Diễn đàn về đại dương trong khuôn khổ hội nghị biến đổi Khí hậu toàn cầu tại Copenhagen (Đan Mạch) diễn ra ngày 14/12/2009 đưa ra những nội dung đối thoại dưới đây để các nhà thương thuyết của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) xem xét trong các cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu hậu Copenhagen.
Thứ nhất, phải thừa nhận rằng đại dương (chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất) đóng vai trò trung tâm trong mối tương tác đại dương – khí hậu về mặt phát sinh ôxy, hấp thụ đioxit cacbon (khoảng 30%), và điều chỉnh nhiệt độ và khí hậu. Khi các chức năng trên bị đe dọa thì tương lai của hành tinh của chúng ta cũng bị đe dọa.
Thứ hai, phải thực hiện nhu cầu tạo dựng một chương trình đại dương và vùng bờ tổng hợp trong UNFCCC vào 2013, nhấn mạnh vào các nội dung cơ bản sau:
Đưa ra các cảnh báo cụ thể để bảo đảm chức năng vốn có của đại dương trong việc ổn định đời sống trên trái đất bằng việc thông qua việc giảm tối đa các khí nhà kính trong một khoảng thời gian ngắn để tránh những hậu quả thảm khốc cho đại dương và các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới; Nhấn mạnh những đóng góp tích cực từ đại dương trong giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu, như sử dụng các hệ sinh thái ở vùng bờ biển (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô,…) để ‘nhấn chìm’ cacbon tự nhiên; sử dụng các thành tạo địa chất đáy biển sâu để thu giữ cacbon; thực hiện các giải pháp giảm ô nhiễm không khí từ hoạt động của tàu thuyền; phát triển các dạng năng lượng biển tái tạo (năng lượng gió, dòng chẩy, thủy triều,…)
Cung cấp tài chính đủ để hỗ trợ các thích ứng đối với các cộng đồng ven biển và trên các hải đảo – những người đang ở tuyến đầu chịu tác động của biến đổi khí hậu ở 173 quốc gia ven biển và quốc đảo. Dự toán hiện nay về chi phí thích ứng với biến đổi khí hậu ở các quốc gia ven biển và các quốc đảo là rất không thỏa đáng.
Các chiến lược thích ứng trong các cộng đồng ven biển và quốc đảo cần khuyến khích các phương thức thích ứng dựa vào hệ sinh thái (ecosystem-based adaptation) nhằm tăng cường khả năng phục hồi của những hệ sinh thái biển và ven biển chủ chốt, và được thực hiện thông qua các thể chế và quá trình quản lý đại dương và vùng bờ tổng hợp ở các quy mô địa phương, quốc gia và khu vực (thí dụ: Chương trình các hệ sinh thái biển lớn, chương trình các biển khu vực,…).
Thứ ba, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhấn mạnh vai trò trung tâm của đại dương trong giải quyết các vấn đề khí hậu và thiên tai khác mà các cộng đồng ven biển và trên hải đảo đã, đang và sẽ phải đối mặt.
Hòang tử Monaco Albert II lưu ý rằng “Đại dương là nguồn thực phẩm, năng lượng và nguyên liệu cho công nghiệp. Chúng cũng là những cỗ máy khổng lồ không thể thiếu để điều chỉnh nhiệt độ nhằm giảm biến đổi khí hậu qua việc hấp thụ CO2”.
Bà Monique Barbut, Chủ tịch Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) nhấn mạnh rằng “đường kết nối sức mạnh giữa đại dương và khí hậu cũng thường bị sao nhãng. Khi các bạn bảo vệ đại dương chính là bảo vệ hành tinh của chúng ta”.
Bà Angela Cropper - Phó tổng Thư ký và Phó Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trương Liên Hợp Quốc (UNEP) nói về axit hóa đại dương và tác động của nó “đặc biệt đối với các cộng đồng ven biển và các nền kinh tế đang phát triển nhờ cậy vào các sản phẩm thủy sản và biển đểv tồn tại và sinh kế”.
Bà cũng đề cập tới báo cáo mới đây của UNEP về các hệ sinh thái biển và ven biển như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, các bãi triều lầy mặn, và vai trò của chúng trong việc tách giữ cacbon.
Bộ trưởng Nghề cá&Biển Indonesia Fadel Muhammad nói “vùng Tam giác san hô là ngôi nhà quan trọng của đa dạng sinh học biển thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm mực nước biển dâng, sự ấm lên toàn cầu và axit hóa đại dương”.
Ông Hilary Benn - Bộ trưởng Môi trường Thực phẩm&Nông thôn Anh Quốc, đã cảnh báo về axit hóa đại dương và tác động tiềm năng của nó đến an ninh thực phẩm toàn cầu.
Bà Jane Lubchenco, Thứ trưởng Bộ Thương mại, kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Khí quyển&Đại dương Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng “Hôm nay, như chưa từng có trước đây, chúng ta hiểu thấu đáo hơn tính liên kết giữa sức khỏe đại dương và sức khỏe con người và tương tác nhiều chiều giữa đất, khôgn khí, nước ngọt, đại dương, băng, và hoạt động của con người”.
Jacqueline McGlade, Giám đốc Cơ quan Môi trường Châu Âu, nhấn mạnh đến nhu cầu đối với một chương trình của UNFCCC dựa vào thông tin khoa học biển bổ sung cho khoa học khí quyển và đất liền.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển&Hải đảo Việt Nam – người Việt Nam duy nhất tham gia và báo cáo tại diễn đàn này cho rằng “để thực thi các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với vùng duyên hải, biển và các đảo nhỏ ở các nước nghèo đang pháp triển cần có các hành động tập thể, hành động đơn lẻ một nước sẽ chả khác nào làm một việc lấy đũa chống trời, cho dù sự chủ động là cần thiết”.
Thứ tư, cộng đồng đại dương toàn cầu sẽ được kết nối trong một chương trình làm việc tổng thể liên quan tới khí hậu, đại dương và vùng bờ, bao gồm cả giảm thiểu, thích ứng, cấp tài chính, xây dựng năng lực và lôi cuốn cộng đồng để Các bên của UNFCCC xem xét trong các cuộc thương thảo sắp tới hậu Copenhagen.