Thiên tai – “4 tại chỗ”
9/25/2024 1:24:00 PM
(VACNE) – Mới đây, trên kênh truyền thông Youtube của Hội đã xuất bản video có tên gọi: Thiên tai – “4 tại chỗ” và chỉ ít ngày đã có trên 1.000 “lượt xem”với nhiều bình luận tích cực. Hơn thế, sau khi chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của siêu bão Yagi, nhiều hội viên đề nghị đăng tải nội dung lời bình của video này lên Website Hội. Chúng tôi xin trân trọng trích đăng để bạn đọc cùng tham khảo.
…Có thể nói, một trong những thông tin thường gặp nhất trên các phương tiện truyền thông có lẽ là thông tin về thiên tai. Nào là động đất rồi sóng thần, chưa hết lũ lụt đã thấy hạn hán, chỗ này bão cát, bão tuyết, chỗ khác bão nhiệt đới, khắp nơi rừng bị cháy, rồi vân vân và vân vân. Đúng quá, cứ đọc trên báo, trên mạng ngày nào chẳng thấy những chuyện kiểu này.
Đài tiếng nói Việt Nam, ngày 4 tháng 1 năm 2024 đăng bài “2023 – năm của những hình thái thiên tai cực đoan, dị thường”. Trong đó, cho biết: năm 2023 với tổng cộng 5 cơn bão, 3 cơn áp thấp nhiệt đới; 179 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; 342 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển; 334 trận động đất… tiếp tục là một năm thiên tai mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường. Tính đến ngày 14/12/2023, thiên tai trong năm 2023 đã làm 166 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.228 tỷ đồng. Khi nói về thiên tai năm 2022,Tổng cục Khí tượng Thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: các vùng miền của cả nước đã xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần). Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng. Báo điện tử Chính phủ ngày 30 tháng 12 năm 2021 đăng tin “ Năm 2021: Giảm kỷ lục về thiệt hại do thiên tai” so với năm 2020, năm mà thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, thiệt hị gần 40.000 tỷ đồng, cũng phải nêu: “Năm 2021, thiên tai xảy ra khốc liệt, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản. Tại Việt Nam, có 841 trận thiên tai, với 18 loại hình trên tổng số 22 loại hình thiên tai, trong đó, 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại hơn 5.200 tỷ đồng”.
Các nước xung quanh ta, cũng không biết bao nhiêu tai họa do thiên tai gây ra. Cụ thể như: Thiên tai đã gây thiệt hại lớn ở Trung Quốc trong quý I năm 2024. Lũ lụt, hạn hán, động đất và điều kiện thời tiết băng giá ở Trung Quốc đã gây thiệt hại kinh tế trực tiếp 23,76 tỷ Nhân dân tệ (3,28 tỷ USD) trong quý I năm nay. Các thiên tai này đã khiến ít nhất 79 người thiệt mạng, 110.000 người cần nơi ở khẩn cấp, hơn 10 triệu người bị ảnh hưởng. Đấy là chưa kể đến những tổn thất nghiêm trọng xảy ra do các đợt mưa lũ kéo dài đang hoành hành hiện nay, khiến nhiều địa phương ở Trung Quốc phải nâng việc cảnh báo thiên tai lên mức cao nhất (Theo VTV ngày 15 /4/2024). Nếu lấy số liệu về thiệt hại do thiên tai ở các nước khác, ví dụ như Philippin, Indonesia và Ấn Độ thì cũng thấy những con số có thể nói là “đáng sợ” tương tự, vì theo chỉ số rủi ro thế giới 2023 mới được công bố, Philippin, Indonesia và Ấn Độ là những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất thế giới.
Đúng vào dịp kỷ niệm mười năm ngày Luật Phòng, chống thiên tai có hiệu lực (năm 2024) ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nan đã nhắc lại định nghĩa của thiên tai theo Luật sửa đổi : “Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác”. Và trước đó, ngày 17 tháng 3 năm 2021, Chính phủ cũng đã thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm xuyên suốt của Chiến lược này là “ Phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau. Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", đề cao vai trò chủ động tại cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức”. Còn quan điểm 2 xác định rõ phòng, chống thiên tai gồm 3 giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, trong đó lấy chủ động phòng ngừa là chính.
Chiến lược phòng, chống thiên tai nói trên đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP; hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai được hoàn thiện, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Đặc biệt, nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho từng vùng, miền cần cụ thể hóa, tương ứng với các loại hình thiên tai điển hình bao gồm: Vùng đồng bằng Bắc Bộ; vùng miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ; vùng duyên hải miền trung; vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long; trên biển và hải đảo và các đô thị lớn.
Với những ai quan tâm tới việc ứng xử của cộng đồng đối với vấn đề thiên tai, xin quan tâm tới “ một số mô hình điển hình về phòng chống thiên tai đã và đang phát huy hiệu quả” trong thời gian gần đây.Trong đó, phải kể đến mô hình phòng, chống thiên tai tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ” tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Đây là khu vực “rốn lũ” điển hình của miền Trung với khoảng 200 hộ dân hàng năm đều bị ngập sâu. Đến nay đã có khoảng 50% các hộ dân đều có nhà vượt lũ với tầng trên có thể đảm bảo vượt mức lũ lịch sử cao nhất; mỗi hộ có 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ. Các hộ dân đều dự trữ lương thực, thuốc men, chất đốt, nước sạch; vật nuôi được di chuyển lên núi khi có cảnh báo ngập lụt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho phù hợp với tình hình thiên tai.Hay tại xã Tân Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) là khu vực “rốn lũ” với 150 hộ dân. Khi có cảnh báo về mưa lũ, người dân đã chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; các hộ dân đều xây dựng nhà phao để chống lũ. Do vậy, trong các đợt mưa lũ vừa qua, hai địa phương nêu trên đều không bị thiệt hại về người mặc dù ngập sâu trong thời gian kéo dài.
.
Trở lại với Chiến lược phòng, chống thiên tai, ta thường gặp cụm từ“4 tại chỗ”. Đó là phương châm của Chiến lược. Phương châm bao gồm: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Phương tiện vật tư tại chỗ và Hậu cần tại chỗ. Để thực hiện hiệu quả phương châm này thì các cấp, ngành, các hộ gia đình và nhân dân... cần chuẩn bị các phương án cụ thể và chi tiết sát với loại hình thiên tai sẽ xảy ra để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời. Đồng thời và trước hết cần truyền thông làm sao cho người dân có hiểu biết về tính ưu việt của phương châm và vận động để mọi người dân cùng tích cực tham gia thực hiện. Tính đúng đắn, kịp thời và hiệu quả của phương châm “Bốn tại chỗ” đã được thể hiện rõ ràng qua thực tiễn nhiều năm qua.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nan, tác giả chính của Phương châm, để “ 4 tại chỗ” phát huy được kết quả trong phòng chống thiên tai, phải thường xuyên tập luyện, luôn rút kinh nghiệm, luôn sáng tạo cho các hoàn cảnh cụ thể đối với từng loại thiên tai trên địa bàn của từng địa phương.
Bị chú: Xin xem video “Thiên tai – 4 tại chỗ” trên kênh VacneGoGreen, nền tảng Youtube.
Lượt xem : 497