quản lý tòa nhà

logo Tạp chí TNMT-VACNE Vì Môi trường Xanh Quốc gia 2024
THÔNG TIN MÔI TRƯỜNG

Hồi sinh sông Tô Lịch: Không chỉ xử lý môi trường nước, mà còn “làm đẹp” đôi bờ

Thứ Sáu, 11/07/2025 | 11:30:00 AM

Sau nhiều năm ô nhiễm, sông Tô Lịch đang hồi sinh nhờ dự án đập dâng và cải tạo cảnh quan. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành các hạng mục chính trước 2/9/2025.

 Sau nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, sông Tô Lịch – dòng sông gắn liền với lịch sử và đời sống người dân Thủ đô – đang đứng trước cơ hội hồi sinh nhờ một công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Công trình đập dâng đầu tiên trên sông Tô Lịch, đặt tại phường Thanh Liệt (huyện Thanh Trì), hiện đã hoàn thành khoảng 65% tổng khối lượng. Trong đó, hạng mục đập chính đạt trên 90%. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống xử lý nước thải Yên Xá – dự án được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo môi trường sông Tô Lịch trong tương lai gần.

Khi hoàn thành, công trình đập dâng sẽ có vai trò điều tiết dòng chảy, giữ mực nước ổn định cho sông Tô Lịch, đồng thời ngăn nước ô nhiễm từ sông Nhuệ chảy ngược vào. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường sống, giảm thiểu mùi hôi và tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cho đô thị Hà Nội.

Hồi sinh sông Tô Lịch: Không chỉ xử lý môi trường nước, mà còn “làm đẹp” đôi bờ - Ảnh 1.

Song song với đó, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch khẩn trương hoàn tất việc cải tạo, chỉnh trang hạ tầng trước ngày 30/8 tới. Các hạng mục cần hoàn thiện bao gồm: lát lại vỉa hè, xây dựng lan can, trồng cây xanh và thảm cỏ ven sông.

Việc đồng bộ giữa thi công công trình kỹ thuật và cải tạo cảnh quan được kỳ vọng sẽ mang lại bước chuyển lớn cho dòng sông từng được coi là “dòng sông chết” này – biến Tô Lịch thành điểm nhấn xanh trong lòng đô thị.

Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Tài chính đầu tư – Sở Xây dựng Hà Nội, trong khu vực nội đô có bốn con sông lớn gồm sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét, với tổng chiều dài khoảng 30km, đóng vai trò chính trong việc tiêu thoát nước cho thành phố Hà Nội. Trong đó, sông Tô Lịch dài 14km, chiếm khoảng 50% và là tuyến sông rất quan trọng, chảy qua 8 phường nội đô. Đây cũng là con sông mang ý nghĩa lịch sử lâu dài, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa và gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của Thủ đô qua các thời kỳ.

Ông Thành cho biết: "Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa đặc biệt của sông Tô Lịch, lãnh đạo thành phố đã dành nhiều kỳ vọng vào các dự án, công trình và giải pháp hồi sinh dòng sông này, đáp ứng nguyện vọng của người dân và cử tri Thủ đô. Đặc biệt, cuối năm 2024, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra yêu cầu rất quan trọng: phải khẩn trương hồi sinh sông Tô Lịch, để nơi đây thực sự trở thành biểu tượng văn hóa – lịch sử của Hà Nội.

Ngay sau chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc, yêu cầu các sở ngành đẩy nhanh tiến độ tất cả các hạng mục liên quan. Không chỉ giải quyết vấn đề nhà máy xử lý nước thải Yên Xá – dự án đã kéo dài nhiều năm, thành phố còn đặc biệt tập trung vào việc làm sống lại nguồn nước sông Tô Lịch".

Theo ông Thành, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai theo hai giai đoạn. Giai đoạn trước mắt, từ đầu năm 2024 đến ngày 2/9/2025, sẽ phải hoàn thành toàn bộ các công việc cơ bản, trong đó có công tác nạo vét bùn thải còn lắng đọng. Đến nay, đã nạo vét được 7km đầu nguồn (tương đương khoảng 50.000m³ bùn). 5km còn lại ở hạ lưu đang được gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/8. Song song với đó, thành phố cũng yêu cầu toàn bộ các phường, xã trên địa bàn chỉnh trang cảnh quan hai bên sông, gồm trồng cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, lan can đồng bộ với hệ thống nạo vét.

Về giải pháp đảm bảo sông Tô Lịch luôn có nước, Hà Nội đã đề ra hai phương án tiếp nước. Thứ nhất là tiếp nước từ nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây qua cửa điều tiết A – tức từ thượng nguồn đổ vào. Thứ hai là sử dụng nước sau xử lý từ nhà máy Yên Xá (ở cuối nguồn), sau khi đã thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt hai bên sông Tô Lịch, xử lý sạch và bơm ngược trở lại hai đầu để duy trì dòng chảy. Để giữ nước hiệu quả, thành phố cũng đầu tư xây dựng hệ thống đập dâng – nếu không có đập thì nước chảy đi sẽ không giữ lại được.

Ông Thành nhấn mạnh: "Cách làm lần này của Hà Nội có nhiều điểm mới so với trước, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Chưa bao giờ việc hồi sinh sông Tô Lịch lại nhận được sự quan tâm sâu sát từ lãnh đạo Trung ương, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố như hiện nay. Hằng tuần, lãnh đạo thành phố đều trực tiếp nghe các sở, ngành và đơn vị thi công báo cáo tiến độ. Các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện đều được đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đưa vào danh mục các vấn đề cấp bách, yêu cầu xử lý trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi nhận được phản ánh từ cấp cơ sở".

Ông Thành cũng thông tin, lãnh đạo thành phố xác định, hồi sinh sông Tô Lịch không chỉ dừng lại ở xử lý môi trường nước, mà còn phải đồng bộ với cải tạo cảnh quan hai bên bờ. Do đó, thành phố đã giao cho các đơn vị nghiên cứu tổng thể, không chỉ khôi phục dòng sông mà còn kết nối với không gian đô thị, các cụm văn hóa – lịch sử dọc hai bên sông. Mục tiêu là biến sông Tô Lịch thành một công viên văn hóa – sinh thái giữa lòng đô thị.

Theo phương án được tư vấn và bước đầu thống nhất, mỗi đoạn sông sẽ gắn với một cụm văn hóa, di tích làng cổ, tạo ra chủ đề riêng cho từng đoạn. Kết hợp với không gian cảnh quan, người dân sẽ được tiếp cận sông không chỉ từ trên bờ mà cả mặt nước, thông qua giao thông đường thủy và các loại hình đa phương tiện, hình thành khu vui chơi, thư giãn đa chức năng.

(soha.vn)

Lượt xem: 24

Các tin khác

Từ vườn cây trĩu quả, sầu riêng Lâm Đồng kiến tạo một mô hình kinh tế xanh giàu tiềm năng

(11/07/2025 08:15:AM)

Những động vật quý hiếm nào mới được thả vào rừng Tây Nguyên?

(10/07/2025 08:51:AM)

Miền Bắc đón mưa lớn diện rộng từ đêm nay 9/7

(09/07/2025 09:12:AM)

"Công nhân Đỏ" hiện thực hóa giấc mơ xanh

(07/07/2025 07:09:AM)

Chính sách khoán rừng tăng giá, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm giữ rừng ổn định sinh kế

(06/07/2025 07:21:AM)

Huế phát triển nhiều điểm du lịch giảm thiểu rác thải nhựa

(05/07/2025 07:50:AM)

Điều tra: Chạm mặt cánh thợ săn, thú rừng Vườn quốc gia Cát Tiên trúng đạn và bị xẻ thịt

(04/07/2025 07:13:AM)

Rác thải điện tử tăng vọt: Thách thức trong nền kinh tế số

(03/07/2025 07:23:AM)

Báo chí và sứ mệnh bảo vệ môi trường

(03/07/2025 07:13:AM)

VIDEO

Tự hào 35 năm VACNE

Xem thêm

TRANG VÀNG MÔI TRƯỜNG VACNE