4 loài cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam gồm quần thể 3 cây Ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình- Bãi Làng; cây Đa núi cao tại phía Tây đường Quốc phòng, trên sườn Đông đảo Hòn Lao; cây Kén và cây Nánh tại miếu Tổ nghề Yến – Thôn Bãi Hương.
Đón bằng công nhận cây Di sản Việt Nam
Lễ đón bằng công nhận Cây Di sản nhằm vinh danh, tuyên truyền, quảng bá những giá trị của cây xanh, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn và phát huy Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
GS-TS Đặng Huy Huỳnh- PCT Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và các đồng chí lãnh đạo thành phố Hội An làm lễ gắn bia Cây Di sản cho cây Kén ở miếu Tổ Nghề Yến - Bãi Hương
Các bô lão chứng kiến lễ gắn bia cây Di sản cho cây Kén và cây Nánh tại miếu Tổ nghề Yến - Ảnh: Minh Hải
Hai cây Nánh và cây Kén nằm ở bên phải và trái khu vực sân giữa tam quan và bình phong miếu Tổ nghề Yến, có tuổi gần 200 năm.Cây Kén nằm ở bên phải sân miếu, có tên gọi khác là Kên, Nuốt cò ke, tên khoa học là Casearia grewiaefolia Vent.var. deglabrata Koord &Val, thuộc họ Mùng quân.
Cây Nánh nằm ở bên trái sân miếu, có tên gọi khác là Mát đen, Thàn mát rủ, Thàn mát nước, tên khoa học là Millettia nigrescens Gagnep, thuộc họ Đậu Cánh bướm. Hai cây cổ thụ làm cho miếu Tổ nghề yến thêm cổ kính, uy nghiêm đồng thời tỏa bóng mát cho sân miếu.
Đến mùa, cây Nánh trổ dày những chùm hoa tim tím, trông rất quyến rũ - ảnh: Hồng Việt
Cây Đa núi cao nằm trên sườn Đông đảo Hòn Lao đã hơn 600 năm tuổi, có tên khoa học Ficus altissima BL, thuộc họ dâu tằm. Cây đa có một thân chính và 6 thân phụ to lớn phân bố ở 3 phía Đông, Tây, Bắc của cây, trở thành hệ thống chống đỡ đẹp mắt, tạo điều kiện cho tán cây tỏa rộng.
Cây Đa núi cao
3 cây ngô đồng được gắn biển di sản có tuổi đời từ 155 đến 250 năm. Từ lâu người dân đảo Cù lao Chàm đã lấy vỏ cây non, phơi khô, tước nhỏ, xe sợi, buộc tổ yến hay đan võng rất bền và đẹp. Hạt cây Ngô đồng đỏ có giá trị dinh dưỡng rất cao với nhiều vitamin và khoáng chất.
Ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình- Bãi Làng
Lễ đón bằng công nhận được gắn kết với không gian và thời gian diễn ra Lễ Giỗ Tổ nghề Yến – mồng 10 tháng 3 âm lịch, một lễ hội dân gian có từ lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng biển đảo Hội An, lễ tế nhằm cầu cho quốc thái dân an, nghề yến được phát triển. Bởi vậy, chương trình có thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Miếu tổ nghề yến là công trình kiến trúc độc đáo tọa lạc tại Bãi Hương, Cù Lao Chàm, ngôi miếu được xây dựng quy mô vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) bởi ông Hồ Văn Hòa và một số chức dịch làng Thanh Châu.
Cây di sản trong miếu Tổ Nghề Yến - Ảnh: Hồng Việt
Nghi thức tế lễ tại miếu Tổ nghề Yến - Minh Hải