Cao hơn 10 mét, có bán kính 3,7 mét, cây lộc vừng này có 9 nhánh lớn theo thế “Cửu long khởi vũ” ( 9 rồng cùng múa) , nằm trước cổng Tam quan của thờ Trần Nguyên Hãn và từ lâu được vẫn được coi là danh thắng đặc biệt của địa phương. Theo người dân nơi đây, cây cổ thụ này được trồng ngay ở thời điểm ngôi đền khởi xây năm 1454, tức là gần 600 năm tuổi.
Cây lộc vừng đại thụ tại đền Trần Nguyên Hãn
“Những thông tin truyền khẩu về độ tuổi của cây có thể chưa chính xác tuyệt đối. Nhưng chỉ với một số thao tác kiểm nghiệm đơn giản, có thể khẳng định chắc chắn độ tuổi của cây phải tới vài trăm năm” – ông Phùng Quang Chính (Ủy viên Hội đồng Cây di sản thuộc VACNE) cho biết. Theo nguyên tắc của VACNE, cây cổ thụ trên 100 tuổi đã có thể được xem xét công nhận danh hiệu này. Trong trường hợp cần xác định độ tuổi chính xác để phục vụ nghiên cứu khoa học, thao tác khoa học lấy mẫu lõi gỗ xét nghiệm sẽ được tiến hành thêm.
GS Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch VACNE, trao bằng chứng nhận "cây di sản" cho đại diện địa phương
Cũng theo lời ông Chính, cây di sản này là trường hợp có kích thước lớn nhất trong số hơn 100 cây lộc vừng từng được VACNE vinh danh. Vì là danh thắng của địa phương, cây lộc vừng tại đền Trần Nguyên Hãn đã được nhân dân và chính quyền gìn giữ, bảo tồn và vẫn tương đối xanh tốt trong hàng chục năm qua. Thậm chí, trong lễ vinh danh sáng 4/7, một số chuyên gia sinh học của VACNE còn tư vấn địa phương nên san bớt phần đất từng được đắp thêm vào gốc cây, cũng như đập bỏ phần vành đai xi măng bảo vệ xung quanh (và thay bằng gạch hở) để việc trao đổi quang học của bộ rễ được tốt hơn.
Kể từ năm 2010 đến nay, VACNE đã trao danh hiệu “cây di sản” cho gần 2500 trường hợp trên toàn quốc. Đây là hình thức tôn vinh theo tinh thần tự nguyện, phi lợi nhuận và hướng tới mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng tới những cây cổ thụ có giá trị tại VN.