Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một vùng quê nghèo miền núi Tây Bắc. Người dân quê tôi từ xa xưa đã gắn bó với rừng và coi nó như nguồn sống của họ.
Rừng hào phóng cho họ tất cả cuộc sống. Ngày tôi còn bé, cảnh nhà nhà vào rừng, người người vào rừng đốn hạ những cây gỗ cổ thụ là chuyện thường. Lúc ấy, suối vẫn còn xanh trong và lớn lắm. Trẻ con tụi tôi vẫn thường chiều chiều ra tắm suối. Rồi dần dần, rừng không còn hào phóng như trước. Con suối cũng cứ thế thu hẹp lại.
Đến khi vào đại học, sau một thời gian xa nhà, tôi ra thăm con suối và xót xa giật mình khi thấy nó chỉ còn là lạch nước bé tí. Tôi nhớ mãi chuyện mình nói với mọi người ở xóm về việc tại sao nước suối càng ngày càng ít? Đó là vì mọi người chặt phá rừng nhiều quá. Và kết quả là mọi người cười, nhìn tôi như một đứa dở hơi. Cũng phải thôi, với những người nông dân, rừng là tài sản chung nuôi sống họ từ khi còn bé. Có người chỉ sống bằng nghề khai thác lâm sản từ rừng, không phá rừng lấy gì mà sống? Họ đã quá quen với phá rừng mà không muốn thay đổi bản thân. Bảo vệ môi trường với họ chỉ đơn giản là việc giữ sạch làng đẹp xóm chứ chưa có việc bảo vệ rừng.
 |
Nếu không được bảo vệ, những cánh rừng sẽ dần biến mất. Ảnh do tác giả cung cấp |
Tôi đã có lần khóc thét không cho người nhà bắt mấy con sóc về thịt nhưng kết quả là mọi người thấy tôi học nhiều nên có vấn đề. Lần khác, mẹ bảo hôm nay có thịt hoẵng ngon lắm, gặp may mới mua được. Tôi nói với mẹ: "Ăn thịt mấy con thú rừng đấy đâu có sống thêm vài chục tuổi, cùng lắm là ngon miệng lúc này thôi". Và, mẹ tôi nói: "Mình không ăn thì người khác cũng ăn, những người lắm tiền lại càng thích ăn đặc sản”. Đúng là như vậy, nhưng tôi tin nhiều người không thích ăn đặc sản thú rừng như tôi.
Rồi mỗi mùa mưa lũ về, mọi người được chứng kiến con suối hiền lành yếu ớt bỗng trở nên hung dữ. Mỗi trận mưa to là một lần lũ quét. Nó cuốn phăng tất cả mọi thứ cản đường. Nhà cửa, hoa màu đều bị mất. Thiệt hại không chỉ là tài sản mà còn là tính mạng con người. Đây mới chỉ là những ảnh hưởng trực tiếp ban đầu, còn rất nhiều những ảnh hưởng mà chúng ta chưa biết tới. Lúc này, người dân cũng đã ý thức được sự quan trọng của việc bảo vệ rừng. Nhưng họ lại bế tắc trong việc mưu sinh. Vậy là cái vòng luẩn quẩn vẫn cứ thế lặp lại. Giá như họ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ hơn để cải thiện cuộc sống thì tốt biết mấy.
Mỗi hành động nhỏ của chúng ta sẽ có tác động đến mọi người xung quanh, không phải là ngay lập tức, nhưng sẽ có ảnh hưởng. Viết tâm sự này, tôi thiết nghĩ chúng ta hãy không chỉ xây dựng cho mình một thói quen bảo vệ môi trường mà còn phải truyền sang những người xung quanh. Việc tuyên truyền không chỉ nằm ở những cuộc thi, cuộc vận động mà nó phải nằm ngay trong cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng hy vọng, các nhà hoạch định chính sách sẽ có nhiều định hướng trong việc phát triển kinh tế cho người dân vùng núi, giúp họ dần thoát khỏi sự phụ thuộc kinh tế vào rừng.
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Bảo vệ môi trường" dưới dạng bài viết, bài ảnh, video mô tả thực trạng môi trường ô nhiễm không khí, nước...; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB.
Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh.
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây.
|
Trần Thị Thương
(Vnexpress)