Cây bồ đề trên có tên khoa học là Ficus religiosa thuộc họ Ficus. Cây khoảng 200 năm tuổi, có 3 thân, chu vi 12 m, cao 21 m, đường kính 3,8 m ôm trùm lên toàn bộ cổng tam quan của đền trước đây. Cùng với quần thể 20 cây xoài ngự tại chùa Đá Trắng ở xã An Dân (huyện Tuy An), đây là cây di sản thứ 2 của tỉnh Phú Yên.
Một góc cây bồ đề được công nhận là cây di sản Việt Nam. Ảnh: nhandan.com.vn
|
Tượng danh nhân Lương Văn Chánh được đúc bằng đồng, cao 1,4 m, ngồi trên ghế dựa, tay cầm chiếu vua ban. Công trình có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng do bà Võ Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thuận Thảo (thành phố Tuy Hòa) và Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê - nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tài trợ.
Danh nhân Lương Văn Chánh sinh vào khoảng thập niên 40 của thế kỷ 16 tại Thanh Hóa. Cuối thế kỷ 16, ông theo lệnh chúa Nguyễn Hoàng chiêu tập lưu dân vào khai khẩn vùng đất từ phía Nam đèo Cù Mông đến phía Bắc đèo Cả (tức Phú Yên ngày nay). Những năm đầu thế kỷ 17, vùng đất này đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc, là cơ sở để chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611.
Với những công lao đóng góp, sau khi mất (ngày 19/9/1611, tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên), Lương Văn Chánh được nhân dân tỉnh Phú Yên lập đền thờ, suy tôn là Thành Hoàng. Nhiều đời chúa Nguyễn và các triều vua Nguyễn sắc phong ông là “Thượng đẳng thần bảo quốc hộ dân” (vị phúc thần tối cao bảo vệ đất nước và nhân dân).
Đền thờ và mộ danh nhân Lương Văn Chánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996, trở thành điểm tham quan du lịch và giáo dục truyền thống cho các thế hệ người dân tỉnh Phú Yên.
Trịnh Bang Nhiệm (TTXVN)