Đàn voọc chà vá chân xám được bảo vệ nghiêm ngặt
Cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã, huyện Núi Thành triển khai trồng phục hồi rừng ngập mặn, rừng tự nhiên tại các xã Tam Giang, Tam Hòa, Tam Hải, Tam Nghĩa, Tam Mỹ Đông; bảo tồn các rạn san hô tại xã Tam Tiến, Tam Hải; phục hồi một số loài cỏ biển tại xã Tam Giang; trồng di thực sâm Ngọc Linh tại Núi Chúa (Tam Trà), phục hồi rừng bản địa tại xã Tam Hiệp…
Đặc biệt, Núi Thành phối hợp với đơn vị liên quan bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây. Ở đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Nước Việt Xanh (Green Việt), Nhóm tiên phong bảo tồn loài voọc chà vá tại Tam Mỹ Tây được thành lập.
Quần thể voọc chà vá chân xám sống tại 4 khu vực rừng nguyên sinh với diện tích chỉ khoảng 30ha và bị chia cắt với các khu vực khác bởi xung quanh là rừng keo trồng của người dân được bảo vệ nghiêm ngặt.
Tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học và động vật hoang dã
Ông Nguyễn Hùng - thành viên Nhóm tiên phong bảo tồn loài voọc chà vá tại Tam Mỹ Tây chia sẻ, nhóm gồm 10 thành viên hoạt động tích cực, duy trì tuần tra thường xuyên 4 lần/tháng, sử dụng phần mềm SMART, đồng thời tuần tra đột xuất khi phát hiện hành vi, đối tượng khả nghi hoặc khi có tin báo từ người dân.
Nhóm vận động hơn 20 hộ dân trồng keo trong khu vực ký cam kết bảo vệ rừng và bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám... Kết quả, đàn voọc chà vá chân xám được bảo vệ, số lượng tăng từ 20 cá thể (năm 2017) lên 69 cá thể (năm 2022); diện tích rừng sinh sống của đàn voọc vẫn ổn định 30ha.
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã trên địa bàn Núi Thành còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Tài nguyên đa dạng sinh học và động vật hoang dã đang suy giảm nhanh; các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái về chất lượng và thu hẹp về diện tích.
Số loài và số lượng cá thể của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm bị suy giảm; nhiều nguồn gen bản địa bị suy thoái; tình hình buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sinh tồn động vật hoang dã.
Nhóm tiên phong bảo vệ đàn voọc Tam Mỹ Tây
Để khắc phục tình trạng trên, năm 2024, Huyện ủy Núi Thành đã ban hành nghị quyết về bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã trên địa bàn huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu cụ thể đặt ra là duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện từ 46 - 48%; phục hồi ít nhất 10% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái...
Theo Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn, địa phương đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã.
Cùng với việc nâng cao quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân, huyện tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã.
Núi Thành đặc biệt chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá, khai thác trái phép rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên rừng ngập mặn…
Trúc Văn