Cần tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm thiểu đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp
(VACNE) – Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu và chuyên gia tham dự Hội thảo đánh giá cuối kỳ dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam”
Được sự ủng hộ và cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo quốc tế Đánh giá cuối kỳ của Dự án vào ngày 21/11/2024 tại Hà Nội
Đây là Dự án hợp tác nghiên cứu khoa học về Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động của đốt lộ thiên và sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đến biến đổi khí hậu, sức khỏe con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện với sự tài trợ của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) thông qua Liên minh toàn cầu về sức khỏe và ô nhiễm (GAHP). Hội thảo được tiến hành bằng 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến giữa các đầu cầu chính tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Huế cùng với nhiều điểm ở cả 3 miền trong cả nước.
Tham dự Hội thảo có Bà Adetokunbo Adekunbi Folasade Akinseye - Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Hóa chất, Thuốc trừ sâu và Chất thải nguy hại, Trưởng đoàn của DEFRA; Bà Maria Paola Lia – Giám đốc điều hành GAHP; Bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm, Bộ TN&MT cùng hơn 120 nhà khoa học, chuyên gia Quốc tế và trong nước.
Về phía Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có: TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội; GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội, Trường Ban Chỉ đạo Dự án; PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội, Giám đốc Dự án; cùng các Phó chủ tịch GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, GS.TS. Trần Hiếu Nhuệ, GS.TS. Đặng Kim Chi, TS. Trần Văn Miều, PGS.TS Lê Văn Thăng (tham dự trực tuyến).
Trong báo cáo khai mạc của GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE cho thấy: trong gần 3 năm qua, Dự án hợp tác giữa VACNE, DEFRA và GAHP đã được triển khai với sự tham gia của 25 đơn vị và hơn 150 chuyên gia trên cả nước. Dự án đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, bao gồm: (1) Xây dựng cơ sở kiến thức về việc đốt hở chất thải và sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, cùng những tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người và môi trường tại Việt Nam. (2) Nghiên cứu các giải pháp thay thế, hướng đến những phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường. (3) Tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng trọng điểm về hậu quả của việc đốt ngoài trời và sử dụng thuốc trừ sâu. (4) Đề xuất và thúc đẩy chính sách, nhằm giảm thiểu tác động của các hoạt động này. (5) Phân tích khả năng nhân rộng, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn áp dụng cho các quốc gia khác có điều kiện tương tự.
GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch VACNE phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ TN&MT) thay mặt lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường gửi lời cảm ơn những đóng góp bền bỉ của Hội trong suốt 36 năm qua, đồng thời bà cũng nhấn mạnh: Dự án hợp tác giữa VACNE, DEFRA và GAHP có ý nghĩa quan trọng và thiết thực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm với những tác động xấu tới biến đổi khí hậu, sức khoẻ con người và đa dạng sinh học ở Việt Nam và các quốc gia khác. Cục Kiểm soát ô nhiễm sẽ tiếp tục hỗ trợ, góp phần nhân rộng các kết quả có ý nghĩa Dự án này trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thiên Phương, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ TN&MT) phát biểu tại Hội thảo
15 báo cáo tham luận cùng hơn 30 ý kiến trao đổi, góp ý tại Hội thảo là cơ hội để các thành viên trong dự án cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, trao đổi sâu hơn về các giải pháp và thảo luận hướng đi tiếp theo để mở rộng quy mô, đưa các thành quả của dự án lan tỏa đến nhiều khu vực hơn.
Thay mặt Ban lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và Ban Chỉ đạo Dự án, PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Dự án cho biết: Chúng ta đều nhận thấy rằng, mối liên hệ chặt chẽ giữa vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ sức khỏe con người đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của chúng ta hiện tại mà còn định hình tương lai bền vững của toàn cầu.
Cũng theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, một trong những kết quả nổi bật là về nghiên cứu, phát triển và thí điểm áp dụng công nghệ thay thế để giảm đốt mở, thực hành nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, dự án đã xây dựng được các cơ chế hợp tác giữa các nhà khoa trong nước và quốc tế để phối hợp trong tổng quan tài liệu, xây dựng kiến thức, rà soát, đánh giá và lựa chọn công nghệ phù hợp.
"Đã rà soát nhiều loại hình công nghệ, lựa chọn danh sách ngắn 12 quy trình công nghệ để đánh giá theo các tiêu chí về khoa học và phù hợp thực tiễn Việt Nam. 06 loại hình công nghệ thay thế được lựa chọn đ loại hình công nghệ thay dụng thí điểm trong phạm vi dự án: Trồng nấm sử dụng rơm rạ sau thu hoạch; Phát triển quy trình thu gom và ủ rơm làm phân hữu cơ tại hộ gia đình sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma; Xử lý rơm với ure làm thức ăn gia súc; Nuôi trùn quế trên rơm rạ đã qua trồng nấm; Ủ rơm rạ làm phân bón ngay tại ruộng sử dụng, sử dụng chế phẩm sinh học đa chủng, đa chức năng do Viện Môi trường Nông nghiệp phát triển; Quy trình làm phân bón hữu cơ thích ứng với canh tác lúa ngay tại ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học do Đại học Nguyên Tất Thành phát triển và sản xuất".
Bên cạnh đó, đã thực hiện áp dung thí điểm các mô hình đề giảm đốt mở, thực hành nông nghiệp bền vững và kinh tế tuần hoàn tại các địa phương: Ninh Bình: Thử nghiệm mô hình (5) trên 2,2 ha và (6) trên 0,5 ha trồng lúa. Kết quả khảo sát cho thấy khả năng được tiếp nhận để nhân rộng là khoảng 40% hộ nông dân trên địa bàn xã. Thanh Hóa: Thử nghiệm mô hình 6 trên 0,5 ha trồng lúa, kết quả so sánh đối chứng ban đầu đạt hiệu quả tốt. Nông dân và địa phương để nghị thử nghiệm tiếp tục trên diện rộng. An Giang: Từ 15 mô hình thí điểm do dự án hỗ trợ (1) nấm rơm, (2) ủ ure làm thức ăn chăn nuôi, (3) phân bón, (4) nuôi trùn quế), đến nay đã được các hộ nông dân và tổ chức khuyến nông của địa phương tiếp nhận và áp dụng mở rộng lên 30 mô hình hộ gia đình. Đồng Nai: Thử nghiệm mô hình (5), từ diện tích 0,26 ha trồng lúa, đạt kết quả xuất sắc, được nông dân địa phương tiếp nhận và nhân rộng lên 1,04 ha, sau đó mở rộng lên đến 4,0 ha và 5,3 ha. Trà Vinh: Từ mô hình 0,8 ha, kết quả thành công và đã được tiếp nhận để nhân rộng lên 11 ha. Địa phương đã đề nghị tiếp tục nhân rộng áp dụng công nghệ này.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự án đã tiến hành đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội đối với từng giải pháp thay thế để giảm đốt mở trong nông nghiệp. Các mô hình này đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân tại các địa phương. Qua đó, góp phần tạo ra các giá trị về ổn định xã hội, nhất là khi các vụ mùa gặp khó khăn, và đã được các địa phương ghi nhận và đánh giá cao. Đã tiến hành đánh giá hiệu quả môi trường đối với từng giải pháp thay thế đốt mở trong nông nghiệp (giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính: Bụi (PM10, PM2.5), SO2, NO2, CO, CO2 và PAHs).
Ở phương diện truyền thông “Nâng cao nhận thức - Thay đổi hành vi và Sáng tạo Xanh - Sống trong lành”, dự án đã thực hiện khảo sát và đánh giá nhận thức tại 17 tỉnh thành, đại diện 6 vùng kinh tế của cả nước. Hơn 4000 mẫu/lượt người được khảo sát, định hướng vào các nhóm nông dân, cán bộ quản lý và đoàn thể cấp địa phương và cộng đồng, trong đó bao gồm cả sinh viên và các nhà nghiên cứu môi trường trẻ.
Kết quả khảo sát cho thấy, trước khi thực hiện dự án này, trung bình 23% số người được khảo sát cho rằng sẽ tiếp tục đốt mở trong nông nghiệp; trung bình ở miền Nam là 37%, trong một số địa phương có tỷ lệ gần 50%. Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục việc “đốt đồng”, với các lý do chủ yếu là “vì tin là có tác dụng tốt, nhanh, rẻ” và “thấy vui hay mùi thơm”. Vì vậy, cần có các giải pháp truyền thông phù hợp về mặt “văn hóa-xã hội” để thay đổi thói quen. 78.6% chưa được tiếp xúc thông tin một cách hiệu quả, đầy đủ về “đốt mở trong nông nghiệp”; 68% khẳng định có nhu cầu được đào tạo hay tập huấn trực tiếp, cụ thể; phần còn lại chấp nhận hình thức đào tạo khác (như online, media, báo đài, TV,...).
Trên cơ sở các kết quả khảo sát về hiện trạng nhận thức, nhiều hoạt động truyền thông đã được thiết kế và triền khai trong khuôn khổ Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức do VACNE thực hiện: Đã tổ chức 01 tọa đàm, 11 tin truyền hình, phát trên các kênh truyền hình quốc gia; 65 tin bài báo, 76 bài đăng mạng xã hội; 35 bài phỏng vấn (10 bài phỏng vấn chuyên gia, 5 bài phỏng vấn sinh viên, 15 bài phỏng vấn nông dân, 5 bài phỏng vấn nữ giới điển hình)
Ngoài ra, dự án đã tổ chức cuộc thi “Sáng tạo xanh - Sống trong lành” để kích thích sự chủ động tìm hiểu, cộng hưởng từ các hoạt động liên quan đến đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường và sức khỏe (giải pháp sáng tạo, giảm đốt rơm rạ ngoài trời, an toàn với thuốc bảo vệ thực vật, tái chế chất thải nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn,...).
Dự án này đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia dự thi từ nhiều học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học và một số tổ chức nghiên cứu khao học trên cả nước. 68 bài dự thi được lựa chọn qua vòng sơ khảo; đã tổng kết, phát thưởng cho 10 giải pháp vào vòng chung kết tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Một số bài dự thi đạt chất lượng cao đã được vinh danh, qua đó lan truyền các tác động tích cực. Đã có 57 bài về cuộc thi này được đăng mạng xã hội, với khoảng gần 100.000 lượt xem và 12000 tương tác/lượt thích. Số bài báo đưa tin về cuộc thi trên nhiều báo khác nhau là 30 bài. Chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng đã góp phần đáng kể để thay đổi hành vi đốt mở, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.
Ở nước ta, dù vẫn còn nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế, sức lan tỏa chưa đủ lớn như kỳ vọng. Tuy nhiên, cùng sự chung tay của các nhà khoa học, sự ủng hộ của địa phương và sự đồng hành của người nông dân, bằng tri thức và trách nhiệm. Các kết quả thí điểm liên quan đến đốt lộ thiên và hóa chất bảo vệ thực vật tại các địa phương tham gia Dự án sẽ được các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đánh giá tính hiệu quả, áp dụng nhân rộng mô hình tại địa phương, tích hợp vào các kế hoạch hành động của địa phương với mục đích bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe cộng đồng; giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu; giảm thiểu nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học đem đến chiếc chìa khóa cho một nền nông nghiệp xanh hơn, môi trường không khí trong lành hơn, không chỉ cho chúng ta mà còn cho thế hệ mai sau.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
PV. VACNE