Không loại trừ bất kỳ một ai, kể từ lúc vừa lọt lòng là ta liền bắt đầu xả rác vào môi trường, hành vi này kéo dài mãi cho đến khi ta chẳng còn tồn tại trên mặt đất mới thôi.
Sơ khởi là những tờ giấy vệ sinh, cái bỉm thấm nước tiểu cha mẹ phải sử dụng giúp cho ta. Tiến dần đến vỏ viên kẹo, bao gói mì ăn liền, vỏ hộp thuốc lá... Về sau sẽ là bình hoa bể, bóng đèn hỏng, nệm giường cũ nát, bàn ghế rệu rã…
Thuở dân trí còn sơ khai, đất đai mênh mông bát ngát, mật độ dân cư thưa thớt thì chẳng mấy ai để ý tới việc thu dọn và tiêu huỷ rác. Bởi với rác thực vật thì có thể ném chúng vào bụi chuối, đem vào ruộng rẫy làm phân bón. Rác động vật thì đào cái hố ngay sau vườn để chôn lấp. Rác dễ cháy thì gom đốt, thế là xong!
 |
Rác đang trở thành vấn nạn.
|
Rồi dân số ngày mỗi tăng, tốc độ đô thị hoá nông thôn trong cả nước diễn ra nhanh chóng, mật độ dân cư dày đặc, nhà nhà san sát vách nhau, bê tông và nhựa đường phủ kín khắp nơi. Song song đó, lời kêu gọi nếp sống văn minh cũng lan rộng tới các vùng nông thôn thông qua các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí và các loa phát thanh thông tin công cộng của chính quyền cấp phường, xã. Tới lúc này người ta mới giật mình nhận ra việc xả rác, thu dọn rác là việc hết sức quan trọng cần phải quan tâm, chẳng còn là vấn đề riêng của dân thành thị. Vì nếu không có giải pháp phù hợp để giải quyết rác thải, thì nguy cơ bệnh tật, nạn ô nhiễm môi trường sẽ lập tức phát sinh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khoẻ cá nhân, gia đình và cộng đồng.
Theo đà tiến bộ của cuộc sống, những công ty chuyên thu gom và xử lý rác được thành lập khắp mọi nơi trên cả nước. Hằng ngày, công nhân đẩy xe thô sơ vào các ngách nhỏ, đu theo xe cơ giới chuyên dụng rong ruổi khắp các nẻo đường phố thị để thu gom rác của các cơ quan, trường học, trung tâm thương mại, các khu chợ và những hộ dân đã ký hợp đồng lấy rác. Nhờ sự nổ lực ấy, hình ảnh nhớp nhúa vơi đi, môi trường giảm ô nhiễm. Chúng ta phải công tâm ghi nhận đóng góp thật sự có giá trị này. Nhờ nỗ lực hy sinh thầm lặng, những giọt mồ hôi đẫm lưng áo của họ đường phố mới xanh sạch, trở nên đáng yêu hơn, không khí dễ hít thở hơn.
Tiếc thay! Một thực tế phản cảm khi đem so với mặt bằng dân trí chung, thì vẫn còn đó những công dân, ban quản lý các khu chợ, thậm chí cả lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự để mắt tới tác hại, sự nhếch nhác, nguy cơ truyền nhiễm phát sinh từ những đống rác, thùng rác trên địa bàn. Chính vì lẽ đó mà tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng rác vô chủ quăng vương vãi khắp nơi, thậm chí có đặt thùng chứa rác mà rác vẫn xả tràn lan xuống đất, các thùng rác kéo ra đường dồn đống rất tuỳ tiện.
Không gia đình nào hằng ngày sinh hoạt mà không xả rác, chỉ khác nhau ở chỗ ít hay nhiều mà thôi. Với những hộ sợ tốn một ít tiền hàng tháng cho dịch vụ thu gom, thì họ sẽ triền miên thực hiện hành vi “phi tang rác” trong tâm trạng bất an, hồi hộp, lén lút, mắt láo liên dòm trước ngó sau rồi mới ra tay quăng thật nhanh như cắt. Quan niệm lùa rác sang nhà thiên hạ, hoặc đẩy ra đường để nhà mình được sạch chỉ có ở người chưa thực sự tiến hoá, hoặc không được giáo dục từ thơ ấu. Bởi người văn minh không bao giờ có ý tưởng trên, lại càng dứt khoát không làm điều xấu xa này.
Ngoài ra, trong cấu tạo não ở người xả rác vô tội vạ, “miền ý thức” dường như bị tê liệt nên không biết tự thẹn với bản thân, xấu hổ với với những người xung quanh. Chưa hết, hành động đợi lúc tinh mơ vắng người, đêm tối khó nhận dạng vội vội vàng vàng chở rác đổ bậy, chính là tự biến mình thành phường bất chính. Vì, người chính trực chẳng bao giờ có hành vi mờ ám đại loại như thế.
Ngược với thói ích kỷ ấy, họ sẵn sàng bỏ ra vài trăm ngàn cho đến tiền triệu để mua đôi giày, áo quần hàng hiệu. Những kẻ lợi dụng bóng đêm đầu độc môi trường, bôi nhọ bộ mặt đường phố, thì dù có ăn mặc đẹp cỡ nào, trang sức có sặc sỡ bao nhiêu thì vẫn cứ là hạng người dân trí cấp thấp, chưa thực sự trưởng thành về mặt “nhận thức”. Đáng thương hại vô cùng cho họ, bất hạnh cho xã hội khi có những công dân như thế.
Về mặt nhân văn, chỉ cần nhìn hành vi thải ra cùng cách tiêu huỷ rác của một người, sẽ phần nào đánh giá được trình độ nhận thức và bản chất tốt hay xấu của người ấy. Nếu biết phân loại, gói kín đáo, bỏ rác đúng chỗ quy định thì đấy là người có ý thức cao. Ngược lại, ném rác ra đường, khạc nhổ đàm nhớt giữa dòng xe qua lại, đổ xuống kênh mương sông ngòi… đích thị là kẻ ích kỷ và thiểu năng tư duy.
Một xã hội muốn được công nhận là văn minh, thì tiên quyết mọi công dân phải được gia đình gieo mầm ý thức giữ vệ sinh chung, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống xung quanh kể từ khi biết… xả rác. Khi lối sống tốt đẹp đã thành nề nếp và theo ngày tháng lớn lên, thì ta sẽ nhận ra cách bỏ rác của họ rất có nhân bản. Dẫu chẳng ai dò xét, để mắt tới. Nhưng khi nhai xong một thanh kẹo cao su, người ấy sẽ lấy giấy gói lại rồi bỏ vào thùng chứa rác, hoặc cất vào túi mang về nhà nếu đang ở nơi không có thùng rác chứ không trây trét lung tung.
Không có luật nào, biện pháp nào đủ cứng rắn để buộc con người ý thức trong việc xả rác ngoài sự giám sát của lương tâm họ. Chỉ có sự ý thức nơi bản thân mỗi con người thì mới chấm dứt được hành vi phóng uế, xả rác, xả nước thải độc hại vào môi trường mà thôi.
Nguyễn Ngọc Sáng
(VnExpress)