Cùng với việc khơi dậy, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhân dân xã Phú Nam đã gìn giữ được một quần thể cây Chò Chỉ hàng trăm năm tuổi; quần thể Chò Chỉ này không chỉ có giá trị về kinh tế, văn hóa, lịch sử, tâm linh, môi trường sinh thái mà còn có giá trị đặc biệt về nguồn gen quí hiếm cần được bảo tồn.
Quần thể cây Chò Chỉ tại xã Phú Nam, huyện Bắc Mê đã có từ hàng trăm năm
Để có cơ sở chắc chắn cho việc lập hồ sơ đề nghị vinh danh là cây Di sản Việt Nam, huyện Bắc Mê đã chủ động mời đoàn chuyên gia gồm 4 thành viên do Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Ban chấp hành TW Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) dẫn đầu, trực tiếp đến khảo sát và đánh giá. Kết quả khảo sát cho thấy: Quần thể Chò Chỉ (gồm có 21 cây) tọa lạc ở độ cao 495m so với mực nước biển với diện tích khoảng 4.000 m2, cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Phú Nam gần 500 mét. Trong đó có 9 cây có đường kính gốc từ 1 - 2,11m; chiều cao trung bình trên 40m; chiều cao thân cây từ 30 đến 35m; tuổi của cây to nhất khoảng từ 500 - 600 năm. Hiện nay, hồ sơ đề nghị công nhận cây Di sản Việt Nam đã được trình lên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để xem xét, quyết định.
Có 9 cây Chò Chỉ có đường kính gốc lên đến 2,11m
Xã Phú Nam nằm ở phía Đông, cách trung tâm huyện Bắc Mê trên 22 km với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; tổng diện tích đất tự nhiên là 4.418 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp. Phú Nam có 7 thôn với 545 hộ gia đình = 2.600 nhân khẩu; xã có 5 dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Việc quần thể cây Chò Chỉ được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam sẽ đưa Phú Nam trở thành một trong những điểm đến thân thiện, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước yêu mến vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên và thích trải nghiệm, khám phá.