Liên kết “xanh hóa” ruộng đồng: Nông dân bắt tay doanh nghiệp trồng lúa giảm phát thải (Bài 1)
Từ thực tế ghi nhận tại An Giang, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã mang lại lợi ích về nhiều mặt cho nông dân
Với việc phê duyệt 3 đề án liên quan đến ngành trồng trọt, gồm "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050", "Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" và "Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030", Bộ NNPTNT khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh.
Từ thực tế ghi nhận tại An Giang, việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã mang lại lợi ích về nhiều mặt cho nông dân.
Sống khỏe nhờ trồng lúa liên kết
Đã có hơn 10 năm tham gia liên kết với doanh nghiệp trồng lúa chất lượng cao, ông Trương Thanh Hà (ở xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang) dùng từ "êm" khi nói về lợi nhuận cũng như những lợi ích mà quá trình liên kết mang lại cho ông và nhiều nông dân khác.
Nhiều năm gắn bó với cây lúa ở đất Mỹ Phú Đông này, chưa khi nào ông Hà thấy làm lúa "đã" như năm 2023 khi giá lúa liên tục lập đỉnh, bên cạnh đó, nhờ áp dụng quy trình canh tác an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, năng suất lúa vẫn đảm bảo mà chi phí sản xuất lại giảm, sức khỏe con người, môi trường được đảm bảo.
"Gia đình tôi có 2ha đất lúa liên kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất theo quy trình an toàn. Đã 3 - 4 năm nay, tôi chuyển đổi sang sử dụng cân đối phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên môi trường sống được cải thiện, đặc biệt sức khỏe không bị ảnh hưởng như trước" - ông Hà cho biết.
An Giang là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo khá tốt. Từ năm 2021-2023, tỉnh có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 300.000 ha.
Ông Hà khoe, vụ đông xuân 2023 - 2024, khắp miệt đồng bằng, bà con mệt mỏi vì rầy lưng trắng gây hại, nhiều nông dân phải chịu thêm chi phí thuốc bảo vệ thực vật trừ rầy nhưng vẫn bị thiệt hại đáng kể, riêng ruộng lúa của ông và nhiều hộ trong mô hình liên kết số lượng rầy ít hơn hẳn.
"Tôi không phải xài thêm thuốc trừ rầy luôn mà đến thời điểm này lúa vẫn phát triển tốt, trên ruộng tuy vẫn có rầy nhưng số lượng không đáng kể. Có được điều đó là vì ruộng nhà tôi có nhiều nhện đỏ, chúng góp công bắt rầy rất nhiều. Ở những ruộng lúa sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học rất nhiều loài thiên địch có ích đã xuất hiện trở lại" - ông Hà khoe.
Tuy nhiên, theo ông Hà, cái được lớn nhất ở những mô hình liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình an toàn là bà con không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm, trong khi đầu vào sản xuất được cung cấp với giá phải chăng. Như năm 2023, với giá lúa ổn định ở mức cao, gia đình ông thu lãi 150 triệu đồng nhờ 3 vụ lúa. "Một con số trong mơ" - ông Hà cười, nói.
Dù rất phấn khởi khi giá lúa lên cao, thu lợi nhuận lớn nhưng khi được hỏi có mong giá lúa tăng cao hơn nữa không, ông Hà chia sẻ chỉ cần giá lúa ổn định để đảm bảo nông dân có lợi nhuận, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi và người tiêu dùng không phải mua gạo với giá cao.
Hướng đến trồng lúa bán tín chỉ carbon
Ông Trương Thanh Hà chỉ là một trong số nhiều nông dân đang thực hiện liên kết trồng lúa với Tập đoàn Lộc Trời ở xã Mỹ Phú Đông. Chỉ tính riêng HTX Tân Đông (xã Mỹ Phú Đông), đã có 34 thành viên chính thức và hơn 70 thành viên liên kết với HTX tham gia mô hình cánh đồng không dấu chân của Tập đoàn Lộc Trời với tổng diện tích 771ha, cũng là cơ sở để doanh nghiệp này đăng ký với địa phương tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ NNPTNT xây dựng.
Hôm chúng tôi đến, trên cánh đồng hàng trăm ha của xã Mỹ Phú Đông, lúa đã bắt đầu uốn câu, dịch rầy lưng trắng dường như không tác động nhiều đến diện tích lúa ở nơi đây. Trên bờ bao, một tốp nông dân đang điều khiển chiếc drone (máy bay không người lái) bay khắp cánh đồng rải thuốc, bón phân.
Anh Lê Văn Chính - Giám đốc HTX Tân Đông cho biết, HTX đang áp dụng quy trình canh tác an toàn của Lộc Trời, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe của bà con nông dân, cải tạo độ phì nhiêu của đất, cây lúa phát triển tốt, dịch hại giảm nhưng năng suất vẫn đảm bảo, thậm chí tăng.
Nhưng để có được mối liên kết bền chặt ngày hôm nay, những người đi tiên phong cũng gặp nhiều vất vả. "Giai đoạn đầu rất khó khăn vì quá trình chuyển từ sản xuất 2 vụ lên 3 vụ lúa trong mười mấy năm qua, bà con có xu hướng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; lúa được thu mua thông qua thương lái nên thường xuyên bị ép giá. Dần dần đất đai bị thoái hóa, môi trường ô nhiễm, trong khi cuộc sống của bà con không được cải thiện. Từ hiệu quả của những mô hình liên kết, bà con thấy lợi ích và đăng ký tham gia ngày một đông. Thông qua HTX, nông dân được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, được mua giống, vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý nên quá trình sản xuất thuận lợi hơn rất nhiều" - anh Chính cho biết.
Nhìn thấy cơ hội của HTX từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính vùng Đồng bằng sông Cửu Long, anh Chính cho biết, trong vụ hè thu tới, HTX Tân Đông tiếp tục xây dựng các điểm trình diễn, liên kết nông dân sản xuất trên cánh đồng 1 giống, 1 tiêu chuẩn, để sản phẩm đáp ứng theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU. "Khi đó, thu nhập của bà con chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa" - anh Chính khẳng định.