Vietnamese English
Thu dịch vụ môi trường rừng tăng 20%

1/19/2022 7:36:00 AM

Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính chung năm 2021, tiền thu dịch vụ môi trường rừng tăng cao, vượt 20% so với năm 2020, đạt 111% kế hoạch. Trong đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 1.193 tỷ đồng.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là một chính sách đột phá tại Việt Nam kể từ khi được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc từ năm 2011. Chi trả dịch vụ môi trường rừng là cơ chế tài chính trong đó các bên được hưởng lợi dịch vụ rừng có trách nhiệm chi trả cho các bên cung cấp dịch vụ môi trường rừng. Mục tiêu của chính sách này là giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.

Theo Nghị định số 99/2010/ND-CP, các loại dịch vụ môi trường rừng bao gồm: bảo vệ nguồn nước; bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các
hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.


Chính sách dịch vụ môi trường rừng giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra nguồn tài chính ổn định nhằm bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả hơn.

Năm 2010, chính phủ
Việt Nam đã thiết lập mức chi trả cố định cho các dịch vụ bảo vệ nguồn nước và vẻ đẹp cảnh quan. Chính phủ cũng đã xác định những đối tượng cụ thể sử dụng dịch vụ môi trường rừng và có trách nhiệm chi trả các khoản phí dịch vụ môi trường rừng này như các công ty cấp nước, nhà máy thủy điện và các công ty du lịch; và những người cung cấp dịch vụ nhận nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là chủ rừng, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng hoặc tổ chức kinh tế. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đã trở thành nguồn tài chính quan trọng cho ngành lâm nghiệp qua việc gia tăng nguồn thu cho chủ rừng, giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước, và nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng.

Như vậy, chính sách này góp phần khẳng định vai trò và tầm quan trọng của chi trả dịch vụ môi trường rừng trong việc hỗ trợ tài chính cho ngành lâm nghiệp ở Việt Nam; thảo luận về việc sử dụng nguồn tài chính từ chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thực hiện chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp với mục đích đưa ra các đề xuất đề xuất nâng cao hiệu quả của chính sách.

Thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính chung năm 2021, tiền thu dịch vụ môi trường rừng tăng cao, vượt 20% so với năm 2020, đạt 111% kế hoạch. Trong đó, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Trung ương thu 1.922 tỷ đồng, Quỹ địa phương thu 1.193 tỷ đồng.

Theo kết quả rà soát, cập nhật diễn biến rừng, tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2021 ước đạt 42,02%, tăng 0,01% tương ứng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, hoàn thành chỉ tiêu do Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 124/2020/Q14.

Được biết, Quyết định số 523/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện nhiều điểm đột phá so với giai đoạn trước. Đặc biệt là việc quan tâm đến nâng cao chất lượng rừng; quan tâm đến phát triển kinh tế lâm nghiệp: Gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, hấp thu, lưu giữ CO2; phát triển ngành lâm nghiệp theo chuỗi; quan tâm đến nâng cao đời sống của người dân sống làm nghề rừng.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 được ban hành và hưởng ứng trên toàn quốc. Năm 2021 là năm đầu tiên nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh. Cụ thể, đã trồng gần 278.000 ha rừng tập trung, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2020; trồng 98,96 triệu cây phân tán, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với năm 2020.

Nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng

Chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần hỗ trợ các chủ rừng có nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo, vùng sâu vùng xa, sống phụ thuộc vào rừng. Các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng ngày càng ý thức hơn trong việc thực hiện chính sách.

 Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh miền núi phía Bắc chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng thu từ nguồn này của cả nước. Do đó, để tiếp tục phát huy tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng tại khu vực, theo Tổng cục Lâm nghiệp, cần đặc biệt quan tâm đến các dịch vụ như: hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng…

Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, cho đến nay, mới triển khai được 2 loại dịch vụ môi trường rừng chủ yếu, gồm dịch vụ về nước và cảnh quan. Hiện còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ môi trường rừng như: dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Đây là một trong những thuận lợi để định hướng phát triển chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới.

Nhằm để tiếp tục phát huy tiềm năng từ dịch vụ môi trường rừng tại các tỉnh phía Bắc, Tổng cục Lâm nghiệp đề xuất, tham mưu Chính phủ hướng dẫn cụ thể các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng đã được quy định tại Luật Lâm nghiệp gồm: dịch vụ kinh doanh du lịch sinh thái bên ngoài phạm vi khu rừng nhưng có sử dụng vẻ đẹp cảnh quan do rừng tạo ra; dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn và bán tín chỉ carbon quốc tế.

Cùng với đó, đề xuất nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng tiệm cận với giá trị thực mà rừng cung cấp. Đối với thủy điện nâng từ mức 36 đồng/Kwh điện lên 50 đồng/Kwh điện; đối với nước sạch nâng từ mức 52 đồng/m3 nước thương phẩm lên 60 đồng/m3,…

Đáng chú ý, đề xuất, tham mưu Chính phủ quy định lại cách tính đơn giá bình quân chi trả cho 1 ha rừng đối với tiền thu dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện trên cùng dòng sông chính, đảm bảo hài hòa các lợi ích của chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng và các nguyên tắc khoa học trong cung ứng dịch vụ môi trường của rừng; quy định lại cơ chế điều chỉnh khi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng chênh lệch quá lớn giữa các tỉnh có rừng trong cùng lưu vực sông...

(Theo Kinhtemoitruong)

Lượt xem : 1281