Trường Sơn còn được gọi dưới những cái tên khác nhau như : Dãy núi An Nam, Dãy núi Trung Kỳ (Annamese Range, Annamese Mountains, Annamese Cordillera, Annamite Mountains, Annamite Cordillera, Chaine Annamitique), Say Phou Loang (Phu Luông - Lào). Chú ý rằng tên dãy núi An Nam chỉ xuất hiện từ thời kỳ Pháp thuộc xuất phát từ các nghiên cứu của Sở Địa chất Đông Dương (Service Ge’ologique de l’Indochine) [13,16], mà trong thời kỳ này, An Nam không còn là tên của cả nước Việt nam mà chỉ là tên của Trung kỳ, để phân biệt với Bắc kỳ (Tonkin hay Đông Kinh) và Nam Kỳ (Cochinchine). Vì vậy “Dãy núi An Nam” theo khái niệm ban đầu thực ra chỉ có nghĩa là “Dãy núi Trung kỳ”. Theo những mô tả đầu tiên của các nhà nghiên cứu Pháp hồi đầu thế kỷ trước thì dãy núi Trung Kỳ (Trường Sơn) khởi nguyên từ thượng nguồn sông Cả kéo về phía đông nam đến tận ranh giới với Nam Bộ, là đường chia nước (phân thủy) giữa sông Mekong và các sông nhỏ đổ vào biển Đông và đồng thời tạo ra xương sống của bán đảo Đông Dương Về sau một số nhà nghiên cứu mở rộng ranh giới phía Bắc của dãy Trường Sơn khiến cho khái niệm về dãy núi này không thống nhất. Việc phân chia dãy Trường Sơn thành các vùng Bắc - Trung và Nam Trường Sơn cũng chưa thống nhất khiến cho khi nói về Trường Sơn và các phân vùng của nó, tên thì giống nhau nhưng nội dung thì khác nhau.
Tên Trường Sơn cũng chưa được xác định rõ là từ năm nào. Theo văn liệu hiện có thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng tên Trường Sơn vào thời gian Quốc dân Đại hội Tân Trào sát trước cách mạng Tháng Tám, có nghĩa là tên “Trường Sơn” đã khá thông dụng khi đó. Nhưng cũng không xác định được dãy Trường Sơn theo Bác Hồ nói khi đó có trùng với “dãy núi Trung kỳ” của các nhà địa chất Pháp xác định hay không. Trong các tài liệu hiện có tuy cùng nói về dãy Trường Sơn nhưng ít người giải thích rõ phạm vi của dãy núi này..
Ranh giới phía Bắc của dãy Trường Sơn
Ranh giới phía bắc dãy Trường Sơn còn nhiều điểm bất nhất trong giới khoa học lẫn trên thông tin đại chúng.
Quan điểm cực đoan nhất ghép cả Tây Bắc Việt Nam vào Trường Sơn, nên Trường Sơn theo khái niệm này xuất phát từ tận cao nguyên Tây Tạng- Vân Nam (Trung Quốc). Cách hiểu cực đoan này không được chấp nhận rộng rãi, không có cơ sở cả về lịch sử địa chất lẫn địa sinh thái.
Gần gũi với quan điểm trên đây là ý kiến của Đặng Huy Huỳnh và cộng sự trong Hội thảo Bảo vệ ĐDSH dãy Trường Sơn lần thứ nhất năm 2008, xếp vào Bắc Trường Sơn cả các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa. Chú ý rằng lấy ranh giới hành chính giữa các tỉnh làm ranh giới địa sinh thái giữa các quần sơn nhiều trường hợp là không hợp lý. Hồ Thanh Hải trong các nghiên cứu của mình coi toàn bộ lưu vực sông Mã (nghĩa là gần 50 % diện tích Tây Bắc Việt nam) thuộc về Trường Sơn
Lùi xa hơn về phía Nam chút ít, Lê Bá Thảo (2002) coi ranh giới phia bắc của Trường Sơn là hữu ngạn sông Chu (Thanh Hóa) mà không đưa ra lời giải thích nào. Có lẽ do nhận thấy cấu trúc địa chất của “khối nâng Quỳ Châu” (Nam Thanh Hóa- Bắc Nghệ An) không giống cấu trúc địa chất Tây Bắc Việt nam nên nhà Địa lý nổi tiếng này đã ghép vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ vào Trường Sơn chăng?. Quan niệm gần gũi với ý tưởng này được Trương Quang Học và cộng sự, Tô Đình Mai, Nguyễn Hoàng nghĩa, tán thành khi coi Bắc Trường Sơn là từ Thanh Hóa trở vào.
Tất cả các văn liệu khác được thu thập, kể cả Lê Bá Thảo (1975), Mai Đình Yên đều coi Trường Sơn Bắc bắt đầu từ vùng sinh thủy của sông Cả trên cao nguyên Trấn Ninh (Lào).
Thực ra khó có thể lấy một dòng sông để phân chia rạch ròi ranh giới của hai khối núi Trường Sơn và Tây Bắc Việt nam. Khu vực từ sông Chu đến sông Cả (Nam Thanh- Bắc Nghệ) với các đặc trưng địa sinh thái của nó, cần được coi là vùng đệm giữa Trường Sơn Bắc và khối núi Tây Bắc Việt Nam.Việc coi vùng đệm này có thuộc Trường Sơn Bắc hay không tùy thuộc vào mục tiêu, nguồn lực của hoạt động bảo tồn.
Ranh giới phía nam của dãy Trường Sơn
Về phía nam, dãy Trường Sơn kết thúc khi tiếp xúc với miền Đông Nam Bộ. Quan điểm này là thống nhất ở hầu hết các nhà nghiên cứu, kế thừa kết quả nghiên cứu trước đây của các nhà địa chất Pháp nghiên cứu về Địa chất Đông Dương như Saurin, E (1935) (Etude sur l'Indochine du Sud-Est. Bulletin du. Service Géologique de l'Indochine, v. 22), hay Fromaget,J.(1941) (L’Indochine francaise, sa structure géologique, ses roches, ses mines et leur relation possible avec la tectonique. Bull. SGI, Hanoi). Tuy nhiên cũng cần nói rõ là vẫn có một số nhà nghiên cứu coi Trường Sơn Nam chỉ là sườn Đông của Trường Sơn Nam, còn Tây Nguyên vốn là sườn Tây của Trường Sơn Nam thì lại coi như một cấu trúc độc lập, không thuộc Trường Sơn Nam. Quan niệm này phổ biến trong giới địa chất, xuất phát từ cấu trúc Địa kiến tạo (Saurin,E. 1935,).
Tiểu vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam
Có 2 quan điểm về ranh giới giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam: 1/ Các nhà địa chất Pháp như Saurin, E. hay Fromaget,J. như đã nói ở trên, cho rằng Trường Sơn Bắc kéo dài đến hết tỉnh Quảng Nam (dãy núi Ngọc Linh), và 2/ Trường Sơn Bắc và Nam được phân chia theo dải núi Bạch Mã, ranh giới giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Quan điểm thứ 2 được Lê Bá Thảo (1975, 2002) đề xuất và phân tích rất cặn kẽ, sau đó được nhiều nhà nghiên cứu khác sử dụng.
Báo cáo đề dẫn của Hội thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ nhất, 2008, lại đầy mâu thuẫn khi nói rằng “Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã... (nhưng) Trường Sơn Bắc chạy từ thượng nguồn sông Cả vào đến Quảng Nam... Trường Sơn Nam chạy dài từ khối núi Ngọc Linh ( tức là ranh giới giữa Quảng Nam và Kontum - báo cáo đề dẫn này chú thích) đến Mũi Dinh”.
Thực ra về mặt địa lý và địa sinh thái thì vùng Quảng Nam-Đà Nẵng (nằm giữa hai dãy núi Ngọc Linh và Bạch Mã) có nhiều nét trung gian giữa hai phần Bắc và Nam của dãy Trường Sơn. Khó có thể vạch ra một ranh giới rạch ròi giữa 2 khu vực của một dải núi đồ sộ dài hàng ngàn kilomet chỉ bằng một vách núi của dãy Bạch Mã hay Ngọc Linh. Cần coi Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam thì hợp lý hơn: Quảng Nam-Đà Nẵng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, giống Trường Sơn Nam ở chỗ chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của mùa đông lạnh miền Bắc. Mùa đông nhiệt độ vùng đồng bằng có thể xuống dưới 20oC. Độ ẩm trung bình trong không khí đạt 84%. Lượng mưa trung bình cao đến 2000-2500mm, nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào Quảng Nam-Đà Nẵng thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông.
Có Trung Trường Sơn không?
Khái niệm Trung Trường Sơn lần đầu được Bộ NN và PTNT nêu ra năm 2004 trong Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học Trung Trường Sơn nhằm đến việc tạo dựng nền móng cho bảo tồn lâu dài và loại bỏ những hiểm hoạ trước mắt đối với các sinh cảnh, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao tại vùng này. Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cùng Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tổ chức Hội thảo “Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn” tại Hội An (Quảng Nam) năm 2004. Theo khái niệm đưa ra trong hội thảo này, vùng sinh thái Trung Trường Sơn bao gồm các khối núi trung tâm dãy Trường Sơn thuộc 4 tỉnh Nam Lào và 7 tỉnh trung trung bộ: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum có tổng diện tích 3,7 triệu ha với trên 2,38 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm tới gần 2,2 triệu ha, còn lại là rừng trồng, độ che phủ bình quân của vùng đạt 42,75%, 3.000 loài thực vật trong đó có 46 loài được ghi trong sách đỏ, 28 loài thú đặc hữu, gần 400 loài chim, 11 loài lưỡng cư bò sát...Mục tiêu đặt ra trong vòng 50 năm tới, đa dạng sinh học của khu vực Trung Trường Sơn sẽ được quản lý, bảo vệ và phục hồi bền vững. Theo đó 17 khu bảo tồn sẽ được thiết lập. Với 12 dự án bảo tồn ưu tiên cho toàn vùng sinh thái. Sau đó Dickinson và Lê Văn Đông đã sử dụng khái niệm Trung Trường Sơn của Bộ NN và PTNT trong báo cáo tại hội thảo Bảo vệ Đa dạng sinh học dãy Trường Sơn lần thứ nhất.
Việc lấy 7 tỉnh từ Quảng Trị đến Kon Tum làm vùng Trung Trường Sơn phản ánh mối quan tâm của Bộ NN và PTNT, còn nếu thực sự có Trung Trường Sơn thì đó có thể là vùng đất giữa dãy Ngọc Linh phía Nam và dãy Bạch Mã phía Bắc chủ yếu nằm trong phạm vi Quảng Nam-Đà Nẵng vốn mang tính chuyển tiếp giữa Trường Sơn Bắc và Nam.
Như phần trên đã trình bày về ranh giới của dãy Trường Sơn, tại đây dãy trường Sơn còn chứa đựng cả nhiều khối núi lớn có nhiều điểm đặc sắc, càng tô điểm thêm cho sự phong phú và hùng vĩ của dãy Trường Sơn như Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), Bạch Mã (giữa Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam), khối núi Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, dãy Pu/Phu Lai Leng (Nghệ An), dãy Giăng Màn (Quảng Bình), khối núi Ngọc Linh, dãy núi An Khê, Chư Đju, Tây Khánh Hòa, Chư Yang Sin,…
Bên cạnh những khối núi lớn, dãy Trường Sơn còn nhiều ngọn núi cao như Phu/Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An), Phu/Pu Ma (Nghệ An), Phu/Pu Đen Đin (Nghệ An), Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh), Động Ngài (Thừa Thiên-Huế), Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng), khối núi Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, Ngọc Linh (2598 m) cao nhất Trường Sơn và hơn mười ngọn khác cao trên 1200 m cùng thuộc khối núi Ngọc Linh, Ngọc Krinh, Kon Ka Kinh, Vọng Phu, Chư Yang Sin, Bon Non, Chư Braian, M'non Lanlen, M'non Pantar và nhiều đỉnh khác.
Chư Yang Sin
Chư Yang Sin là tên của một dãy núi ở Đắk Lắk, ở đây có đỉnh Chư Yang Sin cao 2442 m so với mực nước biển chính là đỉnh núi cao nhất ở Đắk lắk và của cả hệ thống núi cực Nam Trung bộ.
Đỉnh Chư Yang sin nằm ở địa phận huyện Krông Bông Đắk Lắk, trong khu vực vườn quốc gia Chư Yang Sin rộng 58.000 ha với nhiều loài chim, thú, thực vật quý hiếm. Dưới chân núi có dòng thác Krông Kmar thơ mộng là một điểm du lịch hấp dẫn trong tour du lịch Đắk Lắk thượng nguồn của sông Krông Ana, một con sông lớn ở Đắk Lắk, một chi lưu quan trọng của sông Serepôk.
Do đây là một đỉnh núi cao trong khu vực Đắk Lắk có độ cao trung bình khoảng 500m nên hệ thực vật rất đa dạng, bao gồm các loài chung với nhóm thực vật ở Đắk Lắk cũng như các loài thực vật phù hợp với độ cao dần lên 2400m - phần lớn là các loài cây lá kim. Đỉnh núi là một khối đá lớn quanh năm mây mù. Tuy đường lên đỉnh còn rất khó khăn nhưng Chư Yang Sin luôn là một trong những niềm đam mê chinh phục của những người thích leo núi.
Chư Yang Sin còn là tên tạp chí văn học nghệ thuật của hội nhà văn Đắk Lắk.
Hoành Sơn
Hoành Sơn (núi ngang) là một dãy núi ở ranh giới tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình.
Hoành Sơn dài 50 km, chạy từ dãy Trường Sơn ở phía Tây ra Biển Đông. Đỉnh cao nhất trong dãy núi có độ cao tuyệt đối là 1044 m. Trước kia, muốn vượt qua dãy núi này, người ta thường phải đi lên đèo Ngang cao tới 256 m và dài tới 6 km, rất khó đi. Từ tháng 8 năm 2004, một hầm đường bộ được hoàn thành giúp cho việc đi lại giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh trở nên thuận tiện hơn.
Khối núi Ngọc Linh
Ngọc Linh liên sơn hay khối núi Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Nam Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, là một phần của Trường Sơn Nam. Khối núi này nằm trên phần cao nguyên phía Bắc Tây Nguyên, Việt Nam, tại địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Dãy Ngọc Linh có độ cao khoảng 800 - 2.600 m.
Dãy Ngọc Linh, chạy viền theo ranh giới phía Đông của huyện Đăk Glêi, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum với các huyện Phước Sơn và Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, tiếp đến là trên ranh giới giữa huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, các huyện KBang, Đắk Đoa của tỉnh Gia Lai. Dãy núi này chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam bắt đầu với ngọn núi Ngọk Lum Heo, núi Mường Hoong, Ngọc Linh, Ngọc Krinh, Ngọk Tem, Ngọk Roo. Dãy Ngọc Linh là đường phân thủy của hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra biển Đông là các con sông Cái (đầu nguồn sông Vu Gia), sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, sông Ba chảy qua tỉnh Phú Yên.
Các đỉnh núi cao
- Ngok Lum Heo, cao 2116 m;
- Mường Hoong, cao 2400 m;
- Ngok Linh (núi Ngọc Linh), cao nhất dải Trường Sơn và cao thứ nhì Việt Nam với độ cao tuyệt đối là 2.598m.
- Ngọc Phan 2.251 m;
- Ngọc Krinh nằm ở trên ranh giới hai huyện Đắk Hà và Kon Plông, cao 2.066 m;
- Ngọk Tem, thuộc xã Ngọk Tem huyện Kon Plông, cao 1362 m;
- Ngọc Bôn Sơn 1.939 m;
- Kon Bo Ria 1.500 m;
- Ngọk Roo, nằm trên ranh giới hai huyện Kon Plông và Kbang, đầu nguồn sông Ba, cao 1509 m;
- Kon Krông 1.330 m.
Dãy Bạch Mã
Bạch Mã là một dãy núi đẹp, là phần ăn ngang (hoành sơn) của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển. Nằm giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, nơi đây có đèo Hải Vân nổi tiếng nằm cách Huế 60 km về phía Nam.
Núi Bạch Mã có đỉnh cao 1.444 m. Trên đỉnh núi hùng vĩ bốn mùa xanh tươi với thác nước, suối, rừng, ... Núi Bạch Mã còn là nơi quy tụ nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm ở miền nhiệt đới. Bạch Mã nằm cách biển chỉ có 18 km nên hòa với không khí của rừng núi là chút hương vị của biển. Vườn Quốc gia Bạch Mã là một phần của dãy núi này