(VACNE) Đó là cây muỗm nằm trong khuôn viên Nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa thuộc thôn Phú Vinh xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, được dòng họ Phan Tôn Chu long trọng tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam chiều ngày 28/8/2024.
Tham dự buổi lễ có ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Cổ Đạm cùng đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cổ Đạm cùng hàng trăm đại biểu là con cháu dòng họ Phan Tôn Chu tham dự. Đài Truyền hình Hà Tĩnh, Báo Hà Tĩnh, Đài Phát thanh và truyền hình huyện Nghi Xuân cũng đã tham dự và đưa tin về buổi lễ.
PGS.TS.NGƯT Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam thay mặt Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã đến tham dự và trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho đại diện địa phương.
Trong bài giới thiệu về lịch sử cây Muỗm và Nhà thờ Phan Tôn Chu, Ông Phan Hữu Mậu, Trưởng ban tổ chức cho biết: Nhà thờ hiện ở khu đất rộng trên 3.000 m2 có 3 tòa nhà được xây dựng kiên cố dưới bóng cây sum suê tươi tốt. Theo các tài liệu và câu đối trong thượng điện, nhà thờ được xây dựng vào năm Quý Dậu triều Lê, (1573), sau đó, các tiền nhân đã trồng cây nhiều cây có giá trị, trong đó có cây Muỗm và nhiều cây cổ thụ khác.
Cây Muỗm tính đến nay ít nhất cũng vào khoảng 360 năm tuổi. Chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất 1,3m là 3,70m. Tính ra đường kính: 1,178 m. Chiều cao cây là 30m. Chu vi bạnh vè, chu vi tán 70,9m.
Cây Muỗm đã trở thành nhân chứng qua thăng trầm của thời gian, cùng các thế hệ con cháu, hậu duệ Phan Tôn Chu trưởng thành dựng xây nghiệp lớn để dòng họ trường tồn và phát triển như hôm nay.
Nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa Công chúa đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa năm 2005. Hiện trong nhà thờ còn lưu giữ 2 đạo sắc phong và hiện vật, đồ thờ, hoành phi quý hiếm.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã cổ đạm cho biết: việc công nhận cây Muỗm là Cây di sản Việt Nam, giúp lan tỏa rộng khắp về ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn; góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần cho quần thể các công trình thờ tự linh thiêng, làm cho nơi đây trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh. Ông cũng mong rằng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam quan tâm hơn nữa đến địa phương cổ đạm tư vấn, chăm sóc và bảo tồn các cây cổ thụ và đặc biệt là cây di sản trên địa bàn.
Trước khi khai mạc buổi lễ, các đại biểu được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính con em dòng họ thể hiện, đặc biệt là những tiết mục ca trù, đặc sản văn hóa của vùng đất Nghi Xuân.
PV. VACNE