quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024

Miền Tây Nam Bộ 3. Thiền trên núi Bình Sơn – Hà Tiên

Thứ Ba, 17/07/2012 | 12:08:00 PM

“Danh khả danh phi thường danh” – Cái danh mà gọi ra được thì không còn là danh nữa- Lão Tử- Đó là một nguyên lý Thiền mà khu lăng mộ dòng họ Mạc trên núi Bình Sơn Hà Tiên nói với du khách hành hương.

 
Nguyễn Đình Hòe - VACNE

 Chùa Phù Dung dưới chân núi Bình Sơn, Hà Tiên
1.Bình Sơn là một ngọn đồi nhỏ trong thị xã Hà Tiên, nơi có khu đền - mộ của dòng họ Mạc, triều đại lừng lấy của các Đô đốc Tổng trấn Đại tướng quân vùng đất Tây sông Hậu. Sau khi nhiều ngôi đã bị di dời, hiện chỉ còn 45 ngôi, trong đó lớn nhất là mộ Mạc Cửu, Đô đốc Tổng trấn đầu tiên của dòng họ. Khu mộ được kiến trúc theo lối phong thủy Trung Hoa, các ngôi đều có hình bán nguyệt khoét vào sườn núi. Chỗ chôn hài cốt được đúc bằng hỗn hợp vôi, cát, đường và mủ cây ô dước, có như hình một con trâu nằm (thế tọa ngưu), Các bậc thềm lên mộ Mac Cửu được lát bằng đá xanh Quảng Tây (do các nhà buôn Trung Hoa tặng[i]. Cao nhất, gần đỉnh núi là mộ Mạc Cửu, sát bên dưới là mộ Mạc Tử Hoàng,  mộ Mạc Thiên Tích nhỏ và thấp hơn vì ông mất ở Xiêm, khi được đón về chỉ còn cốt nên con cháu phải đắp thêm thành tượng rồi mới mai táng. Ngoài ra còn gần 40 ngôi mộ khác của các thế hệ con cháu, kể cả của thầy thuốc, gia tướng…
Khu lăng mộ họ Mạc được táng theo thuật phong thủy: tiền án là núi Tô Châu, hậu chẩm là đỉnh núi Bình Sơn, trước có Đông Hồ làm minh đường, phía trái là núi Bát Giác (tả Thanh long), phía phải là núi Pháo Đài (hữu Bạch hổ), mặt lăng mộ quay về hướng đông, quả là một cuộc đất hiếm có theo các tiêu chuẩn phong thủy[ii].
2. Cây và hoa khắp nơi làm cho khu đền - mộ họ Mạc giống một công viên hơn là một nghĩa trang. Phía bắc khu mộ là chùa Phù Dung, nơi đặt Tao Đàn xưa, không dứt khói hương. Chiều tà đứng trên Bình Sơn nhìn về phía Tây thấy đảo Phú Quốc như bức thành ẩn trong ráng chiều. Bình Sơn cây cối tốt tươi, biếc chồng lên biếc (nên có tên là Bình Sơn điệp thúy – 1 trong 10 cảnh đẹp xứ Hà Tiên), có nhiều cây dừa cổ thụ cao chót vót (là nét rất khác biệt với các khu lăng mộ khác). Du khách ngồi trên những bậc đá xanh trước mộ người khai trấn, hoài niệm chút công lao của người xưa[iii]. Một giai đoạn lịch sử bi hùng còn lại chỉ là những nấm đất nhỏ bé hình bán nguyệt, mà với cách dạy môn Lịch sử như hiện nay, không chắc lớp trẻ đã biết thế nào và biết gì về giai đoạn đó. Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Hoàng,…còn là tên những con phố của Hà Tiên, nhưng khi hỏi mấy cháu học sinh lúc tan trường về cái nghĩa của các tên này thì đa phần đều lắc đầu không biêt hoặc trả lời rất không đầy đủ. Thế giới vô thường. Và cái vô thường nhất chính là sự vô tâm.
3.Chùa Phù Dung Hà Tiên là nơi tu hành của Bà Phù Cừ Nguyễn Thị Xuân, Ái cơ của Đô đốc Mạc Thiên Tích. Chùa do Đô Đốc Mạc Thiên Tích (còn gọi là Mạc Thiên Tứ 1706 – 1780) xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 18 cho nàng thứ cơ tên gọi là “Phù Cừ”, lúc nhỏ còn có tên là “Dì Tự” (1720 – 1761) làm nơi tu hành.
 Bà Phù Cừ tên thật là Nguyễn Thị Xuân, thứ nữ một di thần nhà Lê, đã nhan sắc, đức độ lại rất giỏi văn thơ, nên duyên với Mạc Thiên Tích tại cuộc gặp tại Tao đàn Chiêu Anh Các[iv]. Để tránh xung đột với người vợ cả của Mạc Thiên Tích (vốn là võ tướng đã giúp chồng nhiều cuộc chinh chiến) bà Phù Cừ xuất gia tại chủa Phù Dung cũ phía Tây Nam núi Phù Dung, Bà mất năm 1761, mộ bà được táng phía sau Tao Đàn Chiêu anh các. Chùa đã bị quân Xiêm phá sập trong khoảng năm 1833-1834. Năm 1846, sau khi khi đánh đuổi quân Xiêm, Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn cho cất lại ngôi chùa mới ở đầu bắc núi Bình Sơn, cách chùa xưa trên 500m, trên nền Tao đàn Chiêu Anh Các cũ nhưng vẫn đặt tên là chùa Phù Dung.

Tượng Bà Phù Cừ trong chùa Phù Dung, Hà Tiên
Ngôi chùa Phù Dung mới đơn sơ không có mấy đặc sắc về kiến trúc, không có danh gì cao siêu, nhưng lại nổi danh vì cuộc đời chìm nổi của bà Phù Cừ, vì cuộc tình đẫm chất thi ca và vô vọng của Bà với Mạc Đô đốc, và cũng vì gắn với Tao đàn Chiêu anh các, một Thi xã góp công to lớn trong việc biến một miền biên viễn thành một xứ Văn hiến của Việt Nam. Đó chính là cái danh không nói ra được (“Danh khả danh phi thường danh” – Cái danh mà gọi ra được thì không còn là danh nữa - Lão Tử). Tượng bà đặt phía hậu điện. Khuôn mặt pho tượng nhân hậu và thông minh. Dáng pho tượng hiền từ và đoan chính. Mộ Bà tọa lạc phía sau chùa. Quả thật cuộc đời Bà là minh chứng cho nguyên lý Vô sở cầu. Chùa Phù Dung vốn là chùa ni thuộc phái Thiền Lâm tế. du khách có thể tập tọa thiền và thiền hành dưới sự hướng dẫn của các vị ni sư trong chùa[v].
Thời Pháp thuộc, người Pháp đã phá tan hoang ngôi mộ bà vợ cả của Mạc Thiên Tích để tìm vàng bạc. Uy danh lẫy lừng của Đại phu nhân Mạc Thiên Tích Đô đốc Đại tướng quân lúc sinh thời không làm bà yên thân sau khi mất. Nhưng ngôi mộ đơn sơ của bà Phù Cừ thì đến nay vẫn nguyên vẹn. Bà vẫn sống trong lòng người dân Hà Tiên không phải nhờ chiến công lấy lừng gì lúc sinh thời. Đúng là “Danh khả danh phi thường Danh” vậy..

Mộ Bà Phù Cừ phía sau chùa Phù Dung
 


[ii] Tài liệu trên
[iii] Tài liệu trên
[v] Lương Ngọc Bích, 2012. Phát triển Du lịch thiền (Zentourism) tỉnh Kiên Giang. Luận văn Thạc sỹ Du lịch học, khoa Du lịch, Đại học KH XH và NV, ĐHQG Hà Nội
 
 

Lượt xem: 3421

Các tin khác

Những điểm đến kỳ lạ ở Đông Nam Á

(23/05/2014 09:40:AM)

Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai 2014

(22/05/2014 12:57:AM)

Đậu nành, thực phẩm vàng của thế kỷ 21

(10/05/2014 07:36:AM)

Điện Biên cần thêm xanh, thêm hấp dẫn

(02/05/2014 03:39:PM)

Triển khai dự án phát triển du lịch bền vững tại miền Trung

(25/04/2014 09:44:AM)

Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường

(24/04/2014 11:04:AM)

Mê Kông lọt top 10 dòng sông du thuyền hấp dẫn nhất thế giới

(19/04/2014 08:57:AM)

Vườn quốc gia Côn Đảo được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

(14/04/2014 06:34:AM)

“Không gian xanh” Văn Thánh

(13/04/2014 07:57:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE