Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đồng thuận vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024
(VACNE) Ngày 4/7, Thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã họp theo hình thức trực tiếp và trực tuyến ở 3 đầu cầu: Hà Nội – Huế - Tp. Hồ Chí Minh, nghe báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và thống nhất hành động những tháng còn lại của năm 2024 với quyết tâm cao.
TS. Nguyễn Ngọc Sinh đã mở đầu cuộc họp bằng Báo cáo tóm tắt “Về kết quả hoạt động của Hội trong 6 tháng qua” với 7 đề mục chính. Cụ thể là: mở rộng mạng lưới tổ chức; Tư vấn - Giám định - Phản biện xã hội; Truyền thông; Nghiên cứu khoa học; đối ngoại nhân dân; Bảo tồn Cây Di sản và Các nhiệm vụ khác.
Về công tác tổ chức: các Ban và Hội đồng của Hội đã kiện toàn, với số lượng thành viên đều không vượt quá 9 người. Bên cạnh đó, Hội đã ra Quyết định thành lập mới Viện Khoa học giáo dục môi trường và phát triển cộng đồng (trụ sở tại Đà Lạ) và kết nạp 2 đơn vị hội thành viên mới tại Hà Nội. Đó là Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ có sự tham gia của cộng đồng và Cty CP Xây dựng Đại Phú.
Hội BVTN&MT nhiều địa phương được củng cố và mở rộng. Điển hình như: Hội BVTN&MT tỉnh Ninh Bình tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029 và ông Đỗ Văn Dung được bầu giữ cương vị Chủ tịch Hội. Câu lạc bộ Đạp xe Truyền thông môi trường kết nối Cây Di sản được kiện toàn tổ chức, bầu lại Ban Lãnh đạo và phát triển thêm 10 hội viên mới.
Hoạt động thế mạnh của VACNE là Tư vấn - Giám định và Phản biện xã hội về tài nguyên và môi trường được duy trì tốt. Với nhiều chuyên gia của Hội thường xuyên trả lời các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông của Trung ương và các địa phương. Không chỉ các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, mà còn có nhiều hội viên còn tích cực đóng góp xây dựng các văn bản liên quan tới các báo cáo ĐTM, các đề tài, dự án tại địa phương; liên quan đến Luật Tài nguyên nước, Dự thảo nghị định thi hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi.
Công tác Truyền thông của VACNE được duy trì khá tốt trên Trang Website và Tạp Chí Môi trường điên tử. Đặc biệt, việc mở màn Chương trình “ Vì Môi trường xanh quốc gia” năm nay, với hoạt động “Phú Thọ - Khát vọng Xanh” với việc trồng 5 cây Kơ nia Di sản và biểu diễn thời trang từ vật liệu tái chế, trong khuôn khổ chương trình “Lễ hội Đền Hùng năm 2024” đã gây được ấn tượng tốt trong dự luận xã hội.
Cũng nhờ cải tiến nội dung, tập trung đăng tải nhiều nội dung về chuyển đổi xanh, về tín chỉ cacbon, nên thời gian gần đây trang Website của Hội đã thu hút rất đông người truy cập. Con số 45.697 lượt truy cập đối với phiên bản tiếng Việt (ngày 2 tháng 3) và 25.473 đối với phiên bản tiếng Anh (ngày 9 tháng 3) là biểu hiện rõ nét. Tạp chí điện tử TN&MT, tinmoitruong.vn và mới đây là Trang thông tin bằng hình “Vacne Go Green”, “VietnamXanhTV” trên nền tảng Youtube cũng thu hút đáng kể người xem. Được dư luận đánh giá tốt và có triển vọng. Cuộc thi Viết về Cây Di sản Việt Nam lần thứ 2 do Hội phát động mới gần 3 tháng, đã có hơn 140 bài từ mọi miền đất nước gửi về dự thi.
Các hoạt động phối hợp NCKH của Hội với GAHP và một số nhiệm vụ liên quan ở một số địa phương như Bình Thuận, Lạng Sơn… vẫn được duy trì và triển khai đúng kế hoạch. Cuốn sách kinh điển về “Tài nguyên thiên nhiên – Nền tảng Chuyển đổi Xanh ở Việt Nam” cơ bản hoàn thành, với 13 chuyên đề sau Tọa đàm/Hội thảo lần thứ 3 và đã đăng ký với NXB “Chính trị quốc gia - Sự thật” để in phát hành vào cuối năm nay.
Công tác đối ngoại nhân dân tiếp tục được duy trì, nhất là việc hỗ trợ các đơn vị Hàn Quốc, Anh và Phần Lan liên kết với các đơn vị chức năng chia sẻ kinh nghiệm tẩy độc Dioxin trong đất tại Việt Nam. Ngoài ra, Hội đã phối hợp với Hội ĐTM Hàn Quốc, chuẩn bị tổ chức “Hội thảo Đánh giá tác động và việc giảm CO2” tại Hàn Quốc vào tháng 10/2024.
Hoạt động Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam ngày càng mở rộng và sôi nổi, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng địa phương. Đến hết tháng 5/2024, đã có trên 8.000 cây, thuộc 145 loài thực vật của 57 tỉnh, thành phố được công nhận là Cây Di sẩn Việt Nam. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, có thêm hàng trăm cá thể, thuộc 9 loài cây mới ở 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Lai Châu lọt vào danh sách Cây Di sản Việt Nam. Một doanh nghiệp và trường Đại học ở Cần Thơ còn hỗ trợ Hội BVTN&MT Việt Nam và Hội địa phương tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Cây Di sản Việt Nam lần thứ 8” ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hàng loạt nhiệm vụ khác cũng được báo cáo tại cuộc họp này như: thi đua khen thưởng; hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm các sự kiện môi trường của các bộ, ngành. địa phương; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của các cơ quan cấp…cũng được báo cáo. Tại cuộc họp này, Ban Thường vụ còn được nghe thông báo về việc đăng ký nhiệm vụ NCKH và TV PBXH năm 2025; công tác chuẩn bị đăng ký xin Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHKT vào những năm tới; đề nghị PGS.TS Phùng Chí Sỹ tham gia Ban Chủ nhiệm “Chương trình KH&CN phục vụ mục tiêu phát thải ròng về “0” tại Việt Nam” theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình xin Huân chương Lao động hạng Nhất và những công việc đột xuất khác.
Tại cuộc họp này, các đại biểu đã thông qua Báo cáo, đánh giá cao nỗ lực của toàn Hội trong việc hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra cho 6 tháng đầu năm 2024; đồng thời nhất trí với các định hướng công tác trong 6 tháng cuối năm 2024 như Báo cáo đề xuất.
Về tổ chức: mọi người đều nhất trí bầu bổ sung PGS.TS Nguyễn Văn Công, Ủy viên BCH VACNE, Chủ tịch Hội BVTN&MT Cần Thơ vào Ban Thường vụ; ông Đỗ Văn Dung, Chủ tịch Hội BVTN&MT Ninh Bình vào Ban Chấp hành VACNE.
Hầu hết không đồng thuận với đề xuất lựa chọn một số Cây Di sản đặc trưng để nâng cao mức độ chăm sóc sức khỏe, nhưng tha thiết yêu cầu biên soạn cuốn “Cẩm nang chăm sóc chữa bệnh cho cây cổ thụ”; ủng hộ việc triển khai kênh truyền thông mới trên nền tảng YouTube; hưởng ứng Hội thảo ĐTM Việt – Hàn lần thứ 8.
Tất cả 15 ý kiến phát biểu tại cuộc họp này, đều tán thành với Báo cáo và đánh giá rất cao những cố gắng của toàn Hội hoàn thành về cơ bản kế hoạch đã đặt ra. Nhiều Hội địa phương, đặc biệt là Hải Phòng, Phú Thọ, Hội đồng Cây Di sản Việt Nam và Văn phòng Hội tích cực tham gia sự kiện Bảo tồn Cây Di sản Việt Nam đạt nhiều kết quả và có tác động tốt. Yêu cầu các Hội đồng, Ban, các tổ chức trực thuộc và các Hội thành viên cần chú trọng thông tin kịp thời cho Văn phòng Hội về kết quả hoạt động của mình, kể cả bằng hình ảnh, để chia sẻ toàn Hội. Một số Hội đồng, Ban cần chủ động hơn và sáng tạo hơn trong việc tổ chức các hoạt động của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024./.
PV. VACNE