quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
MÔI TRƯỜNG VÀ DU LỊCH

Băng rừng nguyên sinh đẹp 'ma mị', ngắm dải ngân hà trên đỉnh núi mới ở Tà Xùa

Thứ Bảy, 13/01/2024 | 04:17:00 PM

Mới được cắm chóp vào cuối năm 2022 nhưng đỉnh Sa Mu đã trở thành tọa độ trekking được nhiều tín đồ ưa xê dịch tìm tới chinh phục, khám phá bởi khung cảnh đẹp, có rừng nguyên sinh ma mị như bối cảnh phim và dễ săn mây.

 Cách Hà Nội khoảng 240 km và cách thành phố Sơn La chừng hơn 100 km, đỉnh Sa Mu (thuộc địa phận xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) nằm ở độ cao 2.756m so với mực nước biển là tọa độ trekking thu hút nhiều tín đồ ưa xê dịch tới chinh phục suốt hơn một năm nay.
418438804 10228192712295967 9007254824798687096 n.jpg
 
Sa Mu (hay còn gọi là đỉnh U Bò) là đỉnh núi hoang sơ ở Tà Xùa mới được cắm chóp vào tháng 12/2022. Nơi đây hút khách khám phá nhờ phong cảnh đẹp và dễ săn mây (Ảnh: Pham Thi Thuy Trang)

Theo cổng thông tin điện tử huyện Bắc Yên, đỉnh Sa Mu nằm trên ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Yên Bái, thuộc rừng đặc dụng Tà Xùa - một phần kéo dài của dãy Hoàng Liên về phía Nam.

Đây cũng là địa điểm săn mây nổi tiếng ở Tà Xùa, đẹp không kém sống lưng khủng long, mỏm đá lạc đà, đỉnh gió,… Ngoài ra, đỉnh Sa Mu còn gây ấn tượng với du khách bởi rừng nguyên sinh đa dạng, phủ đầy rêu xanh, đẹp như những thước phim cổ tích.

Từng nhiều lần dẫn tour, đưa khách trekking đỉnh Sa Mu, Lê Văn Trọng Anh (28 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, đỉnh Sa Mu có độ khó được đánh giá 5/10 với nhiều dốc dài nhưng không gắt. Lịch trình lý tưởng để hoàn thành cung leo này là 2 ngày 1 đêm.

Trong rừng có nhiều cây cổ thụ kích thước “khủng”, hình dáng kỳ lạ và phủ rêu quanh năm (Ảnh: Trọng Annh)

Có hai cung đường trekking chính để lên đến đỉnh Sa Mu, đó là từ hướng Xím Vàng và hướng Háng Đồng. Đa phần du khách chọn xuất phát từ hướng Xím Vàng với cung đường từ chân núi tới đỉnh khoảng 14 km, có lán nghỉ nằm cách đỉnh 1 km. 

Du khách nên bắt đầu leo từ sáng sớm, nghỉ lại lán qua đêm rồi tiếp tục hành trình vào sáng hôm sau. 

(Ảnh: Trọng Annh)

Lán nghỉ nằm ẩn mình giữa rừng già, được dựng lên làm chỗ trú chân cho du khách với sức chứa khoảng 40 người. Nghỉ tại lán, du khách được cung cấp những vật dụng cơ bản như gối, chăn, nước uống và phục vụ bữa ăn bản địa với nhiều món ngon.

Lán nghỉ rộng rãi, có đầy đủ điện nước và các vật dụng thiết yếu nên thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi qua đêm (Ảnh: Pham Thi Thuy Trang)

Trên đường chinh phục đỉnh Sa Mu, du khách sẽ băng qua nhiều con suối, thác đẹp và một khu rừng nguyên sinh phủ rêu đầy ma mị. Trong rừng, thảm thực vật thay đổi theo độ cao và hướng sườn núi.

Tới đây, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng biển mây bồng bềnh, đón hoàng hôn hay săn dải ngân hà (milky way) tuyệt đẹp về đêm. Từ 12 đến tháng 2 là thời điểm dễ săn được mây trên đỉnh núi này nhất. 

Nếu đến đây vào tháng 3,4, du khách được chiêm ngưỡng mùa hoa đỗ quyên. Còn từ khoảng tháng 9 đến tháng 11 là mùa phong thay lá, lá chuyển từ vàng sang đỏ, tạo phong cảnh lãng mạn như trời Âu.

Thời điểm thích hợp để chinh phục đỉnh Sa Mu là từ tháng 10 đến tháng 3. Lúc này trời ít mưa, rừng rêu cổ thụ xanh, đẹp (Ảnh: Trọng Annh)

Đây cũng được xem là tọa độ săn mây đẹp nhất nhì Tà Xùa (Ảnh: Lâm Hoàng Thiên Vũ)

Chị Phạm Thị Thùy Trang (du khách Hà Nội) có dịp trải nghiệm đỉnh Sa Mu dịp đầu năm mới cùng nhóm bạn. Cả nhóm xuất phát từ Xím Vàng và trở về theo hướng Háng Đồng.

Theo chị Trang, cung đường chinh phục đỉnh Sa Mu không khó, thích hợp với những người mới bắt đầu leo núi. Đặc biệt, nữ du khách này cảm thấy phong cảnh trên cung này rất đẹp, nhất là rừng nguyên sinh và rừng rêu.

“Mình từng chinh phục một vài đỉnh núi khác, khung cảnh đẹp nhưng thực sự đỉnh Sa Mu để lại nhiều ấn tượng hơn vì có nhiều rừng, đặc biệt là rừng cổ thụ và rừng rêu siêu đẹp”, chị Trang bày tỏ.

(Ảnh: Trọng Annh)

Anh Lâm Hoàng Thiên Vũ, một du khách đến từ TPHCM cũng vừa có chuyến leo đỉnh Sa Mu vào đầu năm mới 2024. Từng chinh phục nhiều đỉnh núi cao và khó ở Việt Nam như Bạch Mộc Lương Tử, Tà Xùa, Nhìu Cồ San, Pu Ta Leng,… anh Vũ nhận xét, cung đường tới đỉnh Sa Mu mang vẻ đẹp huyền bí đầy ma mị.

“Có thể nói đây là cung trekking đẹp và hoang sơ nhất Việt Nam hiện nay, không rác thải, không ồn ào với thảm thực vật đa dạng, rừng già nguyên sinh và những tán cây cổ thụ đầy rong rêu”, nam du khách nói.

Anh Vũ được trải nghiệm ngắm biển mây, hoàng hôn và săn dải ngân hà trong chuyến đi chinh phục đỉnh Sa Mu (Ảnh: Lâm Hoàng Thiên Vũ)

Trên cung đường mới từ đỉnh xuống chân núi, nam du khách đến từ TPHCM không khỏi ấn tượng với vẻ đẹp của thác Háng Xua (Ảnh: Lâm Hoàng Thiên Vũ)

Anh Vũ còn bày tỏ thích thú khi thành công săn mây trên đỉnh Sa Mu. Ngoài ra, anh cũng có cơ hội chiêm ngưỡng khoảnh khắc hoàng hôn lãng mạn ở độ cao hơn 2.700m và săn dải ngân hà (milkyway) tuyệt đẹp về đêm. 

Vì ở trên cao nên vào mùa đông, thời tiết trên đỉnh Sa Mu khá khắc nghiệt, nhiệt độ đêm có thể xuống -2 độ C. Bởi vậy, du khách tới đây dịp này cần chuẩn bị trang phục giữ nhiệt, giày leo núi chuyên dụng hoặc ủng nhựa và các đồ dùng cá nhân cần thiết như thuốc, đồ ăn, nước uống. 

Ngoài ra, du khách khi leo núi cần lưu ý không được xả rác ở rừng, không tự ý bẻ cành, ngắt hoa để giữ gìn cảnh quan tự nhiên, góp phần phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.

Phan Đậu

(vietnamnet.vn)

Lượt xem: 844

Các tin khác

Thừa Thiên Huế: Du khách đồng hành cùng thành phố xanh

(11/09/2024 06:55:AM)

Ninh Bình: Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch

(29/08/2024 05:56:AM)

Gia Lai thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng

(26/08/2024 06:52:AM)

Triển vọng phát triển Du lịch Net Zero tại Việt Nam - Bài 4: Một số khuyến nghị trong phát triển du lịch Net Zero tại Việt Nam

(22/08/2024 04:19:PM)

Sin Suối Hồ (Lai Châu): Bảo tồn văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng

(20/08/2024 03:44:PM)

Khu du lịch ven rừng ở Khánh Hòa thực hiện du lịch Net Zero

(20/08/2024 12:40:AM)

Triển vọng phát triển Du lịch Net Zero tại Việt Nam - Bài 3: Du lịch Việt Nam trong cuộc đua Net Zero

(17/08/2024 10:14:PM)

Du lịch phải bền vững

(17/08/2024 10:10:PM)

Hà Giang: “Du lịch xanh” - hướng đi để phát triển du lịch bền vững

(16/08/2024 07:01:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE