là loài thứ 10 thuộc chi Pseudogekko và tất cả loài trong chi này đều chỉ được tìm thấy ở Philippines. Rất khó để tìm thấy loài tắc kè này do chúng sở hữu khả năng ngụy trang và di chuyển nhanh chóng. Ngoài ra, có rất ít thông tin về phạm vi môi trường sống và điều kiện phát triển của chúng.

Loài ếch khổng lồ ở Madagascar chưa từng được khoa học mô tả


Mantidactylus radaka, một loài mới được phát hiện từ Madagascar (Ảnh: Mark D. Scherz)

Madagasca, nơi những con ếch khổng lồ được nuôi trong ao hoặc dễ dàng bắt gặp ở nông thôn để chế biến thành thức ăn, tuy nhiên, loài ếch này lại chưa được các nhà khoa học biết tới. Chúng được đặt tên là Mantidactylus radaka, phân biệt với các loài ếch Mantidactylus cùng chi khác, chiều dài cơ thể hơn 10 cm. Radaka là tên thường dùng để đặt cho loài ếch lớn. Hiện có 362 loài ếch được phát hiện ở Madagascar.

15 loài ong bắp cày ký sinh vào nhện ở Brazil


Loài ong bắp cày ký sinh nhiệt đới Acrotaphus điều khiển hành vi của nhện
– vật chủ mà chúng ký sinh – một cách phức tạp. Các loài thuộc chi này
có kích thước lớn và nhiều màu sắc. Hình ảnh của Kari Kaunisto.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 15 loài ong bắp cày mới trong rừng mây Andean và rừng nhiệt đới Amazon của Brazil. Tất cả các loài ong bắp cày đều thuộc chi Acrotaphus và chúng đều ký sinh trên loài nhện theo cách riêng. Những cá thể ong bắp cày cái thuộc chi Acrotaphus sử dụng nọc độc để làm tê liệt tạm thời một con nhện trong mạng của nó. Sau đó, ong bắp cày đẻ trứng lên nhện. Khi đang lưu trữ trứng ong bắp cày, nhện không còn dệt mạng như thông thường mà xây một mạng lưới để bảo vệ nhộng ong bắp cày đang phát triển. Một khi trứng ong bắp cày nở, ấu trùng ong sẽ ăn vật chủ nhện rồi sống trong mạng được xây dựng theo cách đặc biệt khi nó thành nhộng.

Nhiều loài hoa lan được ghi nhận ở New Guinea


Bulbophyllum dologlossum là loài lan mới được phát hiện ở đảo New Guinea.
Hình ảnh của T.M. Reeve.

Dendrobium aurifex – loài lan mới được tìm thấy ở đảo New Guinea và được trồng
tại Vườn Thực vật Hoàng gia Kew. Hình ảnh của Bala Kompalli.

Một chuyên gia về phong lan từ Vườn Thực vật Hoàng gia Kew đã tìm thấy 19 loài phong lan sống trên cây tại hòn đảo giàu đa dạng sinh học New Guinea. Ba trong số các loài mới thuộc chi Dendrobium, được biết đến với những bông hoa rực rỡ. 16 loài khác thuộc chi Bulbophyllum thường được ruồi thụ phấn, vì vậy mà hoa của chúng thường có nhiều lông như động vật có vú. So với các hòn đảo khác, New Guinea là nơi có nhiều loài thực vật nhất. Các nhà nghiên cứu tin rằng vẫn còn nhiều loài ở đây chưa được đặt tên.

Cá thể kỳ giông sáng bóng từ Mỹ cuối cùng cũng được đặt tên


Kỳ giông Carolina Sandhills (Eurycea arenicola) được tìm thấy ở bang Bắc Carolina, Mỹ. Hình ảnh của Todd Pusser.

Hơn 50 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên được thu thập, một loài kỳ giông mới đã được các nhà nghiên cứu phát hiện bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới. Kỳ giông Carolina Sandhill (Eurycea arenicola) được tìm thấy ở các dòng suối nhỏ trong khu vực đồi cát ở bang Bắc Carolina, Mỹ, nơi nắm giữ một phần trong số 5% hệ sinh thái thông lá dài cuối cùng còn lại ở Mỹ. Đây cũng là nơi có nhiều kỳ nhông nhất Hoa Kỳ với 64 loài được xác định.

Loài cây bụi có vảy trở thành họ thực vật hoàn toàn mới


Tiganophyton karasense là loại cây bụi mới với những chiếc lá có vảy độc đáo.
Hình ảnh của Wessel Swanepoel.


Tiganophyton karasense, loài cây bụi thường xanh độc đáo được tìm thấy ở sa mạc phía nam Namibia. Qua quá trình phân tích gen, loài cây bụi lùn này đủ khác biệt để được coi là một họ riêng với tên gọi Tiganophytaceae trong thứ tự họ Cải, giống như bông cải xanh và bắp cải. Nó có lá vảy và phát triển mạnh trong khu vực lòng chảo muối ở vùng bán sa mạc, tồn tại ở nhiệt độ cao (tới 36°C). Có ít hơn 1.000 cá thể loài Tiganophytaceae còn tồn tại đến nay.

Bọ cạp khổng lồ ở Sri Lanka


Bọ cạp cái khổng lồ Yala (Heterometrus yaleensis) là một trong những loài bọ cạp lớn
sống trong rừng và chỉ có thể tìm thấy ở Sri Lanka. Hình ảnh
do Sanjeewa Jayarathne cung cấp.

Trong một cuộc khảo sát vào ban đêm tại Vườn quốc gia Yala, khu vực hoang dã nổi tiếng nhất Sri Lanka, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một loài bọ cạp mới có tên gọi Heterometrus yaleensis hay còn gọi là bọ cạp khổng lồ Yala. Cá thể cái của loài này có thể phát triển chiều dài lên đến 103 mm trong khi con số này ở cá thể đực là 75 mm. Những cá thể bọ cạp lớn sống trong rừng chỉ có thể tìm thấy trên đảo Sri Lanka ở Ấn Độ Dương, nơi mối quan tâm về bọ cạp lên đến đỉnh điểm sau một loạt cái chết gây ra bởi loài bọ cạp đỏ Ấn Độ (Hottentotta tamulus). Bọ cạp trở thành mục tiêu của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp do nhu cầu sử dụng chúng làm thú cưng.

Rắn ngũ sắc tại Việt Nam


Lớp vảy óng ánh của loài rắn Achalinus zugorum. Hình ảnh nhận được sự cho phép
của Hiệp hội các nhà nghiên cứu về ngư học và bò sát Hoa Kỳ.

Loài rắn óng ánh được phát hiện tại Hà Giang và được đặt tên là Achalinus zugorum. Những chiếc vảy có hoa văn kỳ lạ, óng ánh và thiếu các cơ quan cảm thụ ánh sáng trong mắt giúp loài rắn này thích nghi với lối sống trong hang. Các nhà nghiên cứu tin rằng loài này đã tiến hóa sớm hơn hầu hết các loài rắn khác và có thể mở ra nhiều thông tin về quá trình tiến hóa của rắn. Tuy nhiên, do chủ yếu sinh sống dưới lòng đất nên chúng rất khó tìm.

Phát hiện cua nhện cây màu tím ở Ấn Độ


Một loài cua nhện cây mới từ Ấn Độ. Hình ảnh của Riyas A.

Leptarma biju là loài cua nhện cây mới được tìm thấy trên cột của một cây cầu gần rừng ngập mặn ở cửa sông Chithari, bang Kerala, Ấn Độ. Đây là loài cua nhện cây đầu tiên được tìm thấy tại Ấn độ, chúng có bề ngoài màu tím và có kích thước rất nhỏ, khoảng 14 x 13 mm hoặc 0,6 x 0,5 inch. Cua được coi là “kỹ sư hệ sinh thái” của các hệ sinh thái rừng ngập mặn vì việc đào hang của chúng giúp thông khí cho đất, đồng thời chúng cũng tái sử dụng các chất dinh dưỡng cho bữa ăn. Các nhà nghiên cứu dự định sẽ khám phá thêm sự đa dạng tiềm ẩn của khu vực này.

6 loài nấm độc được phát hiện tại Anh và Scotland


Nấm độc Cortinarius heatherae được phát hiện ở ranh giới sân bay Heathrow, Anh.

6 loài nấm độc webcap mới đã được đặt tên, trong đó, ba loài được tìm thấy ở Scotland và số còn lại được phát hiện tại Anh. Cả 6 loài đều thuộc chi Cortinarius, có thể hỗ trợ sự phát triển của các loại cây như cây sồi và cây thông. Trong số các loài nấm trên, Cortinarius heatherae được tìm thấy bên một con sông ở ranh giới sân bay Heathrow, London.

Nhện nhung được đặt tên theo nhân vật trong phim


Màu đỏ và trắng gợi nhắc các nhà nghiên cứu về nụ cười đặc trưng của Joker.
Hình ảnh từ Niloofar Sheikh / Zamani et al. 2020.


Được tìm thấy ở Iran, loài nhện nhung này có hoa văn trắng đỏ nổi bật khiến các nhà nghiên cứu liên tưởng đến nụ cười đặc trưng của nhân vật Joker trong bộ phim cùng tên do nam diễn viên Joaquin Phoenix thủ vai năm 2019. Loài nhện tí hon Loureedia phoenixi chỉ dài 8 mm và là loài thuộc chi nhện Loureedia đầu tiên được tìm thấy bên ngoài Địa Trung Hải. Nhện Loureedia được đặt theo tên của huyền thoại nhạc rock quá cố Lou Reed, thường thể hiện những hành vi độc đáo như xây tổ chung và hợp tác chăm sóc con non của chúng.

Nguồn: BVR&MT

Lượt xem: 1030

Các tin khác

Khai thác các giá trị của thiên nhiên theo hướng bền vững

(25/03/2024 06:18:AM)

Thái Bình chọn rừng

(24/03/2024 06:08:AM)

Chiến dịch Giờ Trái đất 2024 - "Giảm dấu chân Carbon - Hướng tới Net Zero"

(17/03/2024 07:00:AM)

Ngày Nước thế giới 2024 - Nước cho hòa bình

(16/03/2024 07:17:AM)

Ngày Khí tượng thế giới 2024 - Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu

(16/03/2024 07:14:AM)

TP. Hồ Chí Minh: Hướng tới phát triển xanh, bền vững

(15/03/2024 06:14:AM)

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam

(14/03/2024 04:16:AM)

Lâm Đồng: Chuyến tàu ''tăng trưởng xanh'' chuyển bánh

(11/03/2024 05:11:AM)

Giữ lại 12.500 ha Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (Thái Bình)

(08/03/2024 06:00:AM)

VIDEO

Truyền hình TN-MT Số 03: Bảo tồn Cây Di sản, Anh hùng ĐDSH, ...

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE