Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Văn hóa còn là dân tộc còn
11/24/2021 10:42:00 PM
Trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc sáng 24-11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định vai trò lớn của văn hóa: ‘Văn hóa còn là dân tộc còn’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bài phát biểu tâm huyết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liên tục nhận được những tràng vỗ tay của đại biểu tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Các đại biểu cảm nhận rõ tình cảm đặc biệt của Tổng bí thư dành cho văn hóa, tình yêu của Tổng bí thư đối với văn nghệ sĩ, với văn nghệ qua những bài thơ dài ông đọc như Chân quê của Nguyễn Bính, Việt Bắc của Tố Hữu…
Khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng bí thư nhấn mạnh rất vui mừng, vinh dự và hào hứng được dự hội nghị này.
Ghi nhận vai trò quan trọng của văn hóa, Tổng bí thư nói lâu nay văn hóa chưa được một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức đầy đủ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”.
Mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.
Điều này được Tổng bí thư khẳng định nhiều lần trong suốt bài phát biểu.
Tổng bí thư dẫn ra nhiều khái niệm văn hóa mang tính học thuật của các nhà nghiên cứu và cũng chia sẻ quan niệm giản dị của mình về văn hóa với hội nghị. Theo đó, văn hóa rất gần gũi với đời sống, khi người dân được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ công bằng… ấy chính là văn hóa.
Ngược lại, những xấu xa, bỉ ổi chính là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa.
Tổng bí thư lược lại lịch sử để cho thấy quan điểm xuyên suốt của Đảng về văn hóa ngay từ ngày đầu thành lập tới nay chính là văn hóa phải được đặt ngang hàng chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Không chỉ quan tâm phát triển văn hóa, Đảng ta đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa quần chúng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tổng bí thư khẳng định đây chính là điểm ưu việt của Đảng ta.
Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh, tinh thần cống hiến của người Việt Nam
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ:
1. Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
2. Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo...
3. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.
4. Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, bảo đảm sự công bằng.
Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
5. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
6. Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức tại phòng họp Diên Hồng của tòa nhà Quốc hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội
Chỉ rõ những giải pháp trong thời gian tới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ trung ương đến cơ sở.
Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa.
Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".
Đối với công tác quản lý nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, cần sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ trung ương đến cơ sở.
Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.
Trong quá trình đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa phải được xây dựng, bồi dưỡng tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương. Đặc biệt chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà.
Bên cạnh việc tập trung nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, cần phải chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa đỉnh cao, phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn hóa, nghệ thuật, có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh được sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước, có ý nghĩa tích cực trong việc xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam hiện nay.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh
Hiện nay, cả nước có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới" (riêng tỉnh Bắc Ninh đã có 2 di sản văn hóa thế giới là Dân ca quan họ và Ca trù)...
Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta.
Bác Hồ trước lúc đi xa còn dặn lại rằng: "Muốn yêu Tổ quốc mình thì phải yêu những khúc hát dân ca!" (Nhạc sĩ Trần Hoàn với bài hát rất xúc động "Lời Bác dặn trước lúc đi xa"; "Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò ví dặm").
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội.
Xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "quét sạch chủ nghĩa cá nhân", nguồn gốc của mọi sự tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng ngay trong các ngành văn hóa, các cơ quan làm công tác văn hóa.
Chú trọng thực hiện quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khóa XI, XII và đặc biệt là các kết luận, quyết định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng mới đây về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, sau hội nghị này, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng
Với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.
|
Theo Thiên Điểu - TTXVN
Lượt xem : 1592