Ông Văn Bá Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu là doanh nghiệp du lịch, ban quản lý các khu du lịch, vườn quốc gia thuộc các địa phương trên cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam có vị trí du lịch quan trọng, nằm ở trung tâm của tuyến du lịch miền Trung Việt Nam với nhiều loại hình du lịch mang đặc trưng riêng của vùng đất Quảng Nam dựa trên sự phong phú của hệ thống các di sản văn hóa của địa phương.
Tuy nhiên trước nhiều tác động có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch, trong đó có thể tác động đến môi trường tự nhiên, môi trường di sản, do đó tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm “bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” và xây dựng Bộ Tiêu chí Du lịch xanh, đồng thời, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển du lịch là tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch bền vững;…
“Từ những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch theo hướng bền vững, xây dựng các sản phẩm dựa trên sự khai thác những giá trị mang tính độc đáo của văn hóa, chủ động phát triển các sản phẩm theo hướng tự nhiên, ưu tiên các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường… Nhiều địa phương, điểm du lịch của Quảng Nam nhận được nhiều giải thưởng quan trọng, ví dụ như Làng rau Trà Quế được tổ chức UN Tourism vinh danh là Làng du lịch tốt nhất Thế giới năm 2024 - Giải thưởng sẽ được UN Tourism trao với tháng 11 tới tại Colombia…”, ông Văn Bá Sơn nói.
Theo đại diện Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch. Biển, đảo, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Đa dạng sinh học nằm ở trung tâm của các sản phẩm du lịch dựa trên thiên nhiên - chẳng hạn như ngắm động vật hoang dã, lặn biển hoặc du lịch trong các khu bảo tồn.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, Học Viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế - xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng là cách tiếp cận hài hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên.
Tại hội thảo, các đại biểu trình bày các tham luận như: Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên ở vườn quốc gia Bạch Mã; Quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Du lịch cùng đa dạng sinh học - cơ hội gắn liền trách nhiệm;…
Du khách tham quan làng rau Trà Quế, TP Hội An.
Trên cơ sở đó các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi sinh kế và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất các giải pháp huy động sự tham gia cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Tấn Thành - Chí Đại