Tại buổi lễ, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang đón nhận Bằng cây Di sản Việt Nam đối với quần thể 725 cây pơmu quý hiếm và 2 cây đa sộp ngàn tuổi, do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận; Công bố quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Điệu múa tâng tung - da dá, nghệ thuật nói lý, hát lý của đồng bào dân tộc Cơ Tu là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia; chứng nhận bảo trợ Làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang là Di sản văn hoá của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.
Dịp này, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức chương trình đi thăm rừng cây pơmu và khai trương Làng trung tâm pơmu phục vụ khách du lịch nằm sâu trong rừng pơmu tại xã A Xan.
Khu rừng này hiện có hơn 1.200 cây pơmu, nằm trên đỉnh núi Zi’liêng, ở độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển. Với việc công nhận quần thể pơmu là Cây Di sản Việt Nam, khu vực này sẽ được hưởng các ưu đãi theo quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
|
Làng trung tâm pơmu |
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Viện Hàn lâm trong năm vừa rồi đã quyết định xây dựng đề tài nghiên cứu để thành lập cơ sở dữ liệu rừng pơmu này để làm cơ sở thành lập vườn Quốc gia Khu bảo tồn thiên nhiên pơmu đầu tiên của Việt Nam tại đây. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá rất cao giá trị của rừng pơmu này. Chúng tôi đã và đang nghiên cứu về mặt tổ thực vật và nghiên cứu về biến đổi khí hậu khu vực này. Đồng thời, cùng với cộng đồng địa phương cố gắng đưa pơ mu này thành vườn Quốc gia pơmu đầu tiên của Việt Nam)./.