An ninh môi trường và sự hủy diệt của các nền văn minh. Bài 2: Văn minh Óc Eo
Thứ Hai, 17/09/2012 | 04:38:00 PM
(VACNE) - Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm khảo cổ thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nơi này đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam. Phù Nam xuất hiện từ thế kỷ thứ 1, đến thế kỷ thứ 7 thì biến mất như có phép lạ.
Nguyễn Đình Hòe - VACNE
.

Đồ trang sức Óc Eo bằng vàng (trái) và bản đồ Vương quốc Phù Nam (phải) [i]
Phù Nam là phiên âm Hán-Việt tên của một vương quốc cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện khoảng đầu Công Nguyên, ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông. Theo nhiều thư tịch cổ, thì trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này về phía Đông, đã kiểm soát cả vùng đất phía Nam Trung Bộ (Việt Nam), về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), về phía Nam đến phần phía Bắc bán đảo Malaysia[ii].
Vào thập niên 1920, Louis Malleret, một nhà khảo cổ học người Pháp, đã giải đoán không ảnh và phát hiện ra di tích cảng thị Óc Eo cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Các nghiên cứu khảo cổ sau này cho thấy không gian của văn minh Óc Eo vươn rộng ra vùng Bảy Núi (An Giang); Nền Chùa, Cạnh Đền, Mốp Văn ... (Kiên Giang) ; Gò Tháp (Đồng Tháp), Vĩnh Hưng (Long An) [iii]. Tiền Giang và Cần Giờ (TP HCM) và nhiều vùng khác ở miền Đông Nam Bộ.
Tại các di chỉ văn hóa Óc eo đã phát hiện được các sản phẩm gốm làm từ bàn xoay, vật dụng bằng đồng, đồ trang sức bằng vàng hoặc đá quý tinh xảo, công cụ chạc gốm 3 cạnh có tên là chạc gốm Gò Ô Chùa (xã Hưng Điền A, Vĩnh Hưng, Long An), nơi lần đầu phát hiện hàng ngàn chạc gốm. Chạc gốm 3 cạnh là dụng cụ để kê nồi nấu muối theo công nghệ nấu muối cổ của châu Âu thời đó. Địa điểm này là chỗ nấu muối cổ đầu tiên ở Việt Nam. Vấn đề thú vị là, hiện nay nó lại nằm cách xa bờ biển đến 150 km[iv]. Cũng tìm được các tượng thờ thần Ấn Độ Giáo, đôi khi gặp cả các đồng tiền vàng La Mã, Ba Tư... Nhiều di tích nơi cư trú, đường đi lát đá và xưởng thủ công rộng hàng vạn mét vuông cũng đã được phát hiện.
Nhiều công trình nghiên cứu khảo cổ đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương quốc Phù Nam[v]. Một số kỹ thuật khai thác địa hình trũng lầy có trình độ khá cao như cất nhà sàn bằng gỗ, xây dựng một hệ thống kênh đào tỏa rộng ở nhiều nơi trên đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mà dấu vết còn quan sát được trên hiện trường. Một nền thủ công nghiệp phát triển gồm các nghề: luyện kim, nấu thủy tinh, gốm và gạch, kim hoàn, chạm trổ trên đá và kim loại quý, tạc tượng, các loại bình gốm có vòi; nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc, thiếc, đá quý, thủy tinh; nhiều tượng thờ và những minh văn bằng chữ Phạn cổ…, đi đôi với dấu tích của một nền thương nghiệp hàng hải phát triển có phạm vi trao đổi rộng lớn với thế giới như các loại tiền, con dấu, con nêm... [vi]
Óc Eo – Phù Nam là một nền văn minh thủ công nghiệp và thương mại hàng hải quốc tế khá phát triển, chịu ảnh hưởng sâu đậm của Ấn Độ Giáo, Sau một thời rực rỡ, đế chế Phù Nam bắt đầu suy thoái vào cuối thế kỷ thứ VI. Cùng với sự suy yếu và sụp đổ của Vương quốc Phù Nam, văn minh Óc Eo cũng suy tàn dần. Tuy nhiên sự sụp đổ của một nền văn minh không ngắn ngủi như một vương triều. Người ta vẫn còn thấy dấu hiệu sản phẩm văn hoá “Hậu Óc Eo” trong vài ba thế kỉ sau khi Phù Nam sụp đổ. Cho đến nửa sau thế kỉ X, người ta không còn thấy dấu vết của nền văn hoá này nữa. Cát bụi thời gian đã vùi lấp hoàn toàn một nền văn minh từng ngự trên đỉnh cao văn hoá của khu vực Đông Nam Á cổ đại [vii]. Óc Eo là di tích tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành sớm nhất Đông Nam Á, có quá trình tồn tại và phát triển 7 – thế kỷ, mạnh nhất, ảnh hưởng lớn nhất khu vực nửa đầu thiên nhiên kỷ I sau công nguyên. Vì thế, di tích Óc Eo xứng đáng trở thành di sản văn hóa nhân loại.

Di chỉ khảo cổ Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
Nguyên nhân tàn lụi của Văn minh Óc Eo ít nhất gồm 2 vấn đề:
· Do không thích ứng với biến động môi trường.
Nền kinh tế Óc Eo là một nền kinh tế biển điển hình, với nhiều cảng thị, với giao lưu hàng hải quốc tế, với các xưởng sản xuất thủ công. Nền kinh tế biển này phải được hình thành trong giai đoạn Nam Bộ có điều kiện biển ưu thế vào nửa đầu thiên niên kỷ I sau Công nguyên. Những di tích biển vẫn còn hiện diện nhiều nơi ở Nam Bộ như cảng thị Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang), khu di chỉ làm muối Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng, Long An) hiện nay đã nằm sâu trong đất liền cách xa biển cả trăm km; các ngấn sõng vỗ cao 2m ở vùng núi đá vôi Kiên Lương; đường thông ra biển trong truyện cổ tích Thạch Sanh ở núi Thach Động Hà Tiên hiện nay vẫn còn mặc dù Thạch Động đã nằm sâu trong đất liền,…Rõ ràng mọi bằng chứng cho thấy cư dân Phù nam (Óc Eo) là cư dân có nền kinh tế biển là chính chứ không phải là cư dân nông nghiệp là chính.
Trong thời đại Óc Eo, hầu như tất cả những đồng bằng lớn của Việt Nam kể cả đồng bằng Bác Bộ cũng là biển (xin nhớ rằng vào thời Lý -Trần Phố Hiến ở Hưng Yên, cửa Thần Phù ở Nga Sơn Thanh Hóa vẫn là cửa biển), nhiều hóa thạch Trùng lỗ biển được phát hiện trong tầng trầm tích sét có niên dại 2000±250 năm ngay tại Vĩnh Phúc và nhiều nơi ở Hà Nội, ngang tuổi với các ngấn sóng vỗ trên các vách núi đá vôi ở Ninh Bình.
Sự bồi đắp nhanh chóng kèm biển lùi vào cuối thời đại Óc Eo đầu thiên niên kỷ I làm xuất hiện dần vùng châu thổ sông Mekong hiện đại. Đến khoảng giữa thế kỷ VI, các dải đồng bằng Việt Nam trong đó có Nam Bộ đã đã hình thành ở dạng cảnh quan đồng bằng phù sa lầy thụt. Trong bối cảnh đó, xã hội Phù Nam nhanh chóng bước vào thời kỳ tàn lui do không thích ứng với những biến động môi trường. Trong khi vào thời nhà Lý phía Bắc, việc xây dựng hệ thống đê điều đã giúp cho dân cư đồng bằng Sông Hồng chuyển dần sang một xã hội nông nghiệp thịnh vượng thì ở Phù Nam “công tác thủy nông không được coi trọng đúng mức, khiến cho lũ lụt của sông Mekong gây những tai họa khủng khiếp cho các cánh đồng ruộng trũng, biến những hạ du Mekong thành những vùng đồng lầy vô dụng; làng mạc tiêu điều, cư dân xơ xác” [viii]. Cùng với sự mở rộng cảnh quan đồng bằng lầy thụt (là chính) thay thế cho cảnh quan biển (là chính), nền văn minh Óc Eo suy tàn dần và mất dần sức mạnh.
· Do chiến tranh.
Ban đầu, Chân Lạp là một vương quốc nông nghiệp nhỏ bé có thủ phủ là Champasac ở nam Lào. Khi Phù Nam suy yếu đi, Chân Lạp lại dần mạnh dần lên. Vào khoảng nửa thế kỷ 7 (sau năm 627). Phù Nam vốn đã suy tàn, bị Chân Lạp chinh phục, và hợp nhất tạo thành vương quốc Khmer [ix] - chủ nhân của một nền văn minh mới đã xuất hiện dưới tên là văn minh Angkor. Một bộ phận dân cư của nền văn minh Óc Eo tiếp tục ở lại tạo ra giai đoạn “Hậu Óc Eo” thêm vài ba thế kỷ nữa nhưng cuối cùng nền văn minh biển hàng đầu Đông Nam Á này cũng đã bị diệt vong.[x]
Vĩ thanh
Hiện nay biển đang lấn dần vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổ tiên Óc Eo của chúng ta trước đây 15 thế kỷ có lẽ đã để lại cho con cháu ngày nay những kinh nghiệm về lối sống biển. Vấn đề là chúng ta có giải mã và áp dụng được những bài học kinh nghiệm đó hay không./.
[ii] Phù Nam. Tài liệu đã dẫn
[iv] Văn hõa Óc Eo. Tài liệu đã dẫn
[v] Lương Ninh. Vương quốc Phù nam (2005). NXB. Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội.
[vii] Nguyễn Thị Hương Gang và Nguyễn Khánh Minh (2012). Bảo tồn, khai thác di sản văn hóa Óc Eo phục vụ phát triển du lịch – dịch vụ từ cái nhìn của nghiên cứu lịch sử. Hội thảo KHXH và Nhân văn phục vụ phát triển KT-XH tỉnh An Giang – Trường ĐH An Giang,
[viii] Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Văn Nhung (1982). Nxb Đại Học & THCN, 1982.
[ix] Phạm Việt Trung, Nguyễn Xuân Kỳ, Đỗ Văn Nhung (1982). Tài liệu đã dẫn
[x]Nguyễn Thị Hậu.Văn Óc Eo – một nền văn hóa cổ ở Nam Bộ. Hội Sử học Việt Nam .http://newvietart.com/index4.97.html
Lượt xem: 4374
Các tin khác
Những điểm đến kỳ lạ ở Đông Nam Á (23/05/2014 09:40:AM)
Kế hoạch công tác phòng, chống thiên tai 2014 (22/05/2014 12:57:AM)
Đậu nành, thực phẩm vàng của thế kỷ 21 (10/05/2014 07:36:AM)
Điện Biên cần thêm xanh, thêm hấp dẫn (02/05/2014 03:39:PM)
Triển khai dự án phát triển du lịch bền vững tại miền Trung (25/04/2014 09:44:AM)
Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường (24/04/2014 11:04:AM)
Mê Kông lọt top 10 dòng sông du thuyền hấp dẫn nhất thế giới (19/04/2014 08:57:AM)
Vườn quốc gia Côn Đảo được cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái (14/04/2014 06:34:AM)
“Không gian xanh” Văn Thánh (13/04/2014 07:57:AM)