Người ta bảo, viết văn, viết báo, giảng dạy, chụp ảnh, điều tra bảo vệ môi trường, bảo phụ nữ và trẻ em, chống nạn buôn người…, lĩnh vực nào Đỗ Doãn Hoàng cũng có nhiều thành tựu và được mời làm chuyên gia tư vấn, giảng dạy. Thế nên, nhiều khi danh hiệu “Nhà báo” vốn được biết đến nhiều nhất ở anh đã lấn át các “ưu tú” khác.
Nhưng, có lẽ, riêng về lĩnh vực nhiếp ảnh chụp các loài chim hoang dã ở Việt Nam và thế giới, mấy năm gần đây, Đỗ Doãn Hoàng “bỗng dưng nổi lên” khá tiêu biểu. Dường như, thành tựu này của anh không hề bị danh hiệu nhà báo của anh lấn át.
Có lẽ, bởi, trước đó, Đỗ Doãn Hoàng đã dành quá nhiều tâm huyết cho vấn đề thiên nhiên, môi trường. Các tác phẩm đoạt giải cao nhất của anh từ xưa đến nay, hầu hết viết về bảo vệ rừng và hoang thú. Anh là đồng sáng lập, hoặc là người thiết kế ý tưởng, điều hành các diễn đàn, mạng lưới như Nhà báo Môi trường, Nhà báo Bảo vệ Động vật Hoang dã, Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam. Anh và cộng sự đã có nhiều hoạt động vì cộng đồng đặc biệt có ý nghĩa.
Trân trọng giới thiệu chùm ảnh chim hoang dã, được nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thực hiện tại nhiều miền đất của Việt Nam cũng như thế giới.
Đà Lạt là xứ ở ngàn hoa, thế nên cũng là “cõi mộng” với những người chụp chim chúng tôi. Một chú chim Đớp ruồi xanh xám ngơ ngác trong mùa tìm bạn tình ghép đôi bên thác Datanla mơ màng.
Tại Birds Paradise - Thiên đường chim (Singapore), tháng 9 năm 2024, từng đàn chim thuộc họ Ploceidea vàng óng ả ríu rít đan tổ ấm.
Bên một hồ nước tự nhiên xanh ngắt, trên một ngọn núi thấp ở Quốc đảo nhỏ bé Singapore, một chú sả mỏ rộng lộng lẫy bay ngang, làm tất cả chúng tôi sững sờ. Thiên nhiên hoang dã tô màu cho chú ta thật sặc sỡ.
Ở đảo Bông Lan xa xôi giữa đại dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), trong hoàng hôn, đôi bạn gầm ghì trắng tự tình giữa không trung, khiến người ta nghĩ chúng đến từ một cõi giống như thiên đường.
Loài Pitta cánh xanh di cư nửa vòng trái đất đến vùng rừng huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi dựng lều mật phục đến mỏi mắt, bạn ấy cuối cùng cũng hiện ra như một bức tranh không thể rực rỡ hơn của trời đất. Chúng tôi hơn một lần đã bảo nhau: chú chim ấy, lắm màu mè thế để làm gì nhỉ?
Loài Pitta đầu đỏ được nhiếp ảnh gia nhiều nước trên thế giới đổ về Việt Nam săn tìm để chiêm ngưỡng. Ảnh chụp ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, may thay, chú ta vẫn còn trong một cánh rừng mà chúng tôi buốt lòng gặp rất nhiều thợ săn lì lợm, tinh quái. Bỗng dưng ao ước, giá mà công tác bảo tồn hoang dã ở chúng ta tử tế hơn thì tiền thu về từ thu hút khách du lịch, ngắm và chụp ảnh chim sẽ nhiều gấp nhiều lần bán “đặc sản chim trời”.
Loài cú lửa này xuất hiện ở tỉnh Bắc Giang, khiến cácnhiếp ảnh gia hoang dã khắp cả nước xôn xao tìm về. Bởi chúng là loài chin to lớn, mắt vàng, lông vàng “rực lửa”, mang một vẻ đẹp oai phong lữ thứ. Chúng đi dọc vỏ trái đất, từ Siberia, từ Tây Tạng để ghé thăm Việt Nam ta, rồi lại tiếp tục hành trình thăm thẳm và bí ẩn của mình về Nam bán cầu…
Nếu nói về sự “điên rồ” lãng đãng của những gã vác các cỗ máy đắt đỏ đi chụp chim trên thế giới, thì tôi xin kể chuyện nhỏ của mình. Phải trải qua 10 chuyến bay cả đi lẫn về, nước nọ sang nước kia, đảo nọ sang đảo kia, chúng tôi mới chụp được một số loài chim thiên đường kỳ diệu phân bố “đặc hữu” ở vùng Papua (của Cộng hoà Indonesia và Nhà nước Độc lập Papua New Guinea). Thành viên nào chi tiết kiệm nhất thì cũng phải mất 80 triệu đồng chi phí dọc đường trời, đường đi bộ cả tuần trong rừng mưa rộng lớn thứ 3 thế giới ấy…
Đây là loài chim điên điển hoặc còn gọi là chim cổ rắn phân bố khá phổ biến ở Việt Nam. Chúng tên là “cổ rắn” bởi có phom cổ dài cuồn cuộn gân guốc như con rắn hổ mang, chúng rất “xảo quyệt”: lúc dưới nước lúc trên cạn, bắt cá và nhiều loài thuỷ sản thiện nghệ với cặp mỏ dài nhọt và sắc như dao kiếm.
Chim đầu rừu ở ven Hồ Đồng Mô, Hà Nội, với sải cánh bay gợi cảm như một hoạ phẩm nâu trầm trên giấy dó; và tiếng kêu thảng hoặc có thể khiến bất cứ ai cũng phải nao lòng nhớ quê xa.
Một loài chim đớp ruồi xanh, tôi đã gặp “nàng” ở trên đỉnh núi cao nhất của miền Bắc, nước láng giềng Thái Lan. Bạn ấy xanh như vừa tinh nghịch vào tắm trong một lọ mực “xanh tuổi học trò”. Ở Thái, công tác bảo tồn tốt, nhiều khi các bạn chim nhỏ xíu nhảy chậm chạp, tròn mắt nhìn khách lạ mà không ra chiều sợ sệt. Điều này ngược với hầu hết các vùng quê ở nước ta, khi mà bẫy, lưới giăng như thiên la địa võng…
Để chụp được bạn khướu đuôi đỏ ngày, chúng tôi phải đi nhiều ngày, vào vùng núi Ngọc Linh vòi vọi, nóc nhà của tỉnh Kon Tum, đi theo một cán bộ kiểm lâm, lội bộ trong rừng 2 ngày. Và trong cơn mưa núi miệt mài, giữa bạt ngàn rêu xanh và… vắt xanh, bạn ấy nhảy ra khiến trái tim ai trong chúng tôi cũng nhảy nhót cảm kích trong lồng ngực.
Đây là một loài chim gắn bó cuộc đời mình với các loài hoa đẹp. Bởi chúng chuyên đời đi hút mật hoa, tên gọi “hút mật họng hồng”, bởi màu lông đặc trưng nhận diện trên phom cổ của chúng. Nhiều người kỳ công lên rừng xuống biển tìm chúng chưa thấy, nhưng nhóm chúng tôi truyền tai nhau và đến ngay cửa một ngôi cổ tự ở vùng Thanh Trì Hà Nội, ven sông Hồng, mùa về, chúng vừa yêu nhau vừa cười liễu cợt hoa, chả để ý đến các tay máy dưới gốc cây. Chim trời cá nước là vậy đó.
Chúng tôi đã phải đi máy bay, thuê xe ô tô, rồi lội bộ tìm loài chim mỏ rộng đỏ đen này ở rừng sâu thuộc một Khu Bảo tồn Thiên nhiên thuộc tỉnh Đồng Nai. Mắt xanh, ngực đỏ, cánh đỏ đen, mỏ sừng to bành, chúng đôi lúc cắn chân và cắn cánh nhau thành một dây dài 5-6 “nam thanh nữ tú” ríu ran trên tán rừng. Đẹp một cách ám ảnh.
Đây là loài chim mai hoa, chúng bé như hạt mít, đỏ rực, bay vụt lên như cục than đỏ, tiếng kêu lít chít như có như không, tưới tắm thêm nét mục đồng cho bãi sông mỗi độ cuối thu đầu đông ở miền Bắc nước ta. Nhiều tài liệu nói, chim vốn xuất hiện ở Úc, di cư dần sang các quốc gia như Việt Nam, rồi ngẫu hứng định cư. Đáng tiếc là: vì màu lông quá đẹp, lại lấm chấm mai hoa, mắt diễm lệ vẽ viền, nên người ta hay đi bẫy bắt chúng về về bán cho những người chơi chim cảnh với giá… đắt đỏ. Và đó đang là thảm hoạ với các “hoàng tử công nương kiều diễm” này.
Chim Turaco đến từ châu Phi, với màu lông xanh lẫn vào lá rừng, “mào” chúng dửng lên cao, cũng xanh mơ một cách đáng ngạc nhiên. Đặc biệt ấn tượng là cặp mắt với tròng con ngươi đen nâu long lanh lãng mạn, quanh mắt “nàng” điểm xuyết nhiều “hạt ngọc vàng” cầu kỳ, diêm dúa. Điệu đàng như nàng công chúa thơ ngây mới bắt đầu đỏm dáng… để gieo tú cầu kén chọn tình quân.
Chú chim xanh thuộc họ Mỏ rộng (Green Broadbill) gây ngạc nhiên cho bất cứ ai chiêm ngưỡng. Nó lẫn vào tán rừng. Được tìm thấy ở cả châu Phi, bán đảo Mã Lai và vùng lẫn vùng Borneo huyền thoại giáp 3 quốc gia Malaysia, Indonesia và Brunei - cũng là đảo lớn nhất châu Á, lớn thứ 3 trên thế giới.
Một chú chim điên bụng trắng, loài quý hiếm, có thể quan sát được ở Đảo Trứng (năm 2024, nhóm chúng tôi trực tiếp làm hồ sơ và đảo vừa được Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là “Sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam”), thuộc huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tôi chụp bức ảnh này, sau khi công bố, hầu hết người xem đều bảo “nàng” chim điên giống một nữ tu, một phụ nữ đội khăn với gương mặt u sầu lơ đễnh. Đi máy bay vào TP HCM, bay tiếp một chặng ngắn ra Côn Đảo, thêm 45 phút đi ca nô siêu tốc đặc chủng của kiểm lâm VQG Côn Đảo. Rồi mất nửa ngày leo núi trên đảo đa cao vút trời, trơn truội với hàng vạn cá thể chim cùng lúc bay trên bầu trời và ấp nở trên mặt đảo. Trứng chim trải kín khắp nơi (nên chết danh gọi là Đảo Trứng)… Cả đảo, có hơn chục cá thể chim điên bụng trắng như thế này. Đến nay, số người được cấp phép lên hòn đảo được giữ gìn đặc biệt này để chụp chim, vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đỗ Doãn Hoàng