quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
DIỄN ĐÀN MÔI TRƯỜNG

Phân loại rác tại nguồn (Bài 1): Tình hình thực hiện tại các địa phương

Thứ Năm, 04/07/2024 | 08:55:00 AM

Nhiều địa phương đã tiến hành thí điểm thực hiện phân loại rác tại nguồn và đạt được kết quả nhất định.

 Theo quy định, từ ngày 1/1/2025, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Như vậy, chỉ còn 6 tháng nữa, tất cả các địa phương phải bắt buộc thực hiện việc phân loại rác tại nguồn. Theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay đã có 16 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

Hà Nội

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, bắt đầu từ tháng 6/2024, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) sẽ phối hợp triển khai thí điểm tại 23 phường thuộc 5 quận trên địa bàn thành phố do Urenco phụ trách (gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm). Cụ thể: Quận Hai Bà Trưng thí điểm tại phường Phạm Đình Hổ; Quận Ba Đình thí điểm tại phường Nguyễn Trung Trực; Quận Nam Từ Liêm thí điểm tại phường Phú Đô và phường Cầu Diễn; Quận Đống Đa thí điểm tại phường Nam Đồng; Quận Hoàn Kiếm thí điểm trên địa bàn toàn quận (18 phường do đã có nền tảng từ trước).

Theo đó, chất thải rắn, rác sinh hoạt được phân thành 4 nhóm đó là: Chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng (chai nhựa, vỏ nhựa,..); chất thải cồng kềnh (tủ, giường, bàn, ghế,...); chất thải nguy hại (pin, điện tử, điện thoại hỏng,...) và chất thải còn lại (rác thải thực phẩm, sinh hoạt...). Rác thải sau khi được phân loại xong sẽ được để vào các túi riêng biệt (rác tái chế để trong túi nilong màu trắng để dễ nhận biết...) và được chuyển đến 20 điểm thu gom trên địa bàn phường theo thời gian quy định.

Phân loại rác tại nguồn (Bài 1): Tình hình thực hiện tại các địa phương - Ảnh 1
Hà Nội thí điểm phân loại rác tại nguồn tại một số phường, quận. (Nguồn: Internet).

UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, và đồng loạt ra quân tại 18/18 phường trong tối ngày đầu tiên của tháng 7/2024 căn cứ theo Phương án số 981/PA-UBND ngày 30/5/2024 của UBND quận Hoàn Kiếm về thí điểm mô hình “Quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2024”.

Phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) còn kiểm rà soát các vị trí (kể cả các vị trí tại các di tích, các điểm du lịch trên địa bàn) có thể sử dụng làm các điểm cẩu rác, điểm tập kết rác thải cồng kềnh, rác thải nguy hại trên địa bàn phường đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, mỹ quan chung đúng theo quy chuẩn quy định. Ngoài ra, phường còn nhắc nhở các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn và nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định. Tổ chức xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

TP.HCM

TP.HCM đã khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn từ năm 2011 tại hệ thống các siêu thị, các công ty trong Khu Công nghệ cao (Quận 9) và Khu Chế xuất Tân Thuận (Quận 7). Đến năm 2013, thành phố đã mở rộng thí điểm tại một số cụm dân cư trên địa bàn Quận 1. Tiếp đến, triển khai thực hiện thí điểm tại một số hộ dân trên địa bàn các Quận: 1, 3, 5; phường 12, Quận 6; Quận 12 và Bình Thạnh trong giai đoạn năm 2015 - 2016.

Theo kết quả công bố của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM trong năm 2022, trên 85% người dân trên địa bàn thành phố đã hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Ngoài ra, thành phố cũng đang dần hình thành và phát triển thị trường thu gom và tái chế chất thải rắn sinh hoạt giúp giảm áp lực cho TP.HCM trong việc tổ chức thu gom, vận chuyển các nhóm chất thải rắn sinh hoạt phát sinh sau phân loại.

Đà Nẵng

Từ giữa năm 2019, Đà Nẵng đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND trong giai đoạn 2019 - 2025. Theo thống kê, từ năm 2020-2022, Đà Nẵng đã đầu tư đồng bộ công tác triển khai phân loại từ truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, tổ chức đầu tư trang thiết bị đến hạ tầng thu gom, xử lý.

Đến tháng 12/2022, Đà Nẵng có hai dự án Trạm trung chuyển rác đã hoàn thành thi công xây dựng, đang triển khai công tác nghiệm thu và hoàn tất thủ tục vận hành thử nghiệm, gồm Trạm trung chuyển rác thải đường Lê Thanh Nghị và Trạm trung chuyển rác thải khu vực Sơn Trà. Đồng thời, dự án Trạm trung chuyển rác thải khu vực Cẩm Lệ đã phê duyệt chủ trương dầu tư, đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng.

Phân loại rác tại nguồn (Bài 1): Tình hình thực hiện tại các địa phương - Ảnh 2
Đà Nẵng là một trong những thành phố đi đầu trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. (Nguồn: CTTDTTP Đà Nẵng).

Theo kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai phân loại chất thải rắn (rác) sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong năm 2023, mục tiêu phấn đấu đạt trên 90% tổ dân phố triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 90% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả tại địa bàn khu dân cư; trên 70% cơ sở trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đảm bảo theo phương thức chung của thành phố; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, du lịch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố; 100% trường học, cơ sở y tế triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức chung của thành phố; trên 80% chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được tuyên truyền, hướng dẫn và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Lạng Sơn

Thực hiện thông báo số 68/TB-STNMT ngày 13/4/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, ngày 15/4/2024, các điểm gồm 45 trường học, 09 siêu thị, 02 trung tâm thương mại, 05 điểm chợ và 77 nhà hàng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và Phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đồng loạt ra quân, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Phân loại rác tại nguồn (Bài 1): Tình hình thực hiện tại các địa phương - Ảnh 3
Bà con phường Vĩnh Trại, TP. Lạng Sơn kiểm tra việc phân loại rác tại nguồn. (Nguồn: CTTDT tỉnh Lạng Sơn)

Phường Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn) là phường đầu tiên trong thành phố được lựa chọn thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, người dân đã tích cực hưởng ứng hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Bên cạnh việc người dân được cán bộ môi trường tập huấn và hướng dẫn, các khối trưởng, tổ trưởng, các hội phụ nữ cùng với sự chỉ đạo của Phường cũng tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến đến các hộ gia đình nhằm đạt hiệu quả phân loại chất thải rắn sinh hoạt cao.

(Còn nữa...)

Hà My

(Kinh tế môi trường)

Lượt xem: 877

Các tin khác

Người tiêu dùng Net Zero

(30/09/2024 06:12:AM)

Bức tranh quản lý rác thải phức tạp tại Việt Nam

(23/09/2024 09:38:AM)

Phân loại rác đúng cách để bảo vệ môi trường

(16/09/2024 07:22:AM)

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 - Nhiệm vụ nào cần được thực hiện?

(15/09/2024 06:57:AM)

Việt Nam hướng đến mục tiêu Netzero 2050 - Góc nhìn từ Thủ đô Hà Nội (Bài 1)

(12/09/2024 06:18:AM)

Phát triển giao thông xanh là nền tảng để góp phần xây dựng nền kinh tế xanh

(03/09/2024 05:26:AM)

Kiến trúc xanh - một xu hướng thiết kế tất yếu

(02/09/2024 07:41:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(27/08/2024 06:51:AM)

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon rừng ven biển Việt Nam

(25/08/2024 08:24:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE