(Tuổi trẻ, Bình Phước): An Giang: 3 cây bằng lăng hơn 300 tuổi thành Cây di sản Việt Nam
TTO - 3 cây bằng lăng ở sau miếu Bằng Lăng, ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân, An Giang vừa được công nhận “Cây di sản Việt Nam”.
Huyện Phú Tân đón nhận bằng công nhận "Cây di sản Việt Nam" với 3 cây Bằng Lăng cổ thụ trên 300 năm tuổi - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Trương Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân - cho biết 3 cây bằng lăng cổ thụ này đã sống qua 9 đời họ Phan ở thị trấn Chợ Vàm.
Vị trí 3 cây nằm rất thẳng hàng và khoảng cách đều nhau. Trong đó, một cây trên 215 tuổi, hai cây trên 305 tuổi, chiều cao trung bình hơn 8m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 4m.
3 cây bằng lăng cổ thụ gắn liền với lịch sử khai phá và phát triển vùng đất Phú Lâm - Chợ Vàm nói riêng và huyện Phú Tân nói chung. Đặc biệt, khu vực 3 cây bằng lăng sinh trưởng từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Cụm 3 cây cổ thụ rất quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người dân địa phương.
“Sau khi đón nhận bằng cây di sản Việt Nam, chúng tôi đã giao Ban quản lý miếu Bằng Lăng trực tiếp bảo quản và chăm sóc 3 cây cổ thụ để pcây hát triển xanh tốt, hạn chế tình trạng thanh thiếu niên tụ tập làm ảnh hưởng vẻ mỹ quan” - ông Nhàn nói.
Người dân vui mừng vì 3 cây cổ thụ Bằng Lăng từ nay sẽ được bảo vệ tôn nghiêm hơn khi được công nhận là cây di sản - Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhiều gốc cây Bằng Lăng đã rỗng, có thể chứa cả 1 người chui vào - Ảnh: BỬU ĐẤU
Bằng lăng nước có tên khoa học Lagerstroemia speciosa.
Cụm cây cổ thụ tại thị trấn Chợ Vàm được xác định là loại rất hiếm ở Nam bộ. Mỗi cây, khi trổ hoa, màu khác nhau. Cây thứ nhất hoa màu tím nhạt, cây thứ hai thì hoa màu tím đậm, còn cây thứ ba hoa màu hồng.
Tháng 3 âm lịch hàng năm là thời điểm hoa nở rộ nhất.
Hiện An Giang đã có 8 cây cổ thụ được công nhận là "Cây di sản Việt Nam", Phú Tân là huyện thứ 3. Hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn có 6 cây di sản khác là dầu, sao...