Hình minh họa: Internet
Rác thải nhựa hủy hoại môi trường sống con người và đại dương
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa (RTN) thải ra môi trường, trong số đó 0,28 - 0,73 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra biển nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Thống kê cũng cho thấy tại TP. Hồ Chí Minh và tại TP. Hà Nội, số lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.
Chia sẻ về tác động tiêu cực của rác thải nhựa tại Hội nghị tập huấn “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền, phổ biến chống rác thải nhựa…” do Bộ TN&MT vừa tổ chức mới đây, bà Dương Thị Phương Anh, Phó Giám đốc điều hành, Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, rác nhựa không có khả năng phân hủy sinh học, chúng có thể vỡ thành mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi. Nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới có thể phân hủy được. Ước tính đến 2025 ở đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa và tới năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn lượng cá.
Hơn nữa, hầu hết các loại nhựa không phân hủy sinh học và phải mất hàng 100 năm thậm chí đến cả 1000 năm để phân hủy. Trong môi trường, nhựa sẽ bị phân hủy thành các mảnh vi nhựa làm ô nhiễm nguồn nước, đất và đi vào chuỗi thức ăn của con người, gây nguy hại đến cuộc sống của khoảng 800 loài động vật sống dưới đại dương.
Rác thải nhựa đe dọa nghiêm trọng đại dương - Ảnh: Internet
Nói về khó khăn trong việc thu gom rác thải nhựa, bà Dương thị Phương Anh cho biết, rác thải nhựa thường cồng kềnh và khó lưu kho, lực lượng thu gom thì hoạt động tự phát và phân tán, chưa có hướng dẫn cụ thể về công tác phân loại. Đặc biệt, nhận thức của cộng đồng trong việc phân loại rác và sử dụng vật phẩm tái chế còn hạn chế. Hơn nữa, vẫn còn khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhà nước chưa có đơn giá, định mức cho hoạt động này…
Bà Dương Thị Phương Anh cũng cho biết, theo quy định về lộ trình giảm rác thải nhựa được đưa ra, từ 01/01/2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Đặc biệt, sau năm 2025, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.
Sau 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu SUP (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Bởi vậy, để triển khai hiệu quả việc giảm thiểu rác thải nhựa, bà Dương Thị Phương Anh cho rằng các cơ qua quản lý cần nghiên cứu, xây dựng các chính sách cụ thể trong hướng dẫn tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách cụ thể nhằm giúp doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận dễ dàng các ưu đãi, hỗ trợ nhằm thúc đẩy tái chế chất thải, rác thải nhựa. Tạo thị trường cho sản phẩm tái chế để có thể cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất từ nhựa nguyên sinh.
Đồng thời, cần nghiên cứu, xây dựng các hướng dẫn cụ thể về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế. Ban hành hướng dẫn cụ thể liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
Địa phương quyết liệt hành động vì một đại dương xanh
Nhằm đóng góp chung vào nỗ lực giảm nhựa, bảo vệ môi trường biển, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách quan trọng hướng đến một đại dương không rác thải nhựa trong tương lai. Cụ thể, Cục đã phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng và triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án được chính thức phê duyệt và triển khai ở cấp trung ương và 10 tỉnh/thành phố, quận (huyện)/thị xã, bao gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình (Đồng Hới), Thừa Thiên Huế (A Lưới), Đà Nẵng, Quảng Nam (Cù Lao Chàm), Phú Yên (Tuy Hòa), Bà Rịa - Vũng Tàu (Côn Đảo), Long An (Tân An), Kiên Giang (Rạch Giá và Phú Quốc).
Dự án được thực hiện với kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Đến nay, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” đã được triển khai sâu rộng và toàn diện, các hoạt động dự án của các hợp phần đã thu về được nhiều kết quả tích cực trong việc góp phần hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện luật Bảo vệ Môi trường 2020, các nghị định và thông tư dưới luật liên quan đến quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa; có thêm nhiều địa phương cam kết trờ thành Đô thị Giảm nhựa.
Đáng chú ý, tại các địa phương, thông qua các hoạt động của Dự án, nhiều đơn vị đã xây dựng và triển khai hoạt động về giảm rác thải nhựa, hàng ngàn tấn và mét khối được thu gom nhằm ngăn chặn sự thất thoát ra môi trường biển, làm sạch các khu bảo tồn biển quan trọng Phú Yên, Phú Quốc, Côn Đảo, Cù Lao Chàm…
Tại tỉnh Phú Yên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ”. Mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngư dân, góp phần thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường biển. Theo đó, sau mỗi chuyến đi biển, ngư dân không chỉ mang về cá, tôm mà còn chở theo rác thải về bờ để tập trung xử lý.
Theo Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên, mô hình “Ngư dân đưa rác thải về bờ” được triển khai thực hiện từ tháng 5/2024 tại 4 cảng cá lớn trên địa bàn tỉnh là: Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước. Các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền nên ngư dân thấy được tác hại của rác thải nhựa, từ đó ký cam kết thực hiện mô hình. Đến nay, tỉnh đã có 340 tàu cá cam kết tham gia thực hiện mô hình này.
Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên cho biết, mặc dù mới triển khai thực hiện mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” trong thời gian ngắn nhưng ngư dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng rất tích cực. Đến nay, ngư dân đã đưa về bờ khoảng 685kg rác, chủ yếu là rác thải nhựa, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường biển được nâng cao. Cán bộ tại các cảng cá cũng chú trọng tuyên truyền và bố trí vị trí tập kết rác thuận lợi để ngư dân thực hiện.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt các hành vi xả thải ra môi trường biển. Mỗi ngư dân khi tham gia mô hình “Ngư dân đưa rác về bờ” chỉ thực hiện những hành động nhỏ nhưng đã góp phần rất lớn bảo vệ đại dương xanh./.
Khánh Thi