Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.
Xuyên suốt chủ trương “Xanh và bền vững”
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh (GEF) 2023 diễn ra vào ngày 2/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam luôn đề cao quan điểm phát triển bao trùm, xanh và bền vững, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực; thúc đẩy phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Chính phủ sẽ giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cung cấp nguồn tài chính xanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và cùng nhau hợp tác để đáp ứng với các tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Thủ tướng nêu rõ, phát triển bền vững là quan điểm phát triển xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Việt Nam không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá.
Rõ ràng, quan điểm “xanh và bền vững” luôn là mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Để hướng đến việc phát triển bền vững, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, một trong những nền móng của nó chính là bảo vệ môi trường.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, TS.Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII khẳng định, tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazin) năm 1992 và Hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tổ chức ở Johannesburg (Cộng hòa Nam Phi) năm 2002, thế giới đã xác định phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa 3 mặt của sự phát triển gồm: Phát triển kinh tế (quan trọng nhất là tăng trưởng kinh tế); Phát triển xã hội (quan trọng nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm): Bảo vệ môi trường (BVMT) (quan trọng nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).
ĐBQH Trần Khắc Tâm nêu quan điểm, phát triển kinh tế bền vững là sự phát triển kinh tế không dựa trên việc khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy giảm sự đa dạng sinh học, không gây ra các sự cố môi trường, không làm gia tăng phát thải khí nhà kính… mà luôn có ý thức tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn sự đa dạng sinh học cho các thế hệ mai sau. Phát triển kinh tế bền vững được thể hiện qua chất lượng tăng trưởng được nâng cao, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng hợp lý, tích cực.
“Theo tôi được biết, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội VII của Đảng (năm 1991), Đảng ta đã đề ra phương hướng: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ mai sau”, ĐBQH Trần Khắc Tâm nói.
PGS.TS Lê Thị Thanh Hà, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh từng viết trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta luôn đề cao bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, mối quan hệ lớn “Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội” được bổ sung thêm thành tố: “Bảo vệ môi trường”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2026 tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh và bền vững…; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Bà Hà nêu quan điểm, ngay từ năm 1991, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991 - 2000. Tiếp theo đó, quan điểm về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong các chiến lược, kế hoạch, như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2025. Bên cạnh đó, trên cơ sở 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới trong giai đoạn 2015 - 2030 được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc vào tháng 9-2015, ngày 10-5-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg, “Về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, trong đó có tới 4 mục tiêu trực tiếp về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững” (khoản 2 Điều 4) và giải thích: “Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu” (khoản 2 Điều 3). Có thể thấy, bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ rất sớm và luôn được xác định trong công cuộc phát triển đất nước.
Nền móng của phát triển kinh tế bền vững
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, với mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, vấn đề bảo vệ môi trường phải đi trước, là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên. Quy hoạch phải có tư duy, tầm nhìn giúp các ngành kinh tế phát triển, đồng thời phòng, ngừa từ xa tác động tiêu cực đến môi trường.
“Quy hoạch phải là mục tiêu, động lực, yêu cầu phát triển. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án kinh tế - xã hội, mặt khác phải đồng bộ, nhịp nhàng với lộ trình quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng “thuận thiên” bền vững; cải thiện và phục hồi các khu vực ô nhiễm, suy thoái, nhất là những giá trị, hệ sinh thái cốt lõi của Việt Nam.
“Mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường phải được thực hiện trước khi triển khai các dự án kinh tế - xã hội.”
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS.TS Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng khẳng định, Việt Nam chúng ta đang thực hiện song hành kinh tế - môi trường và an sinh xã hội, với tinh thần lấy người dân là chính, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân… Điều kiện kinh tế hiện nay chúng ta phải thực hiện thay thế ngành hàng ô nhiễm, giảm ngành ô nhiễm sang năng lượng sạch.
Bà An chia sẻ, vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế là vấn đề rất nóng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở cả thế giới và trong khu vực. Trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển từ nền nông nghiệp lúa nước đi dần lên công nghiệp hiện đại, sự phát triển chưa hoàn thiện, hiện đại kèm theo sự ô nhiễm. Bên cạnh đó, chưa đầy đủ kinh nghiệm về nhận thức và kiến thức, có những lúc vì lợi nhuận vì kinh tế không để ý đến môi trường. Tuy nhiên trong giai đoạn gần đây, từ Quốc hội đến Chính phủ, đến Bộ Chính trị và người dân đều thấy rằng tác động của môi trường, sự ô nhiễm môi trường gây ra hậu quả quá lớn cho phát triển kinh tế, cho sự sống con người.
“Về quan điểm cá nhân tôi cho rằng, bảo vệ môi trường chính một trong những nền tảng cho việc phát triển kinh tế bền vững”, Viện trưởng Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật) cho rằng, cuối tháng 11/2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, gồm 16 chương, 171 Điều. Theo đó, dự án Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định cụ thể 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường, như: vận chuyển, chôn, lấp, đổ, thải, đốt chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy trình kỹ thuật, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Xả nước thải, xả khí thải ra môi trường chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại; virus độc hại có khả năng lây nhiễm cho con người, động vật; vi sinh vật chưa được kiểm định; xác súc vật chết do dịch bệnh và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật và tự nhiên. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thải khói, bụi, khí có mùi độc hại vào không khí.
“Tất cả các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường đã được quy định rõ ràng trong luật. Điều này cho thấy quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ môi trường từ phát triển kinh tế cho đến đời sống dân sinh đã được chú trọng như thế nào”, Luật sư Diệp Năng Bình bày tỏ.
4 nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 13/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký quyết định phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2050, môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành và an toàn của nhân dân; đa dạng sinh học được gìn giữ, bảo tồn, bảo đảm cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội hài hoà với thiên nhiên, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp được hình thành và phát triển, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Các nhiệm vụ trọng tâm Chiến lược đề ra:
- Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường.
- Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường.
- Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên.
- Chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Văn Chương