Bên cạnh đó, từ năm 2013, khi Chính phủ có chủ trương dừng khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, nguồn tiền từ DVMTR đã giúp các công ty lâm nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất, có kinh phí hoạt động và hỗ trợ cho công tác
bảo vệ rừng trong thời gian thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Đến hết năm 2015, riêng Tây Nguyên có 46 công ty lâm nghiệp đã nhận được số tiền DVMTR trên 538 tỷ đồng. Nguồn tiền chi trả DVMTR khoảng 1.000 tỷ đồng/năm đã giải quyết khó khăn về kinh phí bảo vệ rừng cho 199 ban quản lý rừng, 84 công ty lâm nghiệp, 650 chủ rừng là tổ chức và tổ chức không phải là chủ rừng và hàng trăm ngàn hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng.
Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
Hồi 08h00 giờ ngày 17/8, vị trí tâm
áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9-10. Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-11. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới và sau đó là hoàn lưu bão, từ ngày 17/8 đến khoảng ngày 20/8 xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 - theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương.
Dự báo trong 12-24 giờ tới,
bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 07h00 ngày 18/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11-12. Khu vực Bắc biển Đông, vùng biển Vịnh Bắc Bộ và vùng ven biển Bắc Bộ tiếp tục có mưa dông và gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, hướng về vịnh Bắc Bộ và còn tiếp tục mạnh thêm.
Hà Nội: Mỗi năm bỏ 700 tỉ đồng cắt cỏ là có vấn đề
Chiều 16/8, trao đổi với PV báo Lao Động, TS. Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch - Hiệp hội
môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, việc cắt tỉa cây cảnh, vườn hoa… nếu tốn khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm tương đương khoảng hơn 30 triệu đô. Như vậy, là bình thường... nhưng… có vấn đề. “Khoảng 700 tỉ/năm- tương đương với hơn 30 triệu USD là chuyện bình thường trong việc chăm sóc cây xanh ở các thành phố lớn ở nước ngoài. Nhưng với khả năng làm ra tiền và kinh tế của thành phố thì… có vấn đề, nên cần phải xem xét lại là đúng”, ông Đạt nói.
Ông Đạt cho rằng Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lo lắng trước việc lãng phí trong chi phí cắt cỏ hàng năm trên địa bàn TP rất lớn là đúng, ông rất đồng tình. Tuy nhiên, việc TP quyết định dừng lại toàn bộ việc cắt tỉa và trồng cây hoa cảnh tại các vườn hoa trên địa bàn chỉ để lại một số vườn hoa xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số điểm quan trọng thì cần phải xem xét. Theo đó, ông Đạt cho rằng, việc có vườn hoa có cây xanh thì phải duy tu bảo dưỡng. Nếu thấy việc này tốn kém, giá cả không hợp lý, mất nhiều tiền, không đúng quy trình thì phải điều chỉnh, rà soát lại còn nếu không cắt tỉa cỏ, vườn hoa cây cảnh trên địa bàn TP thì đối với một đô thị như Hà Nội là không được.
Bà Rịa-Vũng Tàu: Trường vắng học sinh do ô nhiễm môi trường
Năm học mới đã bắt đầu nhưng trường mầm non Cỏ May (nằm trên địa bàn phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hầu như không tuyển được học sinh. Nguyên nhân do trường nằm trong khu vực bị
ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ các cơ sở chế biến hải sản. Có mặt tại trường mầm non Cỏ May vào ngày đầu năm học mới, mặc dù đã ngồi trong phòng kín, nhưng chúng tôi vẫn ngửi thấy mùi hôi thối bốc ra nồng nặc rất khó chịu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, xung quanh trường mầm non Cỏ May hiện nay có đến 5 cơ sở chế biến hải sản đông lạnh – theo TTXVN.
Người dân sống quanh khu vực này đã nhiều năm “kêu cứu” các cơ quan chức năng của thành phố Vũng Tàu cũng như của tỉnh, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến hải sản này nhưng chưa mạnh tay và triệt để nên mùi hôi vẫn không thuyên giảm. Trường mầm non Cỏ May được xây dựng và đưa vào hoạt động trong năm học 2015-2016, với kinh phí xây dựng hơn 46 tỷ đồng. Trường có diện tích hơn 7.600m2, với quy mô 2 tầng gồm 12 phòng học có thể tiếp nhận 350 học sinh. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng khang trang, thoáng mát. Tuy nhiên, năm học đầu tiên khi trường đưa vào hoạt động chỉ tuyển sinh được 120 học sinh. Tuy nhiên, số học sinh này cũng “rơi rớt” dần, đến cuối năm học vừa qua chỉ còn 90 em. Đến thời điểm này, trường mới chỉ tiếp nhận được thêm 25 hồ sơ mới, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của năm học này là 135 em.
Thay đổi khí hậu đe dọa đến tương lai Thế vận hội mùa Hè
Trong vòng 70 năm nữa, sức khỏe của những vận động viên tập luyện các môn thể thao sẽ gặp nguy hiểm bởi nhiệt độ tăng cao. Các nhà khoa học tính đến sự thay đổi cơ bản của Thế vận hội khi nhấn mạnh rằng nguy hiểm từ nắng nóng đe dọa sức khỏe các vận động viên, nhất là với những môn thể thao cần sức bền như điền kinh. Đây là những cảnh báo của một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Lancet (Anh) – theo VietnamPlus.
Tại Rio, cơ sở hạ tầng và
ô nhiễm từng là những vấn đề gây lo ngại trước khi diễn ra Olympic Rio 2016. Trong vài thập niên tới đây, nhiệt độ và độ ẩm cao sẽ có thể đe dọa việc tổ chức Thế vận hội thể thao mùa Hè. Theo kết luận của nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học Mỹ và New Zeland, với những nghiên cứu tập trung vào hệ quả của sự nóng lên của Trái đất tại các thành phố trên 600.000 dân, vào năm 2085, ngoài Tây Âu sẽ chỉ có 8 thành phố phía Bắc bán cầu có khí hậu đủ mát mẻ để có thể đón Thế vận hội thể thao mùa Hè.